Trung Quốc “hy sinh” tăng trưởng ngắn hạn để kiềm chế nợ lâu dài

16:07' - 01/11/2021
BNEWS Sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc từ đại dịch COVID-19 đang chững lại, trong bối cảnh chính phủ nước này đang nỗ lực kiềm chế tình hình nợ doanh nghiệp tăng mạnh.

Cụ thể hơn, Chính phủ Trung Quốc đang hạn chế hoạt động vay vốn của ngành bất động sản, vốn là lĩnh vực đang tạo ra hàng triệu việc làm. Điều này đang gây ra nhiều cú sốc cho nền kinh tế. Các thị trường tài chính đang lo ngại về khả năng vỡ nợ của một trong những nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc là Evergrande.

Trước sự sụt giảm của hoạt động xây dựng, nền kinh tế Trung Quốc chỉ tăng 4,9% trong quý III so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn nhiều mức tăng 7,9% trong quý trước đó. So với quý II, đà tăng của kinh tế Trung Quốc giảm tốc chỉ còn 0,2% trong quý III, một trong những mức tăng thấp nhất trong 10 năm qua.

Doanh số bán nhà đã giảm 32% trong tháng Chín so với cùng kỳ năm ngoái. Người mua chần chừ trước những quy định nhằm hạn chế hoạt động cho vay thế chấp và sự lo ngại về khả năng giao nhà trả trước của các công ty phát triển bất động sản.

Không có dấu hiệu gì cho thấy chính phủ sẽ “nhẹ tay” hơn trong việc giải quyết vấn đề nợ doanh nghiệp, vì thế có nhiều ý kiến dự đoán rằng kinh tế Trung Quốc sẽ suy giảm hơn nữa. Theo ngân hàng Nomura, tăng trưởng quý này của Trung Quốc có thể chỉ đặt 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, ngân hàng Bank of America đã hạ dự báo tăng trưởng cả năm nay và năm sau của nước này lần lượt từ 7% xuống còn 7,7%, và từ 5,3% xuống 4%.

Năm 2020, tổng số nợ của các doanh nghiệp, hộ gia đình và chính phủ đã tăng từ mức tương đương 270% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lên gần 300%.

Các cơ quan quản lý Trung Quốc đã thắt chặt kiểm soát đối với việc sử dụng nợ của các nhà phát triển bất động sản trong năm ngoái. Hàng trăm công ty trong lĩnh vực này đã phá sản sau khi các quy định hạn chế khác được ban hành kể từ năm 2017.

Nhằm thắt chặt kiểm soát hơn nữa, Trung Quốc ngày 15/10 tuyên bố 19 trong số những ngân hàng lớn nhất nước, chiếm 3/4 khối tài sản của lĩnh vực này, là “nhưng ngân hàng có tầm quan trọng mang tình hệ thống ở trong nước”, đồng nghĩa với việc các ngân hàng này sẽ được chính phủ kiểm soát chặt chẽ hơn.

Trong lĩnh vực bất động sản, tập đoàn Evergrande gây nhiều lo ngại hơn cả vì khối nợ khổng lồ của mình, trong đó có 18 tỷ USD nợ nước ngoài. Chuyên gia Tommy Wu của công ty phân tích kinh tế Oxford Economics nhận định không thể loại trừ khả năng thị trường bất động sản của Trung Quốc sẽ còn sụt giảm mạnh hơn nữa./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục