Tỷ lệ nghèo đói tại "điểm nóng" của thế giới giảm mạnh

17:30' - 25/11/2023
BNEWS Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh (ECLAC) mới đây cho biết tỷ lệ nghèo đói tại khu vực này đã giảm 29% trong năm 2022.

Theo Báo cáo “Toàn cảnh xã hội Mỹ Latinh và Caribe” do ECLAC công bố, khoảng 181 triệu người dân khu vực này sống trong cảnh nghèo đói, trong đó có 70 triệu người (tương đương 11,2% dân số) sống trong cảnh nghèo cùng cực, tức là không có thu nhập đủ để mua một giỏ thực phẩm cơ bản.

 

Thư ký điều hành của ECLAC José Manuel Salazar-Xirinachs dự đoán tình hình không mấy khả quan dựa trên tốc độ tăng trưởng GDP khu vực dự kiến cho năm 2023.

Châu Mỹ Latinh, khu vực bất bình đẳng nhất trên thế giới và bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19, đã tăng trưởng 6,9% vào năm 2021 sau cuộc suy thoái lớn nhất trong 120 năm trở lại đây. ECLAC dự báo khu vực Mỹ Latinh sẽ tăng trưởng 1,7% trong năm nay và 1,5% năm 2024.

Báo cáo của ECLAC cho thấy mặc dù thị trường lao động Mỹ Latinh có dấu hiệu cải thiện ở một số khía cạnh nhất định trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến năm 2022, “khu vực này đang trải qua một cuộc khủng hoảng diễn ra chậm chạp về mặt hòa nhập lao động, không chỉ được hiểu là tạo việc làm mà còn là các điều kiện để tiếp cận việc làm”.

Báo cáo chỉ rõ trong tổng số 292 triệu người có việc làm trong khu vực, cứ 2 người thì có 1 người làm việc phi chính thức, gần 1/5 sống trong nghèo đói, 4 trên 10 người có thu nhập lao động dưới mức lương tối thiểu và một nửa không đóng góp vào hệ thống lương hưu.

Theo ECLAC, vào năm 2022, tổng cộng 54,2 triệu hộ gia đình (39% tổng số) phụ thuộc hoàn toàn vào việc làm phi chính thức trong khu vực.

Báo cáo cũng cho thấy người di cư ngày càng tăng cường vai trò trên thị trường lao động trong khu vực, từ đó đóng góp cho nền kinh tế và xã hội của các quốc gia đến. Tuy nhiên, người di cư có xu hướng gặp khó khăn hơn trong việc hòa nhập lao động.

Bất bình đẳng thu nhập năm 2022 đã giảm so với mức ghi nhận năm 2019, tuy nhiên vẫn ở mức “rất cao”. ECLAC nhấn mạnh rằng tài sản của 105 người giàu nhất đã chiếm gần 9% GDP khu vực năm 2021. Tỷ lệ tham gia lao động của nam giới năm 2022 là 74,5% và con số tương ứng của phụ nữ chỉ đạt 51,9%.

Thư ký điều hành ECLAC nhấn mạnh rằng khu vực này vẫn “sa lầy” trong bẫy cấu trúc kép gồm tăng trưởng thấp và mức độ nghèo đói và bất bình đẳng cao.

Ông Salazar-Xirinachs khuyến nghị các quốc gia chuyển từ việc tuyển dụng lao động sang hòa nhập lao động, đưa lao động trở thành trục trung tâm để phát triển xã hội toàn diện.

Thư ký điều hành ECLAC nhận định không thể tạo ra một tương lai việc làm tốt hơn nếu không tạo ra một tương lai sản xuất tốt hơn và ngược lại.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục