Toyota và GM đưa ra cảnh báo khẩn cấp đối với chủ sở hữu 61.000 xe về túi khí

09:30' - 09/02/2024
BNEWS Toyota của Nhật Bản và GM của Mỹ đã đưa ra cảnh báo khẩn cấp, yêu cầu chủ sở hữu của 61.000 ô tô thuộc các dòng Corolla, Matrix, RAV4 và Pontiac Vibe đời cũ tạm ngừng sử dụng xe do lỗi túi khí.

Những xe thuộc diện cảnh báo bao gồm một số mẫu xe ô tô Corolla cỡ vừa, xe hatchback Matrix đời 2003 và 2004, xe SUV cỡ nhỏ RAV4 đời 2004 và 2005 của Toyota.

 

Ngoài ra, còn có khoảng 11.000 xe Pontiac Vibes đời 2003 và 2004 của GM, có thiết kế gần giống mẫu Matrix và được sản xuất tại cùng một nhà máy ở bang California, Mỹ. Hầu hết các xe bị ảnh hưởng được lưu hành trên thị trường Mỹ.

Trong thông báo, Toyota cho biết túi khí của hãng Takata lắp đặt trên các mẫu xe thuộc diện cảnh báo có nguy cơ phát nổ khi bung ra trong trường hợp xảy ra va chạm, làm văng các mảnh kim loại sắc nhọn có thể gây thương tích nghiêm trọng hoặc tử vong cho người lái hoặc hành khách.

Hiện Toyota cũng đang đưa về xưởng để khắc phục các mẫu xe thuộc dòng Corolla và Matrix do túi khí trên các xe này có thể bất ngờ bung ra ngay cả khi không xảy ra va chạm.

Toyota và GM khuyến nghị các chủ sở hữu xe liên hệ với đại lý gần nhất để được sửa chữa lỗi túi khí kịp thời.

Kể từ năm 2009, thế giới đã ghi nhận hơn 30 trường hợp tử vong, trong đó có 26 trường hợp tử vong ở Mỹ, và hàng trăm trường hợp bị thương trên các ô tô của nhiều hãng khác nhau có liên quan đến lỗi túi khí của Takata.

Năm 2020, GM đã đưa về xưởng để khắc phục lỗi 7 triệu xe sản xuất trong giai đoạn 2007-2014 sử dụng bộ bơm túi khí Takata.

Trước đó, các nhà sản xuất ô tô lớn, trong đó có GM, Toyota và Volkswagen cùng hai nhà sản xuất túi khí hồi tháng 12/2023 đã phản đối yêu cầu thu hồi 52 triệu máy bơm hơi túi khí của Cơ quan Quản lý An toàn Giao thông Đường cao tốc Quốc gia Mỹ (NHTSA).

Trong một phiên điều trần hồi tháng 10/2023, các quan chức của NHTSA nói rằng các bộ bơm hơi do hai nhà sản xuất túi khí do ARC Automotive và Delphi Automotive sản xuất nên bị thu hồi bởi chúng có thể vỡ và khiến các mảnh kim loại bay ra ngoài.

NHTSA cũng viện dẫn một trường hợp tử vong và 7 người bị thương tại Mỹ do liên quan đến sự cố trên sau cuộc điều tra kéo dài 8 năm của chính phủ. Nếu việc thu hồi được tiến hành, đây sẽ là đợt thu hồi lớn thứ hai trong lịch sử của Mỹ.

Các nhà sản xuất ô tô và các nhà sản xuất cho biết, rủi ro từ vấn đề này là cực kỳ nhỏ, đồng thời đặt câu hỏi về những phân tích cũng như lý do khiến cơ quan này đưa ra yêu cầu thu hồi.

ARC cho biết, theo tỷ lệ hư hỏng NHTSA ước tính, sẽ có ít hơn một vụ vỡ mới trong 33 năm tới.

Bộ bơm hơi túi khí mà NHTSA đề cập được 12 nhà sản xuất ô tô sử dụng trên các phương tiện sản xuất từ năm 2000 đến đầu năm 2018. Ford, Mercedes-Benz, BMW, Hyundai, Kia và Porsche cũng đã đưa ra thông báo phản đối yêu cầu của NHTSA.

NHTSA đã lần đầu tiên kêu gọi thu hồi tự nguyện trong tháng 5/2023, nhưng ARC đã từ chối. NHTSA đã đưa ra quyết định ban đầu rằng các máy bơm hơi phải được thu hồi trong tháng 9/2023, bước đi chính thức đầu tiên trước khi có thể tìm cách thu hồi bắt buộc.

Trong tháng 5/2023, GM đã thu hồi 1 triệu bộ bơm hơi của ARC sau khi sự cố bộ bơm hơi bị nổ hồi tháng 3/2023 khiến lái xe bị thương ở mặt. Tuy nhiên, GM cho biết NHTSA đã không chứng minh được sự cần thiết phải mở rộng quy mô thu hồi bộ bơm hơi túi khí của ARC. GM cho biết thêm việc thu hồi sẽ ảnh hưởng đến khoảng 15% trong số hơn 300 triệu xe đã đăng ký tại Mỹ.

Trong tháng 10/2023, hãng tin Reuters đưa tin ít nhất 20 triệu xe của GM có thể bị ảnh hưởng, trong khi của Stellantis là hơn 4,9 triệu xe. Tuy nhiên, hãng này cho hay chỉ báo cáo bộ phận bơm hơi bị hỏng một lần trong năm 2009.

Cũng trong phiên điều trần hồi tháng 10/2023, quan chức của NHTSA Cem Hatipoglu nói rằng mặc dù tỷ lệ bơm túi khí nổ có thể không cao nhưng hậu quả là rất nghiêm trọng và có khả năng gây tử vong.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục