Triển vọng tái thiết lập lại thị trường năng lượng toàn cầu

06:30' - 13/04/2022
BNEWS Từ lâu, năng lượng của Nga đã trở thành một phần không thể thiếu trong hệ thống kinh tế châu Âu. Tuy nhiên, do vấn đề địa chính trị, các quốc gia châu Âu đang từ chối bị hạn chế bởi năng lượng Nga.

Theo tạp chí Eurasia Review, với sự leo thang của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, các nhà phân tích dự đoán rằng thị trường năng lượng toàn cầu và các ngành công nghiệp sẽ trải qua một quá trình tái thiết lập đáng kể.

Quá trình này đề cập đến những thay đổi đáng kể trong sản xuất năng lượng toàn cầu, thương mại, vận chuyển, tiêu dùng, đầu tư và thị trường tài chính do hậu quả của cuộc xung đột địa chính trị liên quan đến Nga và Ukraine.

Một sự điều chỉnh mang tính hệ thống như vậy sẽ làm thay đổi lĩnh vực năng lượng toàn cầu, trong khi mô hình và xu hướng mới sẽ mang lại sự tái thiết có tính hệ thống của thị trường và ngành năng lượng toàn cầu.

Trong cuộc khủng hoảng này, Mỹ và châu Âu mong muốn loại bỏ sự phụ thuộc năng lượng vào Nga, nhưng điều này sẽ khó đạt được trong ngắn hạn. Đối với Nga, sản lượng năng lượng của nước này là một loại “vũ khí”. Nếu Mỹ và châu Âu không thể làm gì mà không có năng lượng của Nga thì Nga sẽ sử dụng vũ khí này để chống lại họ.

Động thái của châu Âu nhằm cắt giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga là một vấn đề phức tạp. Từ lâu, năng lượng của Nga đã trở thành một bộ phận không thể thiếu trong hệ thống kinh tế châu Âu. Tuy nhiên, do vấn đề địa chính trị, các quốc gia châu Âu đang từ chối bị hạn chế bởi năng lượng của Nga.

Về trung và dài hạn, châu Âu phải loại bỏ sự phụ thuộc năng lượng vào Nga khỏi hệ thống kinh tế. Đây là một quá trình lâu dài và gian khổ, đòi hỏi phải tái thiết lập mang tính hệ thống trong ngành năng lượng.

Trên thực tế, quá trình này đã diễn ra. Cách đây vài ngày, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier đã công khai thừa nhận rằng ông đã mắc sai lầm nghiêm trọng trên mặt trận năng lượng. Ông Steinmeier nói rằng sau năm 2014, Đức lẽ ra nên lắng nghe cảnh báo của các đối tác Đông Âu và tạm dừng đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) một cách kịp thời. 

Dự án Nord Stream 2 là một sai lầm chiến lược và do đó, danh tiếng của Đức ở Đông Âu đang bị đe dọa. Quan trọng hơn cả, ngoài việc sửa chữa những di sản chính trị của cựu Thủ tướng Angela Merkel, việc Tổng thống Đức thừa nhận sai sót nói trên thể hiện cam kết của nước này trong việc giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga.

Việc tái thiết lập ngành năng lượng sẽ được nhấn mạnh ở hai khía cạnh về nguồn cung ứng năng lượng. Trước hết, các nước châu Âu phải tìm kiếm các nguồn dầu và khí đốt tự nhiên mới từ các nơi khác trên thế giới. Trung Đông, Canada, Mỹ và Australia đều là những nguồn thay thế khả thi. 

Điều này có nghĩa là sẽ có một sự điều chỉnh cung và cầu lớn trên thị trường năng lượng toàn cầu. Tuy nhiên, sự thay đổi này sẽ khó thực hiện đối với các quốc gia châu Âu để đáp ứng các nhu cầu ngắn hạn của họ.

Tiếp theo, cần phải có sự thay đổi về thành phần tiêu thụ năng lượng, tức là giảm nhu cầu về năng lượng hóa thạch như dầu mỏ và khí đốt và chuyển sang các dạng năng lượng khác.

Một chỉ dấu rõ ràng hiện nay là nhịp độ chuyển đổi sang các nguồn năng lượng mới tái tạo ở nhiều quốc gia không bị chậm lại do tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine, mà ngược lại còn tăng tốc nhanh. Nhiều quốc gia đã bắt đầu xem xét ý nghĩa địa chính trị của việc chuyển đổi năng lượng.

Một kết quả đáng được quan tâm là trong quá trình chuyển dịch cơ cấu tiêu thụ năng lượng, nhiều quốc gia đã nhấn mạnh lại tầm quan trọng của năng lượng hạt nhân và tăng cường phát triển lĩnh vực này.

Đức và Bỉ đã thể hiện mong muốn kéo dài thời hạn rút khỏi năng lượng hạt nhân, trong khi một vài quốc gia khác đã đề xuất sự cần thiết phải tăng cường phát triển năng lượng hạt nhân.

Vương quốc Anh gần đây cho biết để cải thiện sự độc lập về năng lượng của nước này và đối phó với giá năng lượng ngày càng cao. Anh đã đưa ra chiến lược năng lượng mới nhất với năng lượng hạt nhân làm cốt lõi và có kế hoạch phê duyệt tối đa 8 lò phản ứng hạt nhân mới trong các cơ sở hạt nhân hiện có, với tốc độ mỗi năm thêm một lò cho đến năm 2030. 

Trước đây, Chính phủ Anh đã phê duyệt chiến lược năng lượng hạt nhân với tốc độ cứ 10 năm xây dựng thêm một lò phản ứng. Tỷ lệ tự cung tự cấp năng lượng của Vương quốc Anh không thấp. Khí đốt tự nhiên và dầu nhập khẩu từ Nga lần lượt chỉ chiếm khoảng 5% và 8% nhu cầu trong nước. 

Để giảm bớt sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga, Vương quốc Anh đã lựa chọn đẩy nhanh sự phát triển của năng lượng hạt nhân. Chiến lược năng lượng mới đặt mục tiêu thay đổi cảnh quan năng lượng vào năm 2030, khi khoảng 95% điện năng sẽ bắt nguồn từ các nguồn carbon thấp.

Rất khó để xác định xem việc lựa chọn tăng cường năng lượng hạt nhân trong quá trình tái thiết lập ngành năng lượng là một bước tiến hay một bước lùi đối với loài người./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục