Trung tâm tài chính London sẽ "tụt hạng" nếu Anh rời khỏi EU

19:57' - 26/04/2016
BNEWS Ngày 23/6 tới, nếu người dân Anh nói “Có” với việc tách khỏi EU thì rất có thể London sẽ mất vị trí là Trung tâm tài chính hàng đầu thé giới.
“Brexit” có gây thiệt hại cho kinh tế Anh? Ảnh: Reuters

Bộ trưởng Vương quốc Anh về Đại học và Khoa học Jo Johnson vừa lên tiếng cảnh báo rằng kịch bản “Brexit” - khả năng Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) – có thể “đá” London ra khỏi vị trí trung tâm tài chính hàng đầu thế giới.

Bộ trưởng Johnson nhận định “Brexit” sẽ gây phương hại đến đồng bảng Anh, tác động đến môi trường lãi suất của nước này và cuốn theo những yếu tố giúp London giành được vị trí thượng phong thị trường tài chính châu Âu.

Cũng cùng quan điểm này, các chuyên gia tài chính cho rằng việc Anh ra khỏi EU làm suy yếu nền kinh tế lớn thứ năm thế giới đồng thời tạo cơ hội để giới đầu tư chuyển hướng sang những thị trường khác như New York hoặc Singapore. Quan chức này cho hay đồng bảng Anh suy yếu sẽ khiến lạm phát tăng và tạo ra một môi trường lãi suất tang cao.

Cũng theo Bộ trưởng Johnson, trong cuộc bỏ phiếu dự kiến diễn ra vào ngày 23/6 tới, nếu người dân Anh nói “Có” với việc tách khỏi EU thì để có thể tiếp cận được với thị trường người tiêu dùng 500 triệu dân của châu Âu, London sẽ phải đánh đổi rất nhiều.

Ngân hàng Thanh toán Quốc tế cho hay London hiện chiếm đến 41% tổng doanh thu ngoại hối toàn cầu, cao gần gấp đôi so với đối thủ đứng sau là New York và bỏ xa hai đối thủ châu Âu là Thụy Sỹ và Paris với chỉ 3%.

Trong khi đó, Thống đốc Ngân hàng trung ương Anh (BoE) cũng cảnh báo “Brexit” sẽ tác động mạnh đến nền kinh tế trị giá 2.900 tỷ USD này, buộc các ngân hàng rời khỏi “ngôi nhà chung” London đồng thời đẩy lãi suất thế chấp lên cao.

Ở phía bên kia bờ Đại Tây Dương, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng bày tỏ quan điểm nói “Không” với “Brexit” khi cho rằng kịch bản này sẽ đưa Vương quốc Anh vào thế “bất lợi” trong các cuộc đàm phán về thương mại với EU.

Tuy nhiên, những người ủng hộ “Brexit” lại có cái nhìn lạc quan hơn. Họ cho rằng ngoài Mỹ ra, Anh còn có thể hợp tác với rất nhiều nước khác như EU, theo mô hình mà Canada đã và đang áp dụng, có thể lựa chọn nối gót Na Uy hay Thụy Sỹ hoặc thậm chí, với vị thế là nền kinh tế lớn thứ năm thế giới, “xứ sở sương mù” hoàn toàn có khả năng tự tạo ra những thỏa thuận về thương mại của riêng mình.

Ngoài Anh quốc, một thành viên khác của EU là Đan Mạch cũng đang xem xét việc tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về mối quan hệ giữa nước này với EU.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục