Trung Quốc xem xét cải cách vấn đề hộ khẩu để thúc đẩy thị trường bất động sản

06:30' - 03/07/2024
BNEWS Sự sụt giảm trên thị trường bất động sản Trung Quốc đã dẫn đến việc dỡ bỏ một số hạn chế trong hệ thống đăng ký hộ khẩu cứng nhắc, mở ra khả năng nới lỏng vấn đề di cư lao động.
Theo tờ South China Morning Post ngày 2/7, các chính quyền địa phương ở Trung Quốc đang thử nghiệm những thay đổi trong hệ thống đăng ký hộ khẩu.

Sự sụt giảm trên thị trường bất động sản Trung Quốc đã dẫn đến việc dỡ bỏ một số hạn chế trong hệ thống đăng ký hộ khẩu cứng nhắc, mở ra khả năng nới lỏng vấn đề di cư lao động.

Hơn 20 thành phố đã cho phép người dân từ bất kỳ khu vực nào của Trung Quốc thay đổi nơi cư trú chính thức của họ theo chương trình “hộ khẩu”. Ở Trung Quốc, việc đăng ký hộ khẩu gắn liền với phúc lợi xã hội và người di cư có thể thay đổi tình trạng của họ ở những địa phương này với điều kiện là họ mua nhà trong thành phố. Theo nhà nghiên cứu bất động sản thuộc Hệ thống Chỉ số Bất động sản Trung Quốc (CREIS), chính sách mới này là động lực khuyến khích một số khu vực đang cố gắng giải quyết tình trạng tồn dư nhà ở nghiêm trọng.

Trong báo cáo, CREIS trích dẫn những thay đổi chính sách gần đây và nhận định rằng các quy định về đăng ký hộ khẩu - vốn hạn chế sự di chuyển của dân cư và được cho là nguyên nhân gây ra khoảng cách lớn giữa khu vực thành thị và nông thôn ở Trung Quốc, đã được nới lỏng đối với người mua nhà ở các thành phố này. Thậm chí, việc nới lỏng còn bao gồm cả những nơi được coi là trung tâm mới nổi như Hàng Châu và Nam Kinh.

Chính quyền ở cấp địa phương đang thử nghiệm nhiều phương pháp khác nhau để thu hút người mua nhà tiềm năng bằng các đề nghị đăng ký lại hộ khẩu với thủ tục đơn giản, giúp họ tiếp cận với giáo dục thành thị, chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ khác - tất cả đều tương đối toàn diện hơn so với các dịch vụ do khu vực nông thôn cung cấp.

Ngoại trừ tỉnh Hải Nam và 5 thành phố lớn gồm Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến, Quảng Châu và Thiên Tân, tất cả các trung tâm dân cư khác trên đất liền đều đã thử nghiệm các biện pháp khuyến khích tương tự.

Ông Zhang Dawei, chuyên gia phân tích thị trường của tập đoàn bất động sản Centaline Property có trụ sở tại Bắc Kinh cho biết, các thành phố loại 1- những thị trường bất động sản chính của Trung Quốc, có thể triển khai theo hướng này nếu các chính sách hiện hành không thể thúc đẩy thị trường bất động sản.

Trong một bài báo trên WeChat vào tuần trước, ông nhận định: “Trong ngắn hạn, chỉ cần thị trường bất động sản sôi động thì sẽ không có thêm chính sách nào được đưa ra. Nhưng một khi thị trường đi xuống, các hạn chế mua bất động sản sẽ được nới lỏng hơn nữa và sẽ có những chính sách táo bạo hơn trong việc đăng ký hộ khẩu”.

Trước đây, để hạn chế sự gia tăng dân số địa phương, các thành phố lớn của Trung Quốc thường áp dụng hệ thống tính điểm, trong đó chính phủ phân loại cư dân bằng cách chấm điểm người nộp đơn theo nhiều tiêu chí khác nhau, từ thời gian lưu trú trong thành phố đến trình độ học vấn.

Hiện nay, hầu hết các thành phố đã từ bỏ hoạt động này do cạnh tranh giành nhân lực chất lượng cao ngày càng gay gắt và tỷ lệ sinh giảm. Tuy nhiên, hệ thống phân loại ở Bắc Kinh và Thượng Hải vẫn rất nghiêm ngặt.

Theo dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, tính đến năm ngoái, hơn 66% dân số Trung Quốc sống ở khu vực thành thị, nhưng chưa đến 50% đăng ký hộ khẩu.

Trong một cuộc họp báo vào tháng 4/2024, Phó Cục trưởng Cục Thống kê Quốc gia Sheng Laiyun cho biết, hiện nay vẫn còn 297 triệu lao động nhập cư ở các thành phố chưa được cấp giấy phép cư trú thành thị.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục