Tuyến đường vành đai 4 góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội liên vùng

22:10' - 22/09/2021
BNEWS Tuyến đường vành đai 4 khi hoàn thành không chỉ góp phần góp phần giảm ùn tắc giao thông, mở rộng không gian phát triển cho thành phố mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội liên vùng.

Đầu tư tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô là một trong các nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trong Chương trình hành động của Đảng bộ thành phố Hà Nội thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội, nhằm từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông của Thủ đô theo quy hoạch.
Tuyến đường khi hoàn thành không chỉ góp phần giảm ùn tắc giao thông, mở rộng không gian phát triển cho thành phố, kéo giãn mật độ dân cư tại khu vực nội đô, phát triển kinh tế đô thị và nông thôn, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực hai bên tuyến đường mà còn tăng cường khả năng kết nối, tạo động lực, tác động lan tỏa liên vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô, vùng Đồng bằng sông Hồng và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Trong quá trình nghiên cứu đề xuất dự án, Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã nghe và cho ý kiến, đồng thời, đã tổ chức hội nghị làm việc với Bộ Giao thông Vận tải và các tỉnh liên quan để trao đổi, thống nhất về chủ trương và phương án triển khai. Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội thống nhất, biểu quyết 100% quyết nghị đồng ý về chủ trương triển khai dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.
Từng bước triển khai dự án, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo UBND thành phố và các cơ quan liên quan thực hiện chủ trương trên theo đúng các quy định hiện hành của pháp luật.
Trong đó, đề xuất dự án phải phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; Quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thủ đô; Quy hoạch Vùng Thủ đô Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; các quy hoạch chuyên ngành có liên quan và tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định.

Việc xây dựng phương án và phân kỳ đầu tư dự án phải phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực, bảo đảm hiện đại, đồng bộ toàn tuyến, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu giao thông trước mắt và lâu dài.

Dự án xây dựng phải có giải pháp kết nối khu vực hai bên tuyến đường, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và các hoạt động sản xuất, kinh doanh; giải quyết các vấn đề liên quan đến quốc phòng, an ninh, bảo đảm kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng - an ninh.
Các quy trình, thủ tục đầu tư dự án phải được thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật về đầu tư công, đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP), xây dựng, đất đai, bảo vệ môi trường và các quy định pháp luật khác có liên quan. Trong đó, lưu ý việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án thành phần theo hình thức PPP phải có đầy đủ năng lực, kinh nghiệm để triển khai dự án bảo đảm chất lượng và đúng tiến độ theo quy định.
UBND thành phố Hà Nội phối hợp với Đảng đoàn HĐND thành phố cân đối, bố trí đủ nguồn vốn của thành phố đáp ứng nhu cầu, tiến độ thực hiện các dự án thành phần trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn của thành phố (giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn 2026-2030).

Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất các cơ chế đặc thù về khai thác các quỹ đất hai bên tuyến đường cũng như các cơ chế đặc thù khác nhằm huy động các nguồn lực để thực hiện dự án, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Bên cạnh đó, thành phố cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động tạo được sự đồng thuận của người dân; thực hiện tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, đảm bảo quyền lợi, nhất là quan tâm hỗ trợ sinh kế, đời sống cho người dân bị thu hồi đất, không để phát sinh các vụ việc phức tạp trên địa bàn…

Sau khi hoàn chỉnh, hồ sơ sẽ trình tại Kỳ họp thứ hai, HĐND thành phố khóa XVI để được xem xét, cho ý kiến về chủ trương triển khai dự án./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục