Trung Quốc hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ

18:31' - 13/04/2020
BNEWS Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã phân bổ hạn mức cho vay lại đặc biệt trị giá 300 tỷ NDT (42,58 tỷ USD), qua đó hỗ trợ hơn 7.000 doanh nghiệp để đối phó với dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Ngày càng nhiều công ty Trung Quốc huy động được nguồn vốn với chi phí thấp hơn, nhờ chính phủ nước này áp dụng nhiều biện pháp hỗ trợ tín dụng cho nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) đã phân bổ hạn mức cho vay lại đặc biệt trị giá 300 tỷ NDT (42,58 tỷ USD), qua đó hỗ trợ hơn 7.000 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực liên quan đến việc đối phó với dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Khoản cho vay lại và tái chiết khấu trị giá 500 tỷ NDT (70,95 tỷ USD) hiện đang hỗ trợ ngày càng nhiều doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa nhận được khoản vay với lãi suất dưới 4,55%.

Số liệu mới nhất từ PBoC cho thấy tổng giá trị các khoản vay mới bằng đồng NDT đã đạt 7.100 tỷ NDT (khoảng 1.000 tỷ USD) trong quý I vừa qua, tăng 1.290 tỷ NDT (183 tỷ USD) so với cùng kỳ năm ngoái.

Chỉ riêng trong tháng 3, giá trị của các khoản vay đã lên tới 2.850 tỷ NDT (404,3 tỷ USD), tăng 1.160 tỷ NDT (164,5 tỷ USD) so với tháng 3/2019.

Theo giới chức PBoC, các khoản vay trong quý I chủ yếu được chuyển đến lĩnh vực chế tạo và dịch vụ, với 85,1% trong tổng giá trị khoản vay dành cho các doanh nghiệp và tổ chức công.

Về mặt chi phí cho vay, lãi suất cho vay chung đã giảm 0,26% kể từ đầu năm.

Các dấu hiệu tích cực cũng diễn ra trong lĩnh vực vay tiêu dùng, vốn rất quan trọng để giúp đối phó với tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và thúc đẩy các hoạt động kinh tế khác.

Trong tháng 3 vừa qua, các khoản vay tiêu dùng cá nhân mới tại Trung Quốc đạt mức 609,4 tỷ NDT (85,5 tỷ USD), trái ngược với mức giảm ròng trong tháng 2.

Tuy nhiên, vẫn còn các công ty vừa và nhỏ đang đối mặt với khủng hoảng về tiền mặt và các chuyên gia kinh tế lưu ý PBoC nên tiếp tục tiến hành các biện pháp để khuyến khích các ngân hàng sẵn sàng cho vay.

Nền kinh tế Trung Quốc đã chịu thiệt hại không nhỏ do dịch COVID-19 gây ra. Mặc dù vậy, Giáo sư kinh tế Khairy Tourk thuộc Trường Kinh doanh Stuart nhận định nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ sớm phục hồi và nước này đang tiếp tục hướng tới mục tiêu xây dựng một xã hội khá giả.

Theo Giáo sư Tourk, đại dịch đã tác động tiêu cực đến tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc trong quý I, một phần do xuất khẩu giảm sút.

Tuy nhiên, tiêu dùng là động lực tăng trưởng chính của kinh tế nước này và có thể bù lại cho sụt giảm sút xuất khẩu.

Ông Tourk nhấn mạnh Trung Quốc đang đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo, với hơn 90% lực lượng lao động trở lại làm việc, các hoạt động bất động sản khởi sắc, tiêu thụ điện tăng và mật độ giao thông cũng tăng.

Theo chuyên gia này, Trung Quốc vẫn là nền kinh tế vững mạnh và sau khi thụt lùi trong quý I, kinh tế Trung Quốc sẽ phục hồi trong quý II.

Ngoài ra, Giáo sư Tourk cũng đánh giá kinh tế Trung Quốc là nền kinh tế có triển vọng tích cực, nhờ đầu tư vào cơ sở hạ tầng mới như 5G, trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật và điện toán đám mây.

Trong diễn biến khác, Quốc vụ viện Trung Quốc đã phê chuẩn thành lập khu thí điểm kinh tế mở tại tỉnh Giang Tây, miền Đông nước này.

Khu vực thí điểm sẽ khai thác tiềm năng hợp tác khu vực, thúc đẩy dòng chảy tài nguyên tự do và hiệu quả, vạch ra một lộ trình phát triển mới thúc đẩy cải cách, phát triển và đổi mới thông qua việc mở cửa.

Chính quyền tỉnh Giang Tây được khuyến khích tăng cường năng lực lãnh đạo trong quá trình xây dựng khu kinh tế thí điểm, cải thiện cơ chế làm việc và xúc tiến triển khai các kế hoạch chi tiết.

Theo kế hoạch, Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia (NDRC) sẽ công bố kế hoạch xây dựng tổng thể dự án này.

Cũng trong ngày 13/4, giới chức Thượng Hải đã công bố kế hoạch hành động mới nhất nhằm thúc đẩy nền kinh tế trực tuyến mới, vốn đang phát triển mạnh trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát.

Theo kế hoạch này, tới năm 2022, Thượng Hải dự kiến sẽ quy tụ hơn 100 doanh nghiệp kinh tế trực tuyến sáng tạo và triển khai hơn 100 kịch bản ứng dụng, với mục tiêu biến thành phố này thành vùng phát triển nền kinh tế trực tuyến mang tầm ảnh hưởng quốc tế.

Kế hoạch hành động tập trung vào 12 lĩnh vực cốt lõi, bao gồm các nhà máy tự động hóa, ứng dụng Internet trong sản xuất công nghiệp, làm việc từ xa, tài chính trực tuyến, giải trí và triển lãm và giao hàng không tiếp xúc.

Kế hoạch đề xuất xây dựng hơn 100 nhà máy tự động hóa, dây chuyền sản xuất và nhà xưởng tại Thượng Hải và thiết lập 20 nền tảng Internet công nghiệp mang tầm ảnh hưởng quốc gia.

Kế hoạch đặt tiêu thúc đẩy việc giao hàng bằng các thiết bị không người lái trong các ngành liên quan đến bán lẻ, dịch vụ y tế và ăn uống, khuyến khích áp dụng tư vấn và phẫu thuật từ xa dựa trên công nghệ 5G và tiếp tục áp dụng trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán và nghiên cứu điều chế thuốc./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục