Trách nhiệm kiểm soát năng lực nhà thầu thiết kế

06:09' - 07/07/2021
BNEWS Việc kiểm soát năng lực của nhà thầu và người tham gia thiết kế thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư và nhà thầu tư vấn thiết kế thông qua thỏa thuận hợp đồng tư vấn thiết kế.

Ông Hà Hữu Công (Hà Nội) hỏi, pháp luật hiện hành quy định như thế nào về công tác giám sát thiết kế? Làm sao để kiểm soát được năng lực thực tế của nhà thầu tư vấn thiết kế, bảo đảm đúng người lập, chủ trì công tác thiết kế, dự toán?

Công tác nghiệm thu hồ sơ thẩm tra thiết kế như thế nào? Có thể vận dụng ra thông báo nghiệm thu như nghiệm thu hồ sơ thiết kế được không?

Hồ sơ thẩm tra thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở phải được chủ đầu tư xác nhận trước khi trình cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định. Việc xác nhận này có phải là nghiệm thu không?

Nếu là nghiệm thu thì trong trường hợp cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định tiếp tục yêu cầu chỉnh sửa thì chủ đầu tư có cần nghiệm thu lại không, trong trường hợp tư vấn thẩm tra bảo lưu ý kiến (không chỉnh sửa) thì chủ đầu tư có quyền thuê tư vấn thẩm tra khác chỉnh sửa hồ sơ không, kinh phí trong trường hợp này tính như thế nào? Việc nghiệm thu báo cáo kết quả khảo sát xây dựng thực hiện theo quy định nào?

Việc nhà thầu xây dựng xác định vùng nguy hiểm như thế nào? Trách nhiệm của chủ đầu tư, tư vấn giám sát trong việc này?

Việc nhà thầu lập, trình chủ đầu tư chấp thuận các nội dung quy định tại Khoản 3 Điều 13 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP tại thời điểm nào, trước khi khởi công hay trong quá trình thi công (trước khi thực hiện nội dung công việc liên quan), chấp thuận bằng văn bản hay ký chấp thuận trực tiếp vào hồ sơ nhà thầu trình và các nội dung này có thể gộp vào 1 hồ sơ hay mỗi nội dung phải lập riêng thành từng hồ sơ?

Bộ Xây dựng trả lời vấn đề này như sau:

Điều 20 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26/1/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng đã quy định về giám sát tác giả của nhà thầu thiết kế trong thi công xây dựng công trình:

“1. Nhà thầu lập thiết kế xây dựng công trình có trách nhiệm thực hiện giám sát tác giả theo yêu cầu của chủ đầu tư và quy định trong hợp đồng xây dựng.

2. Nội dung thực hiện giám sát tác giả:

a) Giải thích và làm rõ các tài liệu thiết kế công trình khi có yêu cầu của chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng và nhà thầu giám sát thi công xây dựng công trình;

b) Phối hợp với chủ đầu tư khi được yêu cầu để giải quyết các vướng mắc, phát sinh về thiết kế trong quá trình thi công xây dựng; điều chỉnh thiết kế phù hợp với thực tế thi công xây dựng công trình, xử lý những bất hợp lý trong thiết kế theo yêu cầu của chủ đầu tư;

c) Thông báo kịp thời cho chủ đầu tư và kiến nghị biện pháp xử lý khi phát hiện việc thi công sai với thiết kế được duyệt của nhà thầu thi công xây dựng;

d) Tham gia nghiệm thu công trình xây dựng khi có yêu cầu của chủ đầu tư. Trường hợp phát hiện hạng mục công trình, công trình xây dựng không đủ điều kiện nghiệm thu phải có ý kiến kịp thời bằng văn bản gửi chủ đầu tư”.

Việc kiểm soát năng lực của nhà thầu và người tham gia thiết kế thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư và nhà thầu tư vấn thiết kế thông qua thỏa thuận hợp đồng tư vấn thiết kế.

Nghiệm thu hồ sơ thẩm tra thiết kế theo thỏa thuận trong hợp đồng

Công việc nghiệm thu hồ sơ thẩm tra thiết kế, nghiệm thu báo cáo kết quả khảo sát xây dựng được thực hiện theo thỏa thuận hợp đồng tư vấn giữa chủ đầu tư và nhà thầu.

Vùng nguy hiểm trong thi công xây dựng công trình được quy định tại Khoản 46 Điều 3 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13, được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 1 Điều 1 Luật số 62/2020/QH14 ngày 17/6/2020.

Trách nhiệm của chủ đầu tư và nhà thầu giám sát thi công xây dựng công trình theo quy định tại Khoản 2 Điều 112 và Điều 122 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 và Khoản 2, Khoản 3 Điều 115 Luật Xây dựng được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 43 Điều 1 Luật số 62/2020/QH14.

Trước khi thực hiện các công việc nêu tại Khoản 3 Điều 13 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP, nhà thầu thi công xây dựng trình chủ đầu tư để được chấp thuận bằng văn bản; căn cứ điều kiện cụ thể thực hiện công việc, nhà thầu thi công xây dựng có thể trình chủ đầu tư từng công việc hoặc gộp các công việc để chủ đầu tư chấp thuận./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục