Top 6 chiến lược ưu tiên của ngành ngân hàng trong thời kỳ COVID-19

16:54' - 20/07/2021
BNEWS Kết quả khảo sát của Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) đã chỉ ra Top 6 chiến lược ưu tiên hàng đầu của các ngân hàng trong thời kỳ hiện nay.

Trước bối cảnh kinh tế - xã hội và môi trường đang có nhiều rủi ro, thách thức, trong năm 2021, các ngân hàng sẽ tiếp tục thực hiện các mục tiêu như vừa đảm bảo kết quả kinh doanh, các chỉ số tài chính theo chiến lược và cam kết với nhà đầu tư, vừa thực hiện chính sách hỗ trợ khách hàng trong giai đoạn khó khăn.

Kết quả khảo sát của Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) đã chỉ ra Top 6 chiến lược ưu tiên hàng đầu của các ngân hàng trong thời kỳ hiện nay.

Đó là tiếp tục đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi số ngân hàng, thiết kế các biện pháp khuyến khích khách hàng sử dụng nhiều hơn sản phẩm số; đổi mới, đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng thị trường hoạt động; tăng vốn điều lệ; chuyển dịch cơ cấu hoạt động của ngân hàng; tăng cường quản trị rủi ro; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực thích ứng với chuyển đổi số.

Đi vào phân tích cụ thể, ông Vũ Đăng Vinh, Tổng Giám đốc Vietnam Report cho hay, năm 2021, đại dịch COVID-19 ảnh hưởng mạnh mẽ hơn năm 2020. Điều này thấy rất rõ qua đợt bùng phát dịch lần thứ tư như ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước hiện nay. Hòn tuyết này càng lăn càng to và nhóm ngân hàng sẽ chịu áp lực chung buộc phải giảm lãi suất cho vay về một mức nào đó.

Như vậy sẽ làm giảm biên độ lãi ròng. Nhóm ngân hàng quốc doanh sẽ chịu áp lực cao hơn từ Ngân hàng Nhà nước. Để giữ vững kết quả kinh doanh, các ngân hàng thương mại sẽ thực hiện chuyển dịch cơ cấu hoạt động của ngân hàng thông qua gia tăng tỷ trọng thu nhập phi tín dụng, cơ cấu lại danh mục nguồn vốn theo hướng tiết giảm chi phí như tăng tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn.

Năm 2020 chiến lược tăng tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn là một cuộc đua giữa các ngân hàng Techcombank, MBbank, Vietcombank. Nhưng năm 2021 sẽ có cuộc đua mạnh mẽ hơn khi nhiều ngân hàng giảm các phí chuyển tiền giữa các ngân hàng với nhau để tăng tiền gửi không kỳ hạn.

Khi tỷ lệ này cao sẽ giảm chi phí vốn của ngân hàng và góp phần làm biên độ lãi ròng tăng cao hơn. Đây là giải pháp phù hợp với tình hình hiện tại, tăng tỷ lệ tiền gửi giúp thanh khoản ngân hàng tốt hơn và đồng thời buộc các ngân hàng phải đưa ra các giải pháp để tăng chất lượng, cũng như giảm phí dịch vụ.

Với giải pháp tăng vốn điều lệ, theo đại diện Vietnam Report, năm 2021 gần như là một cuộc thi đua tăng vốn của nhóm ngân hàng với vốn đăng ký tăng thêm khoảng 82.000 tỷ đồng. Điều này giúp cho ngành ngân hàng có một nền vốn mới tốt hơn. Bên cạnh đó, việc tăng vốn cũng thúc đẩy cho tăng trưởng tín dụng và thị trường chứng khoán.

Theo khảo sát của Vietnam Report, một số ngân hàng đã triển khai chiến lược đổi mới, mở rộng thị trường thông qua việc tiếp tục khai thác thế mạnh và nhân rộng mô hình hoạt động tại thị trường nông thôn, nông nghiệp, đẩy mạnh tài trợ chuỗi và liên kết với các đối tác nền tảng, khai thác tốt khách hàng hệ sinh thái.

Các ngân hàng cũng đã có những bài học kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2008–2009 về quản lý vốn, thanh khoản và ứng phó với khủng hoảng nên đã có sự chuẩn bị tốt hơn hầu hết các tổ chức khác. Nhưng trong bối cảnh kinh tế mới, các ngân hàng không chỉ tăng cường quản trị rủi ro tài chính mà còn tích hợp cùng quản trị an ninh mạng, quản lý rủi ro mô trường, xã hội trong thẩm định dự án.

Kết quả phân tích uy tín truyền thông (mediacoding) của Vietnam Report cũng chỉ ra bức tranh về ngành ngân hàng trong năm 2020 được phản ánh rõ qua lăng kính truyền thông những vấn đề như tài chính/kết quả kinh doanh; cổ phiếu; sản phẩm; hình ảnh, scandal; giá (lãi suất, phí dịch vụ)...

Ngân hàng là trụ cột của nền kinh tế, cùng nhiều sự kiện như việc ngân hàng chuyển sàn, tăng vốn, nhóm ngân hàng trong giai đoạn nghiên cứu có lượng tin về chủ đề cổ phiếu tăng cao hơn so với năm trước và xuất hiện nhiều nhất trên truyền thông.

So với các giai đoạn nghiên cứu trước, lần đầu tiên nhóm nghiên cứu và phát triển xuất hiện trong Top 10 chủ đề nổi bật, điều này cho thấy sức sáng tạo, sự nỗ lực và linh hoạt của ngành ngân hàng để vượt qua những khó khăn trong đại dịch và đưa đến cho khách hàng những trải nghiệm tốt nhất...

Xét về độ bao phủ trên truyền thông, các ngân hàng như Vietcombank, BIDV, HDbank, Vietinbank, Sacombank, VPBank là những ngân hàng dẫn đầu về số lượng tin trên các trang báo có ảnh hưởng.

Trong bối cảnh nền kinh tế đang có nhiều thay đổi, ngành ngân hàng vẫn đang gặp nhiều khó khăn vướng mắc và rất cần tiếp tục nhận sự hỗ trợ. Ngoài việc điều hành chính sách tiền tệ phù hợp, linh hoạt với diễn biến thị trường, các chuyên gia về lĩnh vực ngân hàng đều cho rằng, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục đồng hành và hỗ trợ các tổ chức tín dụng trong quá trình cấp vốn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Đồng thời, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng tăng vốn, đảm bảo tiêu chuẩn Basel II.

Việc này cần phải được thực hiện nhanh hơn, quyết liệt hơn. Song song đó, cần hoàn thiện thể chế pháp luật với các mô hình kinh doanh mới; hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, hệ thống thanh toán, hệ thống dữ liệu để không chỉ đảm bảo tối đa cho xu thế chuyển đổi số, mà còn đảm bảo an toàn cho hệ thống thanh toán.

Trong khảo sát của Vietnam Report vào tháng 6/2021, có 75% ngân hàng nhận định hệ thống dữ liệu quốc gia chưa được hoàn thiện. Đây chính là 1 trong những thách thức lớn nhất của quá trình chuyển đổi số và cần sự hỗ trợ của Chính phủ để đẩy nhanh hơn tiến trình số hóa./.

>>Tương lai nào cho ngân hàng số tại Việt Nam?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục