Tổng thống Mỹ mất kiên nhẫn với giai đoạn ngừng sản xuất

22:01' - 23/03/2020
BNEWS Ngày 23/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra thông điệp rất mạnh mẽ cho thấy ông dần mất kiên nhẫn khi chứng kiến hoạt động sản xuất tạm ngừng vì các biện pháp cách ly trên diện rộng.

Theo phóng viên TTXVN tại Rome, ngày 23/3, Chủ tịch Liên đoàn Giới chủ công nghiệp Italy (Confindustria) Vincenzo Boccia cảnh báo nước này có khả năng bước vào giai đoạn "nền kinh tế thời chiến" sau khi chính phủ thông qua các biện pháp nghiêm ngặt, ngừng mọi hoạt động sản xuất không thiết yếu, nhằm ngăn chặn dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lây lan.

Phát biểu trên Radio Capital, Chủ tịch Confindustria ước tính nếu Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Italy là 1.800 tỷ euro/năm thì hoạt động sản xuất mang lại 150 tỷ euro/tháng, và nếu ngừng 70% hoạt động sản xuất, Italy sẽ mất khoảng 100 tỷ euro/tháng.

Theo ông Boccia, chỉ 20-30% hoạt động sản xuất thiết yếu được duy trì sẽ gây tổn thất lớn cho quốc gia. Italy sẽ phải đối mặt với một khoản nợ khổng lồ, chỉ có thể được trả trong vòng 30 năm, như “một khoản nợ thời chiến”. Tuy nhiên, ông Boccia khẳng định Italy phải chiến thắng trong cuộc chiến chống lại virus SARS-CoV-2, chưa xét đến sự hồi sinh của nền kinh tế.

Chủ tịch Confindustria đề xuất Chính phủ Italy mở rộng quỹ bảo lãnh tín dụng,  cho phép các công ty có thanh khoản ngắn hạn để vượt qua giai đoạn khó khăn này, cũng như cần có hành động hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp trong giai đoạn chuyển đổi. Hành động của chính phủ là để đảm bảo khi dịch bệnh kết thúc, các công ty mở cửa trở lại và mọi hoạt động sẽ dần trở lại bình thường.

Liên quan tới biện pháp hỗ trợ hệ thống y tế trong ứng phó với tình trạng khẩn cấp do dịch COVID-19, cùng ngày, Thủ tướng Giuseppe Conte thông báo chính phủ tiếp tục đặt mua hơn 6.500 máy thở và 120 triệu khẩu trangsẽ được cung ứng trong tuần tới.

Trong ngày 23/3, Italy đã cung cấp bổ sung 4 triệu khẩu trang và 125 máy trợ thở tới các bệnh viện. Trước đó, người đứng đầu Cơ quan Bảo vệ dân sự Angelo Borrelli cho biết số ca nhiễm mới trong ngày 22/3 đã giảm và hy vọng tiếp tục duy trì xu thế này. Cụ thể trên 2 chỉ số: số ca tử vong mới ngày 22/3 (tăng 651 ca) thấp hơn so với ghi nhận trong ngày 21/03 (tăng 793 ca); và tổng số ca nhiễm mới là 5.560 ca - thấp hơn ngày 21/03 (6.557 ca). Tuy nhiên, ông Borrelli khuyến cáo người dân không mất cảnh giác và tiếp tục tôn trọng các biện pháp chính phủ thông qua.

Không chỉ Italy, nhiều nền kinh tế khác cũng đang chịu tác động mạnh của dịch bệnh COVID-10. Nền kinh tế số một thế giới là Mỹ cũng đang bị gián đoạn nghiêm trọng vì các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Ngày 23/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra thông điệp rất mạnh mẽ cho thấy ông dần mất kiên nhẫn khi chứng kiến hoạt động sản xuất tạm ngừng vì các biện pháp cách ly trên diện rộng. Ông khẳng định sẽ không thể để cho "việc điều trị" lại gây ra hậu quả tồi tệ hơn dịch bệnh.

Đến cuối giai đoạn cách ly 15 ngày, Mỹ sẽ tự quyết định đường đi riêng. Giai đoạn 15 ngày mà ông Trump đề cập bắt đầu có hiệu lực từ ngày 16/3 và dự kiến kết thúc vào ngày 31/3.

Tổng thống Trump đưa ra tuyên bố trên trong khi giới chức y tế và chính quyền các bang đang chịu tác động mạnh nhất của dịch bệnh hy vọng các biện pháp hạn chế đi lại và ngừng sản xuất sẽ tiếp tục được duy trì thêm một thời gian nữa.

Khi trả lời những phản hồi dòng trạng thái mới của mình, ông Trump khẳng định sau 15 ngày, nhóm nguy cơ cao sẽ được bảo vệ bằng những biện pháp cần thiết trong khi nhóm còn lại sẽ trở lại công việc và cuộc sống hằng ngày. 

Cùng ngày, Cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) Mervyn King nhận định nền kinh tế thứ 5 thế giới đang đối mặt với một thách thức nghiêm trọng hơn cuộc khủng hoảng năm 2008 khi hệ thống ngân hàng của Anh gần như sụp đổ.

Ông Mervyn King, lãnh đạo BOE từ năm 2003 tới 2013, cảnh báo tác động của đại dịch COVID-19 đối với nền kinh tế Anh và thách thức chính sách của cuộc khủng hoảng lần này sẽ khắc nghiệt hơn và khó ứng phó hơn so với cuộc khủng hoảng tài chính giai đoạn năm 2008-2009.

Trong khủng hoảng tài chính, chỉ một số lượng nhất định các thể chế tài chính cần phải được cứu trợ và hầu như chính phủ biết cần phải làm gì nhưng trong tình huống dịch bệnh, mọi thứ đều không thể đoán định.

Để ứng phó với đợt dịch bệnh này, Chính phủ Anh đã cam kết 330 tỷ bảng (381 tỷ USD) bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp và công bố biện pháp hỗ trợ chưa từng có tiền lệ để đảm bảo các nhân viên vẫn được trả lương trong khi BOE đã triển khai chương trình mua tài sản trị giá 200 tỷ bảng.

Nhiều doanh nghiệp tại Anh hiện đang chật vật duy trì hoạt động hoặc để không bị phá sản. Cựu thống đốc BOE dự đoán sẽ có thêm nhiều gói hỗ trợ khác sẽ được tung ra, bởi trong thời gian tới chính phủ sẽ còn phải tính toán các biện pháp hỗ trợ thu nhập cho những lao động tự do./.

>>>Nhiều hãng ô tô tạm ngừng sản xuất tại Ấn Độ do dịch COVID-19

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục