Tự lực cánh sinh trở thành xu hướng tái bố trí chuỗi ngành nghề Mỹ-Trung

05:00' - 13/04/2020
BNEWS Trong bối cảnh dịch COVID-19, tiến trình toàn cầu hóa và bố cục ngành nghề trên thế giới sẽ bị ảnh hưởng như thế nào và có ý nghĩa gì đối với hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc?
Hoạt động sản xuất tại một nhà máy ở tỉnh Giang Tây, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Theo Tiến sỹ kinh tế Thẩm Lăng thuộc trường Kinh doanh, Đại học Công nghệ Hoa Đông Thượng Hải (Trung Quốc), đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 là sự kiện “thiên nga đen” (sự kiện không thể đoán trước, gây hậu quả nghiêm trọng) lớn nhất năm 2020.

Hơn nữa, “thiên nga đen” này có vẻ như “đuổi không chịu đi” vì nếu chưa tìm ra phương pháp chữa trị hiệu quả, cuối cùng có thể phải đợi tới khi đại bộ phận người dân thế giới hình thành khả năng miễn dịch nhất định với virus SARS-CoV-2.

Cho nên, việc đại dịch COVID-19 ảnh hưởng tiêu cực đối với kinh tế thế giới là điều không phải bàn cãi, nghiêm trọng là kinh tế thế giới sẽ rơi vào suy thoái. Nhưng trong bối cảnh một cuộc đại suy thoái như vậy, các nhà kinh tế vẫn có những dự báo khác nhau về xu thế tái bố trí chuỗi ngành nghề ở Mỹ và Trung Quốc thời hậu COVID-19.

Có quan điểm cho rằng Trung Quốc là nước kiểm soát được dịch bệnh đầu tiên trên thế giới, khôi phục sản xuất kinh doanh trước tiên. Do vậy, Trung Quốc ở thế có lợi về tăng trưởng kinh tế thời hậu COVID-19. Hiện nay, toàn thế giới cần Trung Quốc cung cấp vật tư phòng chống dịch, cho nên, ưu thế chuỗi ngành nghề của Trung Quốc cũng thu hút dòng vốn thế giới tiếp tục đầu tư vào Trung Quốc.

Có quan điểm khác cho rằng dịch bệnh đã mách bảo thế giới rằng khi đối mặt với “thiên nga đen”, toàn cầu hóa không còn đáng tin nữa. Thay vì tranh giành vật tư chiến lược trong khủng hoảng thì cách tốt hơn là tăng cường năng lực tự chủ sản xuất thời hậu COVID-19. Cho nên, Trung Quốc sẽ phải đối mặt tới môi trường bên ngoài nghiêm trọng hơn ở thời hậu COVID-19.

Kỳ thực, toàn cầu hóa thoái trào là một phương hướng trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát và điển hình nhất là căng thẳng thương mại Mỹ-Trung. Vấn đề hiện nay không phải là thời hậu COVID-19 xu thế thoái trào của toàn cầu hóa sẽ ra sao mà là đại dịch COVID-19 sẽ ảnh hưởng như thế nào tới tiến trình này? Khiến nó tăng tốc hay chậm lại?

Trong một bài viết đăng trên trang web của Đài Tiếng nói Đức (DW) phiên bản tiếng Trung, Tiến sỹ Thẩm Lăng giả sử một sản phẩm nào đó được hình thành từ 100 linh kiện, mỗi 1 linh kiện do nhiều nhà máy sản xuất. Trong đó, 10 linh kiện được sản xuất ở Mỹ là bộ phận cốt lõi, đem lại lợi nhuận cao nhất; 90 linh kiện còn lại được sản xuất ở Trung Quốc, không có rào cản công nghệ nào, lợi nhuận ít. 

Đây chính là sự bố trí tối ưu nguồn vốn trong toàn cầu hóa. Vậy đại dịch COVID-19 sẽ ảnh hưởng như thế nào? Câu trả lời là đại dịch COVID-19 sẽ làm tăng giá thành nhân công mà ảnh hưởng tương đối ít tới thương mại hàng hóa. Có thể dự kiến phần lớn nhà máy sản xuất linh kiện sẽ phải bố trí lại sản xuất để cắt giảm giá thành nhân công và việc này sẽ biểu hiện rõ nhất ở các ngành nghề có chuỗi sản xuất dài.

Vậy hiện nay Mỹ có dễ dàng tái thiết chuỗi ngành nghề hoàn chỉnh để 100 linh kiện đều được sản xuất ở Mỹ hay việc đó sẽ dễ dàng hơn đối với Trung Quốc? 

Nếu không có hạn chế về xuất khẩu công nghệ, rõ ràng việc đó sẽ dễ dàng hơn đối với Trung Quốc. Đó chính là lý do giải thích tại sao hãng xe điện Tesla của Mỹ rất nhanh chóng nhận được giấy phép xây dựng nhà máy ở Trung Quốc còn tập đoàn kính Fuyao của Trung Quốc gặp nhiều khó khăn khi xây dựng nhà máy ở Mỹ. 

Đương nhiên, nếu tồn tại hạn chế công nghệ thì sẽ khó nói và việc này phụ thuộc vào việc Trung Quốc có thể tự chủ nghiên cứu phát triển năng lực sản xuất 10 linh kiện cốt lõi hay không.

Đối với Mỹ, nếu tự lực cánh sinh, Mỹ sẽ phải đưa một phần tài nguyên sản xuất từ khu vực sản xuất linh kiện cốt lõi mang lại lợi nhuận cao chuyển dịch sang khu vực sản xuất linh kiện phổ thông mang lại lợi nhuận thấp và Mỹ cũng mất sự hỗ trợ hiệu quả cao của Trung Quốc, khiến tổng sản lượng sẽ giảm so với thời kỳ toàn cầu hóa.

Cho nên, chính sách hạn chế xuất khẩu công nghệ không chỉ bị Trung Quốc tẩy chay, mà còn không hiệu quả về chi phí đối với các thực thể kinh tế thông thường của Mỹ, kể cả dòng vốn và người tiêu dùng.

Đối với Trung Quốc, nước này cũng không nhất định được lợi. Bởi dù có nghiên cứu phát triển năng lực sản xuất linh kiện cốt lõi, thu được lợi nhuận cao, nhưng do mất toàn cầu hóa, hiệu quả sản xuất chung của Trung Quốc cũng giảm xuống. Cuối cùng, được lợi hay không phụ thuộc vào yếu tố nào trong hai yếu tố đối lập này có ảnh hưởng lớn hơn.

Đương nhiên, kết luận nêu trên được xây dựng với tiền đề Mỹ-Trung có thể độc lập tự chủ sản xuất 100%. Trên thực tế, dịch bệnh vẫn là sự kiện có xác xuất thấp và khó có khả năng đẩy thế giới vào tình trạng bế quan tỏa cảng.

Nếu đại bộ phận các nhà sản xuất linh kiện không điều chỉnh, chỉ có một số nhà sản xuất phải lựa chọn lại nơi đặt nhà máy để tránh phải giá cao vì dịch bệnh, dòng vốn rõ ràng có khuynh hướng chảy vào Trung Quốc hơn bởi ở Trung Quốc, họ có thể giao lưu với 80% các nhà máy sản xuất linh kiện có giá thành thấp khác.

Ngoài vấn đề phù hợp sản xuất, bố trí chuỗi sản xuất và thị trường lớn, nhỏ cũng có quan hệ chặt chẽ. Nếu thị trường trong nước của Trung Quốc lớn hơn Mỹ thì sẽ khó khăn hơn trong việc thuyết phục các nhà máy sản xuất linh kiện chuyển từ Trung Quốc về Mỹ.

Lý do rất đơn giản vì một khi thương mại quốc tế bị gián đoạn vì dịch bệnh, lợi nhuận sản xuất ở đâu sẽ được quyết định bởi thị trường thương mại ở đó. Nếu thị trường Trung Quốc rộng lớn, dòng vốn lẽ nào lại bỏ đi?

Do đó, dù dịch bệnh như thế nào, đối với Trung Quốc, sách lược tốt nhất vẫn là nhanh chóng nâng cao thực lực nghiên cứu phát triển độc lập, và tăng cường củng cố thị trường trong nước./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục