Trào lưu kinh doanh mới của các hãng ô tô

08:37' - 17/08/2021
BNEWS Các hãng ô tô đang tìm cách sử dụng mô hình kinh doanh “trả tiền khi trải nghiệm” để tăng doanh thu.

Người tiêu dùng Mỹ đã quen với việc trả tiền theo tháng cho tất cả loại dịch vụ, từ phim ảnh đến đồ ăn vặt cho thú cưng.

Giờ đây, các hãng ô tô là những cái tên mới nhất tham gia vào danh sách ngày càng dài những doanh nghiệp đang tìm cách sử dụng mô hình kinh doanh “trả tiền khi trải nghiệm” để tăng doanh thu.

Nhiều người lái xe sẵn sàng trả tiền cho các tính năng an toàn, bảo mật và giải trí, chẳng hạn như đài vệ tinh và công nghệ trên xe.

Câu hỏi đặt ra là các nhà sản xuất sẽ đi bao xa trong xu hướng này, và người mua xe sẽ sẵn sàng trả bao nhiêu tiền trên cơ sở định kỳ liên tục, thay vì trả đứt trước một khoản.

Hãng ô tô BMW (Đức) mới đây đã "nhen nhóm" ý tưởng thu phí hàng tháng cho ghế sưởi, trong khi đối thủ đồng hương Mercedes có thể tính “phí âm thanh” cho mẫu xe điện EQS mới.

Còn Ford (Mỹ) đã cộng thêm 3.200 USD vào giá niêm yết cho hệ thống “lái xe rảnh tay” Blue Cruise, nhưng người lái xe vẫn sẽ phải trả 600 USD cho việc đăng ký sử dụng công nghệ này trong ba năm.

Theo Stephanie Brinley, nhà phân tích cao cấp về ô tô của IHS Markit (Anh), xu hướng trên không phải là quá xa lạ.

General Motors (GM) đã thu phí cho dịch vụ tiện ích OnStar trên xe, bao gồm các dịch vụ trợ giúp khủng hoảng, khẩn cấp, phản ứng tự động với va chạm, tìm xe bị đánh cắp, và điều hướng hành trình.

Tuy vậy, ông Brinley cho rằng xu hướng trên hiện đã vượt ra ngoài vấn đề an toàn và bảo mật. Công nghệ đã giúp con người hướng tới nhiều lĩnh vực khác, qua đó tạo điều kiện để các nhà sản xuất ô tô có thể cung cấp những dịch vụ thu phí hàng tháng hoặc hàng năm.

Kể từ những ngày đầu tiên của ngành công nghiệp ô tô, các nhà sản xuất đã đưa ra nhiều cách để nâng cấp chiếc xe nhằm tạo thêm doanh thu, từ nâng cấp động cơ đến tùy chọn loại da bọc ghế và thay đổi màu sơn.

Đến nay, mỗi chiếc xe dường như đã trở thành một chiếc “máy tính di động”, một số mẫu ô tô sử dụng 100 bộ vi xử lý hoặc nhiều hơn để vận hành mọi thứ từ hệ thống truyền động đến hệ thống thông tin giải trí.

Sự phát triển của công nghệ số đã mở ra cánh cửa cho những khả năng phát triển vô tận.

Nhiều mẫu xe hiện nay đã có khả năng nâng cấp từ xa thông qua phần mềm tích hợp hoặc cài đặt các tính năng mới bằng cách sử dụng các bản cập nhật qua mạng Internet hoặc cập nhật trực tiếp (OTA) như trên điện thoại thông minh.

Một nghiên cứu mới của IHS Markit ước tính, đến năm 2025, khoảng 350 triệu ô tô trên toàn cầu sẽ có khả năng nâng cấp theo hình thức OTA. Đến năm 2030, 1/3 tổng số ô tô tham gia giao thông trên toàn cầu sẽ có khả năng này.

Việc bổ sung các tính năng mới cho một chiếc xe có thể là cơ hội lớn giúp các hãng ô tô kiếm lời.

Phần mềm Maps+ mới của GM nhắm mục tiêu đến chủ sở hữu các phương tiện không được trang bị tính năng điều hướng (bản đồ) để tìm đường.

Với 15 USD/tháng, chủ sở hữu của khoảng 900.000 ô tô được sản xuất từ năm 2018 trở lại đây có thể thêm tính năng điều hướng vào các tiện ích hiện hiển thị trên màn hình cảm ứng trong xe của họ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục