Trung tâm tương lai của hydro xanh ở Địa Trung Hải

08:39' - 15/10/2024
BNEWS Algeria đang định vị thành trung tâm tương lai của hydro xanh ở Địa Trung Hải và là một nước đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực năng lượng toàn cầu.
Ngày 14/10, Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Algeria Mohamed Arkab, cho biết quốc gia này đang định vị mình là trung tâm tương lai của hydro xanh ở Địa Trung Hải và là một nước đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực năng lượng toàn cầu.

Tuyên bố trên được ông Arkab đưa ra khi phát biểu khai mạc Hội nghị và Triển lãm Năng lượng và Hydro châu Phi và Địa Trung Hải lần thứ 12, NAPEC 2024, tại thành phố đầu tàu kinh tế Oran với sự tham gia của đại sứ nhiều nước và đại diện các tập đoàn năng lượng quốc tế.

 
NAPEC 2024, với chủ đề “Cân bằng giữa dầu mỏ và năng lượng sạch để có hỗn hợp năng lượng hiệu quả”, đề cập đến các chủ đề quan trọng liên quan đến các nguồn năng lượng khác nhau, đổi mới công nghệ và quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu.

Tại NAPEC 2024, Bộ trưởng Mohamed Arkab khẳng định khí đốt tự nhiên vẫn sẽ là thành phần chủ chốt trong lộ trình chuyển đổi năng lượng bền vững của nhiều quốc gia.

Ông nói rõ Algeria sẽ tiếp tục phát triển năng lực thăm dò và khai thác đồng thời củng cố ngành công nghiệp hóa dầu, đặc biệt là hỗ trợ an ninh lương thực ở Algeria và châu Phi.

Là một phần trong chính sách năng lượng của mình, Algeria có kế hoạch đầu tư đáng kể vào lĩnh vực này trong 5 năm tới, trong đó chú trọng vào phát triển dầu khí và chuyển đổi năng lượng.

Algeria đang đầu tư vào các dự án quy mô lớn như tạo ra 15.000 MW điện Mặt Trời vào năm 2035, với giai đoạn đầu là 3.200 MW hiện đang được Tập đoàn điện khí Algeria (Sonelgaz) xây dựng. Dự án liên kết điện giữa vùng cực nam Algeria và miền bắc đất nước, với vốn đầu tư hơn 3 tỷ USD, sẽ không chỉ giúp tăng cường cung cấp năng lượng trong nước mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu sang châu Âu và các nước châu Phi khác.

Việc phát triển năng lượng hydro cũng là trọng tâm trong các ưu tiên của Algeria, nhằm trở thành quốc gia dẫn đầu khu vực trong lĩnh vực này nhờ tiềm năng năng lượng Mặt Trời (với phần lớn lãnh thổ là sa mạc) cũng như mạng lưới vận chuyển điện và khí đốt rộng lớn.

Tại sự kiện, phía Algeria cũng đã ký kết 1 loạt biên bản ghi nhớ và hợp tác quốc tế. Trong đó, Tập đoàn dầu khí quốc gia Algeria (Sonatrach), Sonelgaz cùng các đối tác VNG (Đức), Snam và Sea Corridor (đều của Italy) và Verbund Freigen Hydrogen (Áo) ký biên bản ghi nhớ về nghiên cứu sản xuất hydro xanh ở Algeria, để cung cấp cho thị trường. Đây là một phần của dự án “Hành lang phía Nam 2”, kết nối Algeria với châu Âu thông qua Tunisia để xuất khẩu hydro xanh – loại năng lượng sạch mà châu Âu có nhu cầu lớn và Algeria có lợi thế cạnh tranh vì chi phí sản xuất rẻ. Theo các nghiên cứu, chi phí sản xuất hydro xanh ở Algeria sẽ dao động, từ 1,2 USD/kg đến 2 USD/kg, trong khi ở châu Âu là từ 5 USD/kg đến 6 USD/kg.

Việc thực hiện dự án đầy tham vọng này có khả năng đáp ứng nhu cầu năng lượng xanh của thị trường châu Âu và cũng sẽ cho phép Algeria trở thành nhà cung cấp năng lượng chính cho châu Âu.

Bộ trưởng Mohamed Arkab cũng đã cùng Đại sứ Mỹ tại Algeria, bà Elizabeth Aubin Moore, ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực hành động vì khí hậu và giảm thiểu phát thải khí nhà kính, đặc biệt là khí metan.

Cùng ngày, Cơ quan Quản lý Tài nguyên Dầu khí Quốc gia Algeria (ALNAFT) cũng đã tổ chức lễ công bố gọi thầu quốc tế “Algeria Bid Round 2024”.

Chủ tịch ALNAFT, ông Mourad Beldjehem, nhấn mạnh rằng đợt gọi thầu này sẽ là đợt đầu tiên trong một loạt lời kêu gọi đấu thầu trong 5 năm tới của Algeria. Gói thầu đầu tiên này có liên quan đến 6 lô dầu khí trên đất liền có tiềm năng về trữ lượng lớn nằm ở các khu vực khác nhau: El Mazayed, Ahara, Reggane 2, Zarafa 2, Tawal và Qarn El Kassa.

Theo thông tin từ ALNAFT, đối với dầu khí thông thường, Algeria có trữ lượng rất lớn, ước tính khoảng 15,4 tỷ thùng dầu và 141.000 tỷ feet khối (TCF) khí và vẫn còn nhiều khu vực chưa được thăm dò và khai thác.

Đối với hydrocarbon phi truyền thống, Algeria có trữ lượng có thể thu hồi về mặt kỹ thuật là 891 TCF đối với khí đốt và 16,5 tỷ thùng đối với dầu trong đó có nhiều mỏ khí khô và khí ngưng tụ lớn vừa được phát hiện trong thời gian gần đây./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục