TPHCM kiến nghị giải pháp đảm bảo sự công bằng trong tiếp cận nhà ở của người dân

17:20' - 26/10/2017
BNEWS UBND Tp.Hồ Chí Minh cũng đề xuất cần phát hành trái phiếu đô thị, trái phiếu công trình, huy động vốn từ các ngân hàng, các tổ chức tín dụng, đầu tư tài chính trong và ngoài nước...
TPHCM kiến nghị giải pháp đảm bảo sự công bằng trong tiếp cận nhà ở của người dân. Ảnh minh họa: Quách Lắm-TTXVN

Cần áp dụng mức thuế suất cao đối với bất động sản thứ hai trở lên và các giao dịch bất động sản diễn ra trong thời gian ngắn sau khi mua (trong vòng 1 năm); thu thuế tài sản trên đất và giá trị tăng thêm của đất và bất động sản trên đất từ việc đầu tư cơ sở hạ tầng. Đây là một trong những đề xuất của UBND Tp.Hồ Chí Minh gửi Bộ Xây dựng nhằm đảm bảo sự công bằng trong tiếp cận nhà ở của người dân.

UBND Tp.Hồ Chí Minh cũng đề xuất cần phát hành trái phiếu đô thị, trái phiếu công trình, huy động vốn từ các ngân hàng, các tổ chức tín dụng, đầu tư tài chính trong và ngoài nước; ban hành cơ chế huy động vốn để đầu tư kết cấu hạ tầng, chỉnh trang và phát triển đô thị.

Mặt khác, nghiên cứu tạo hành lang pháp lý cho một số công cụ tài chính mới cho thị trường bất động sản phát triển. Trước mắt, cho phép thí điểm một số công cụ tài chính mới cho thị trường bất động sản như Quỹ tiết kiệm nhà ở, Quỹ tín thác bất động sản (REITS), nhằm đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư vào thị trường bất động sản.

Hiện nay trên địa bàn thành phố có 29 dự án phát triển nhà ở quy mô lớn; trong đó, 2 dự án có quy mô sử dụng đất từ 50 ha trở lên, 27 dự án có tổng mức đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên hoặc quy mô căn hộ từ 1.500 căn trở lên.

Theo UBND Tp.Hồ Chí Minh, giá trị nguồn thu ngân sách từ nhà và đất của thành phố có tỷ trọng dao động từ 3% đến 6% và đạt ngưỡng cao nhất là gần 8% vào năm 2007 (năm đỉnh điểm của “cơn sốt” nhà đất) trong tổng thu ngân sách. Hiện số tiền thu từ thị trường bất động sản chiếm khoảng gần 8.000 tỷ đồng/năm.

Tuy nhiên, thành phố còn có nhiều tiềm năng để có thêm nguồn thu này bằng cách áp dụng thí điểm một số nguồn thu mới từ thị trường bất động sản hay làm cho thị trường trở nên minh bạch hơn để có thể thu được nguồn thuế chính xác từ các giao dịch và hoạt động kinh doanh bất động sản.

Theo UBND Tp.Hồ Chí Minh, việc hình thành các khu đô thị mới, các dự phát triển nhà ở có quy mô lớn góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội thành phố; góp phần cải tạo đô thị đi đôi với nâng cao chất lượng sống của người dân và bảo tồn di sản văn hóa - lịch sử - kiến trúc của thành phố; tạo điều kiện phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, phát triển hệ thống trung tâm đô thị và các đô thị mới để xứng tầm với một đô thị đặc biệt.

Đồng thời, các khu đô thị mới, các dự phát triển nhà ở có quy mô lớn đóng góp kết quả vào Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2127/QĐ - TTg ngày 30/11/2011 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố khóa X, nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Liên quan đến thị trường bất động sản Tp.Hồ Chí Minh hiện nay, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.Hồ Chí Minh, cho biết năm 2016 và 10 tháng năm 2017, thị trường bất động sản tiếp tục bị chững lại, nhất là trong phân khúc căn hộ bất động sản cao cấp từ 3 phòng ngủ trở lên, căn hộ condotel du lịch nghỉ dưỡng.

Cũng theo ông Lê Hoàng Châu, trong giai đoạn 2016-2020 dự báo thị trường quyền sử dụng đất, thị trường bất động sản sẽ có sự tái cấu trúc mạnh mẽ, tái cơ cấu sản phẩm để giải quyết hiện tượng lệch pha cung - cầu đang thiên về phân khúc bất động sản cao cấp, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, chuyển mạnh sang phân khúc nhà ở, căn hộ vừa và nhỏ, có giá vừa túi tiền đang có nhu cầu thực rất lớn, có tính thanh khoản cao và kiểm soát tín dụng chặt chẽ để khắc phục hiện tượng lệch pha dòng tiền, tín dụng vào một số doanh nghiệp lớn.

Với các giải pháp quản lý, điều hành vĩ mô của Chính phủ và chính quyền các cấp, nhất là hệ thống pháp luật ngày càng được hoàn thiện, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, tạo lập môi trường kinh doanh minh bạch, thông thoáng, đặc biệt là việc triển khai Nghị quyết số 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu sẽ vừa giải quyết được nợ xấu, vừa tái khởi động lại các dự án bất động sản đang bị ngừng triển khai, khai thông thị trường mua bán, chuyển nhượng dự án (M&A)..., tạo điều kiện cho thị trường quyền sử dụng đất, thị trường bất động sản tiếp tục phát triển theo hướng ngày càng minh bạch, lành mạnh và bền vững./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục