Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra tại Bộ Tài nguyên và Môi trường

17:35' - 21/12/2016
BNEWS Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ Bộ Tài nguyên và Môi trường cần báo cáo Thủ tướng 7 vấn đề.
 Ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính - thành viên Tổ công tác của Thủ tướng, phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN

Ngày 21/12, truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao từ đầu năm đến nay, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ Bộ Tài nguyên và Môi trường cần báo cáo Thủ tướng 7 vấn đề.

Đây là những vấn đề liên quan đến các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ như: việc xem xét trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức có liên quan trong sự cố môi trường ở 4 tỉnh miền Trung do Formosa gây ra; công tác dự báo; công tác quản lý nhà nước về môi trường, đất đai, tài nguyên khoáng sản; việc khai thác cát sỏi trái phép và công tác cán bộ.

Kiểm điểm tổ chức, cá nhân liên quan tới vụ việc Formosa

Nêu rõ, sự cố môi trường do Formosa gây ra ở 4 tỉnh miền Trung là rất đáng tiếc, thiệt hại vô cùng lớn, Bộ trưởng cho biết, Thủ tướng đã giao Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, xem xét, đánh giá các tổ chức, cá nhân có liên quan đến vấn đề cấp phép xả thải, đánh giá tác động môi trường, quy trình xử lý.

Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng cũng hứa với Quốc hội và Chính phủ là yêu cầu kiểm tra đánh giá, kiểm điểm nếu có vi phạm sẽ công bố công khai trước dư luận, báo chí. Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng phải báo cáo tiến độ thực hiện; lưu ý không nên để quá lâu, ảnh hưởng không tốt đến công tác chỉ đạo.

“Công luận, dư luận rất quan tâm. Chính Bộ trưởng cũng đã hứa với Quốc hội, hứa mà không làm, không công bố là không được. Chính phủ cũng rất lưu ý vấn đề này”, Bộ trưởng nêu.

Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, Bộ đã xem xét, kiểm điểm trách nhiệm các đơn vị, cá nhân có liên quan ngay từ khi xảy ra sự cố. Hiện Bộ đang phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Trung ương xác định các dấu hiệu vi phạm, phải căn cứ vào việc kiểm tra của đoàn để có phương hướng xử lý chính xác.

“Bộ đang chờ ý kiến của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đối với tập thể, một số cá nhân theo thẩm quyền của Ủy ban. Tiếp theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ triển khai đầy đủ các quy trình theo quy định của pháp luật về xử lý, kỷ luật đối với cán bộ để đảm bảo việc này vừa dân chủ, vừa chính xác và nghiêm minh”, Bộ trưởng Hà giải thích về việc chưa triển khai ngay việc xem xét, kiểm điểm cán bộ.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị, sau khi có kết luận của đoàn kiểm tra, với trách nhiệm quản lý, Bộ cần báo cáo sớm, kiểm điểm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, xử lý vi phạm nếu có.

Thay đổi quan điểm cấp quyền sử dụng đất để tận thu nguồn lực

Đề cập đến lĩnh vực đang rất nóng hiện nay là đất đai, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, chính sách đất đai, vấn đề tích tụ ruộng đất, quản lý đất rừng, chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc là những vấn đề Thủ tướng rất quan tâm.

Đất đã giao lâu dài cho các hộ nông dân quản lý nhưng còn nhỏ lẻ, manh mún, sản xuất nhỏ, nếu không có chính sách, cơ chế thì không thể công nghiệp hóa nông nghiệp, phát triển nông nghiệp công nghệ cao được.

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường cần sớm có đề xuất với Thủ tướng để có chính sách, cơ chế để thu hút đầu tư, nhưng đồng thời vẫn bảo đảm được công tác quản lý.

“Đặc biệt, khi chúng ta thấy rằng, báo chí vẫn đặt vấn đề là sổ đỏ thì in nhiều nhưng cấp thế nào, có cấp hết không hay là sổ đỏ nằm trong tủ của cán bộ địa chính. Thế rồi ngay cả vấn đề đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, vấn đề chi phí không chính thức, chi phí quá cao, có những khó khăn phức tạp đến người dân để nhận được bìa đỏ”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đặt vấn đề.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, hiện đại hóa nông nghiệp, phát triển nông nghiệp công nghệ cao và tham gia của khối doanh nghiệp là rất cần thiết. Trên phương diện quản lý Nhà nước về vấn đề đất đai, Bộ sẽ trao đổi với Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn để có những giải pháp tháo gỡ.

Tuy nhiên, hạn điền không phải là chìa khóa để giải quyết, mà cần có cơ chế, chính sách để tích tụ được, đòi hỏi các giải pháp tổng thể để khuyến khích nông dân tham gia, đảm bảo về mặt pháp lý lâu dài cho nông dân cũng như bảo vệ lợi ích doanh nghiệp khi thuê đất.

Đất đai đã giao cho người dân quản lý gần như 100%. Quỹ đất nhà nước quản lý là để phục vụ cho quá trình phi nông nghiệp. Nếu thay đổi, đây là vấn đề rất hệ trọng về mặt chính trị.

“Chúng ta không thể phân bổ đất đai từ nông dân này sang nông dân khác, từ người này sang người khác. Hạn điền không ảnh hưởng đến vấn đề tích tụ đất đai”, Bộ trưởng khẳng định. Theo Bộ trưởng, Luật đã cho phép chuyển đổi quyền sử dụng đất, có thể thuê lại, mua lại các quyền. Việc tích tụ cần đồng bộ các chính sách để làm sao người có đất sẵn sàng cho thuê lại và đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho họ.

Trước thực tế có đến 60 – 70% khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai, Bộ trưởng cho biết, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là giúp cho nhà nước quản lý đất đai tốt hơn. Bộ sẽ mạnh dạn đề xuất với Chính phủ, Quốc hội để xem xét có cơ chế là cấp quyền sử dụng đất là trách nhiệm của Nhà nước.

“Hiện có một số quan điểm, nhiều địa phương cho rằng cấp là phải nhằm mục đích phát triển, tận thu nguồn lực, phải thay đổi quan điểm này để làm sao chúng ta quản lý được 100% đất đai”, Bộ trưởng đề xuất.

Bộ trưởng Hà cũng cho hay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về đất đai thông suốt, để dịch vụ đất đai đến với bà con theo đúng tinh thần phục vụ người dân, tất cả các thủ tục hành chính công khai minh bạch, cung cấp dịch vụ công tốt nhất cho người dân.

 Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng dẫn đầu, làm việc tại Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN

Bảo vệ môi trường bền vững

Khẳng định quan điểm của Chính phủ là phát triển bền vững, từ “màu nâu” sang phát triển màu xanh, không vì bất kỳ lý do gì mà đánh đổi môi trường, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng công tác quản lý nhà nước về môi trường cần phải có thái độ rất sớm của Bộ Tài Nguyên và Môi trường.

Là cơ quan quản lý nhà nước về môi trường, Bộ cần có thái độ xem xét nghiêm túc vấn đề cấp phép, quy trình đánh giá tác động môi trường.

Nhận định Formosa chỉ là khởi đầu cho một sự kiện nóng bỏng, với chính sách phát triển và năng lực, trình độ, nhận thức và cách thức quản lý trước đây, tình trạng vi phạm pháp luật về môi trường là rất phổ biến, Bộ trưởng Hà cho biết Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành thanh tra 336 doanh nghiệp có nguồn thải từ 500m3/ngày đêm trở lên và đang hoàn thiện kết luận thanh tra.

Bộ sẽ báo cáo Chính phủ về tình hình các khu, cụm công nghiệp hiện nay, kiến nghị một số giải pháp, để có lộ trình giải quyết. “Nếu làm nghiêm theo quy định của Luật thì 90% doanh nghiệp chưa đáp ứng đầy đủ quy định. Trên thực tế các nguồn thải, khí thải, chất thải rắn, nước thải là chưa kiểm soát được”, Bộ trưởng cho hay.

Nhận trách nhiệm trong công tác quản lý môi trường, trong đó có vấn đề tham mưu về cơ chế chính sách, Bộ trưởng cho biết, giữa các bộ luật thiếu sự gắn kết đồng bộ, những công cụ quản lý môi trường đề ra nhưng thực hiện thiếu tính khả thi, các quy định thiếu rõ ràng, trách nhiệm không cụ thể vì các công cụ không phát huy hiệu lực.

Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn; tăng cường khả năng giám sát về môi trường ở các vùng trọng điểm và khu công nghiệp; tăng cường đội ngũ cán bộ để chính sách pháp luật ban hành thì việc tổ chức gắn với cơ chế trách nhiệm.

Xây dựng đội ngũ cán bộ tốt

“Chúng ta không chỉ tốt ở Chính phủ mà phải tốt ở cơ sở, vì tất cả những khiếu kiện của dân, cả đơn giản đến phức tạp, đông người, các điểm nóng thì đều liên quan đến đất đai. 70% vấn đề khiếu kiện liên quan đến đất đai”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đặt vấn đề, khi nói đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ.

Truyền đạt ý kiến của Thủ tướng về vấn đề này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, liên quan đến đất đai, cán bộ địa chính ở cơ sở là rất quan trọng. Địa phương nào không quản lý tốt, không xây dựng hệ thống phần mềm quản lý, không có đội ngũ cán bộ quản lý tốt thì ở dưới sẽ rất dễ vi phạm.

Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh trong công tác quản lý cán bộ, cần có giải pháp để quản lý bằng hệ thống công nghệ thông tin. Điều này đặc biệt hữu ích trong quản lý những biến động về đất đai, chuyển mục đích sử dụng đất.

Khẳng định việc phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực tài nguyên môi trường cho địa phương là rất lớn. Với tổ chức bộ máy, lực lượng cán bộ địa phương, công nghệ như hiện nay, sẽ rất khó khăn khi Quốc hội, Chính phủ đặt nhiệm vụ này lên vai. Với lực lượng cán bộ hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường không thể đáp ứng được. Đa số dự án lớn hiện nay, hoàn toàn do địa phương phê duyệt.

“Vì sao không giám sát được sự cố Formosa, bởi vì thực tế vấn đề giám sát, quan trắc Formosa chỉ làm 3 năm 1 lần mới cử cán bộ để quan trắc, điều tra đánh giá cơ bản tài nguyên môi trường biển, việc để đặt trạm quan trắc lần này mới đặt ra”, Bộ trưởng bày tỏ. Trước yêu cầu giải trình của Thủ tướng về công tác dự báo, cảnh báo từ xa đối với những vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu, người đứng đầu ngành Tài nguyên và Môi trường thừa nhận công tác dự báo của khí tượng thủy văn của Việt Nam chưa đáp ứng yêu cầu, còn thiếu tính chính xác.

Ông lý giải rằng năm nay diễn biến thời tiết khí hậu rất thất thường, trong khi hệ thống dự báo, nhất là dự báo bão từ biển đổ bộ vào còn bất cập và kiến nghị Nhà nước tăng cường đầu tư để có mạng lưới dự báo ít nhất bằng khu vực.

7 nhiệm vụ tồn đọng

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên Môi trường, từ ngày 1/1/2016 đến 5/12/2016, Bộ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao 596 nhiệm vụ, trong đó có 60 nhiệm vụ liên quan đến việc giải quyết sự cố môi trường gây hải sản chết bất thường tại 4 tỉnh miền Trung.

Đến nay, Bộ đã hoàn thành 501 nhiệm vụ, 85 nhiệm vụ đang triển khai, 7 nhiệm vụ đã quá hạn chưa hoàn thành. Rút khỏi chương trình có 2 đề án và 1 đề án Thủ tướng giao lại cho Bộ Công thương. Trong 7 nhiệm vụ chưa hoàn thành, có 1 nhiệm vụ liên quan đến việc giải quyết sự cố môi trường là “xây dựng dự án xây dựng hệ thống quan trắc và cảnh báo môi trường biển 4 tỉnh miền Trung”.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa cho biết, dự án xây dựng hệ thống quan trắc và cảnh báo môi trường biển 4 tỉnh miền Trung được thực hiện trên phạm vi nhiều tỉnh. Để bảo đảm được khả năng tiếp nhận, quản lý, vận hành của các địa phương, việc đánh giá năng lực triển khai, duy trì vận hành dự án sau khi hoàn thành cần được rà soát, cân nhắc kỹ.

“Do khả năng cân đối vốn cho dự án chưa đáp ứng được mục tiêu đề ra nên Bộ buộc phải điều chỉnh giảm quy mô đầu tư của dự án. Hiện nay Bộ đang tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện lại báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án, báo cáo Thủ tướng trong tháng 12/2016”, Thứ trưởng Hoa thông tin./.

>>> Đánh giá việc khắc phục các tồn tại, vi phạm môi trường của Formosa Hà Tĩnh

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục