Trung Quốc khó có thể phớt lờ “mớ hỗn độn tài chính” Evergrande

08:16' - 27/07/2022
BNEWS Nhiều dấu hiệu cho thấy các nhà chức trách đang có kế hoạch thành lập quỹ bất động sản trị giá lên tới 300 tỷ NDT (44,3 tỷ USD) để hỗ trợ hàng chục nhà phát triển bất động sản bao gồm cả Evergrande.
Theo nhà cung cấp thông tin tài chính REDD, các nhà chức trách Trung Quốc khó có thể phớt lờ “mớ hỗn độn tài chính” mang tên Evergrande trong bối cảnh niềm tin vào thị trường bất động sản “bốc hơi” nhanh chóng, các rủi ro tài chính và chính trị đang gia tăng đối với Bắc Kinh.

 
Có nhiều dấu hiệu cho thấy các nhà chức trách đang có kế hoạch thành lập một quỹ bất động sản trị giá lên tới 300 tỷ NDT (44,3 tỷ USD) để hỗ trợ hàng chục nhà phát triển bất động sản bao gồm cả Evergrande.

Trước đó vào ngày 22/7, Evergrande đã sa thải Giám đốc điều hành Xia Haijun và Giám đốc tài chính Pan Darong sau một cuộc điều tra nội bộ về nguyên nhân các ngân hàng bất ngờ thu giữ hơn 13,4 tỷ NDT (2 tỷ USD) tiền gửi của công ty dịch vụ bất động sản Evergrande Property Services thuộc tập đoàn này. Điều này khiến kế hoạch tái cơ cấu 19 tỷ USD trái phiếu nước ngoài gặp rủi ro.

Theo một thông báo được Evergrande Property Services công bố vào tối 22/7, các nhà điều tra đã xác định rằng số tiền trên bị thu giữ vì nó đang được sử dụng làm “tài sản bảo đảm”, cho phép "bên thứ ba" vay tiền. Số tiền có được từ khoản vay đó sau đó được chuyển trở lại cho tập đoàn mẹ qua các bên thứ ba và được sử dụng cho các hoạt động chung.

Mặc dù Evergrande đã nhanh chóng thay thế Giám đốc điều hành Xia Haijun, song tập đoàn này vẫn phải tiếp tục đưa ra một kế hoạch tái cơ cấu đã hứa từ lâu cho các chủ nợ.

Hồi tháng 5/2022, hãng tin Reuters đã trích dẫn một đề xuất gây tranh cãi mà Evergrande dự kiến đưa ra là cho phép các chủ nợ hoán đổi một phần nợ thành cổ phần trong đơn vị dịch vụ bất động sản và chi nhánh xe điện China Evergrande New Energy Vehicle. Tuy nhiên, đề xuất này ngày càng không hấp dẫn, do tình hình tài chính yếu kém của các công ty con.

Trước đây, chính quyền Bắc Kinh đã từ chối cứu trợ Evergrande, lựa chọn đứng ngoài lề khi tập đoàn này nỗ lực hoàn tất các dự án chưa hoàn thành đã bán trước. Tuy nhiên, chiến lược này có thể gây ra tác dụng ngược khi thị trường bất động sản Trung Quốc rơi vào thế khó.

Doanh số bán bất động sản tính theo giá trị đã giảm 29% trong sáu tháng đầu năm 2022 và các công trình xây dựng mới giảm 34%.

Hiện người mua trên khắp cả nước đang từ chối thanh toán các khoản thế chấp đối với các dự án chưa hoàn thiện do việc xây dựng bị đình trệ, ước tính khoảng 300 dự án. Theo công ty tư vấn E-house, trong số đó, có ít nhất 50 dự án thuộc Evergrande./.

>>Trung Quốc nỗ lực giải quyết cuộc “tẩy chay” thanh toán thế chấp trên thị trường bất động sản

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục