Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường xe xanh tại Đông Nam Á

05:30' - 14/10/2024
BNEWS Hướng tới mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, Chính phủ Lào đang nỗ lực để xe điện chiếm ít nhất 30% số lượng ô tô nội địa vào năm 2030.
Theo quan sát của phóng viên trang hkcna.hk, trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 44 và 45 được tổ chức tại Viêng Chăn, Lào, nhiều quan chức được đưa đến tham dự hội nghị bằng xe điện thương hiệu Hong Qi (Hồng Kỳ) của Trung Quốc. Ngoài ra, khi gọi xe thông qua các ứng dụng tại Lào, có rất nhiều loại xe điện của Trung Quốc để lựa chọn như BYD, Nezha, Chery… Trên thực tế, thời gian xe điện xuất hiện ở Lào chưa phải là dài.

Là người có nhiều năm kinh doanh tại thị trường xe sử dụng năng lượng mới ở Đông Nam Á, ông Mo Yingtao, người đứng đầu đại lý BYD tại Lào, chia sẻ với phóng viên của hkcna.hk tại Viêng Chăn: “Khi chúng tôi mới đến Lào vào năm 2019, thị trường xe năng lượng mới còn trống, chiếc xe điện đầu tiên được bán ở đây là BYD E2. Vào thời điểm đó, người dân địa phương rất quan tâm ô tô điện là gì, người đến nhận xe dẫn theo từ 1 đến 20 người bạn và người nhà. Đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến cảnh tượng này”.

Chính phủ Lào đang thúc đẩy phổ biến xe điện. Để đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, Chính phủ Lào hướng đến việc xe điện chiếm ít nhất 30% số lượng ô tô nội địa vào năm 2030 và đã đưa ra các ưu đãi như về thuế.

 
Cuối tháng 12/2021, BYD bàn giao chiếc xe điện Han EV đầu tiên cho Văn phòng Thủ tướng Lào tại Viêng Chăn. Khi đó, ông Khamjane Vongphosy, Chủ nhiệm Văn phòng Thủ tướng Lào cho biết, Chính phủ Lào sẽ đẩy mạnh hỗ trợ phát triển xe điện, đưa ra các biện pháp đồng bộ, hy vọng sẽ hợp tác nhiều hơn với Trung Quốc trong việc phát triển các phương tiện sử dụng năng lượng mới.

Cuối năm 2022, thương hiệu Hongqi của tập đoàn China FAW Group đã thắng thầu cung cấp lô xe công vụ cấp tỉnh và cấp bộ đầu tiên của Chính phủ Lào, với 200 chiếc E-QM5 cùng một lúc. Đây cũng là đơn đặt hàng mua xe lớn nhất của Chính phủ Lào trong những năm gần đây. Theo thông tin ông Mo Yingtao nắm được, hiện tại nếu Chính phủ Lào muốn thay thế ô tô, rất có thể họ sẽ lựa chọn các phương tiện sử dụng năng lượng mới.

Người phụ trách Toyota tại Lào từng chỉ ra trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Nhật Bản rằng: “Trước năm 2021, số lượng xe điện nhập khẩu vào Lào gần như bằng 0, nhưng bước sang năm 2022, xe điện bất ngờ chiếm tới 9% tổng lượng xe nhập khẩu, năm 2023, tỷ lệ này tăng lên 15%”.

Tuy nhiên, ông Mo Yingtao cho rằng tỷ lệ thâm nhập của xe điện vào thị trường Lào vẫn tương đối thấp, chỉ chiếm khoảng 8%. Trong đó, thương hiệu xe điện Trung Quốc chiếm khoảng 90% thị phần. Tỷ lệ thâm nhập thấp chủ yếu do thiếu trầm trọng các công trình phụ trợ, đặc biệt là trạm sạc. Ông tiết lộ, hiện tại Lào chỉ có hơn 20 trạm sạc nhanh, điều này đã làm giảm đáng kể niềm tin của người tiêu dùng trong việc mua xe điện. Ưu điểm chính của việc Trung Quốc chiếm thị phần cao là hiệu quả về chi phí, chất lượng cao và dịch vụ hậu mãi.

Tại một cửa hàng bán xe BYD, ông Tong Sai Khotyotha, một người Lào vừa lái thử ô tô điện BYD, cho biết nhiều người bạn của ông đã thay ô tô chạy xăng truyền thống bằng ô tô điện và hầu hết đều là thương hiệu Trung Quốc.

Trước khi sang Lào, ông Mo Yingtao đã làm việc ở Campuchia một thời gian. Theo ông, ngành công nghiệp xe năng lượng mới có triển vọng phát triển tốt trên toàn khu vực Đông Nam Á, bao gồm cả Campuchia và Thái Lan.

Theo các phương tiện truyền thông, tỷ lệ thâm nhập của phương tiện sử dụng năng lượng mới ở Thái Lan đã đạt 12%. Tám công ty ô tô lớn của Trung Quốc, bao gồm BYD, SAIC, Great Wall, Changan, GAC Aian, Beiqi Foton, Nezha và Chery, đều đã thành lập nhà máy ở Thái Lan, chiếm 80% thị phần xe chạy năng lượng mới của nước này. Theo báo cáo của Bộ Giao thông Công chính Campuchia, tính đến cuối tháng 6/2024 đã có 1.614 ô tô điện được đăng ký hoạt động, đứng đầu là BYD.

Sở dĩ xe điện Trung Quốc có thể chiếm lĩnh thị trường Đông Nam Á vì trước hết các quốc gia này nằm gần Trung Quốc. Thứ hai, thời tiết ở thị trường này ít khắc nghiệt, nên thích hợp cho việc sử dụng các sản phẩm năng lượng mới. Cuối cùng, Trung Quốc và các nước Đông Nam Á có quan hệ trao đổi kinh doanh chặt chẽ, rất có lợi cho các công ty xe điện "bén rễ” ở Đông Nam Á.

Nếu xe điện do Trung Quốc sản xuất muốn mở cửa hơn nữa thị trường Đông Nam Á, cần thực hiện thêm những bước đi nào? Ông Mo Yingtao cho biết, điều khách hàng ở đây đánh giá cao nhất là các dịch vụ hỗ trợ sau bán hàng, bao gồm sạc pin, thay thế phụ tùng, bảo trì và đảm bảo giá trị xe cũ. Vì vậy, chỉ cần người bán cung cấp các gói dịch vụ tốt thì thị trường sẽ thuộc về họ.

Mặt khác, ông Mo Yingtao cũng hy vọng các công ty Trung Quốc có thể cung cấp dịch vụ hỗ trợ tài chính ở nước ngoài. Ông nói: "Đối với ngành của chúng tôi, các dịch vụ hỗ trợ tài chính ô tô tương đối yếu ở Đông Nam Á, chẳng hạn như cho vay tiêu dùng ngân hàng”.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục