Tốc độ tự động hóa của Australia đang tụt hậu

08:00' - 15/08/2020
BNEWS Trung tâm Việc làm cho Tương lai của Viện nghiên cứu Australia ngày 14/8 công bố một báo cáo cho biết, tốc độ tự động hóa của "xứ chuột túi" đang tụt hậu so với một số quốc gia công nghiệp khác. 

Theo báo cáo trên, hoạt động đầu tư vào máy móc công nghệ mới của Australia hiện ở mức thấp nhất kể từ giai đoạn kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ hai.

Báo cáo có tên gọi "Robot không xuất hiện" đã trực tiếp phủ nhận những lo ngại về việc robot sẽ sớm chiếm lĩnh việc làm của người lao động và làm dấy lên mối quan tâm về hoạt động đầu tư vào lĩnh vực công nghệ của Australia.

Giám đốc Viện nghiên cứu Australia, đồng thời là trưởng nhóm nghiên cứu nói trên, Jim Stanford, nhận xét sự chậm lại và đảo ngược trong quá trình tăng trưởng năng suất lao động của Australia đã bác bỏ quan điểm cho rằng người lao động sẽ sớm bị thay thế bởi máy móc.

Đây là một thông tin tốt nếu xét trên khía cạnh an ninh việc làm, đặc biệt là trong các ngành năng suất thấp, công nghệ kém phát triển và lương cơ bản thấp. Tuy nhiên, Tiến sỹ Stanford cũng nhận định do chi tiêu cho lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng công nghệ mới đang giảm xuống, Australia hiện xếp thứ hạng thấp trong danh sách các nước công nghiệp mạnh của thế giới.

Theo báo cáo, số lượng máy móc và thiết bị trung bình được sử dụng bởi một công nhân Australia điển hình đã giảm 6% kể từ năm 2014. Việc ít tự động hóa và kém đổi mới làm giảm năng suất của các công ty Australia, vốn đã giảm trong ba năm liên tiếp gần đây - một mức thấp khác sau thời kỳ chiến tranh".

Tiến sỹ Stanford nhấn mạnh các doanh nghiệp Australia đã không đầu tư đủ vào công nghệ mới. Trong khi đó, nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp lại hay phàn nàn rằng vấn đề năng suất của Australia là do các tác động bên ngoài, thuế quan và công đoàn.

Tuy nhiên, nhiều bằng chứng cho thấy họ đã không đầu tư vốn vào công nghệ mới và ít hứng thú với việc cập nhật ứng dụng khoa học kỹ thuật.

Ông Stanford kêu gọi các doanh nghiệp Australia cần tập trung hơn nữa vào việc phát triển khoa học công nghệ để từng bước cải thiện năng suất, nếu không muốn mất dần lợi thế cạnh tranh trên trường quốc tế./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục