Tỷ lệ nợ của các thị trường mới nổi tăng lên mức cao kỷ lục

14:30' - 29/11/2022
BNEWS Theo Viện Tài chính quốc tế (IIF), tỷ lệ nợ/Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của các thị trường mới nổi lại tăng lên mức cao kỷ lục.

Theo Viện Tài chính quốc tế (IIF), mặc dù quy mô nợ toàn cầu trong quý III/2022 giảm 6.400 tỷ USD xuống 290.000 tỷ USD do đồng USD mạnh lên và doanh số bán trái phiếu chậm lại, tỷ lệ nợ/Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của các thị trường mới nổi lại tăng lên mức cao kỷ lục.

 

Theo phóng viên TTXVN tại Hong Kong (Trung Quốc), báo cáo “Giám sát nợ toàn cầu” do IIF công bố mới đây cho thấy thâm hụt ngân sách gia tăng và tăng trưởng kinh tế chậm lại khiến cho tỷ lệ nợ/GDP của các nền kinh tế đang phát triển tăng lên 254%, tương đương với mức cao kỷ lục trong quý I/2021.

Tuy nhiên, tổng nợ của các thị trường mới nổi giảm từ mức 98.700 tỷ USD của quý trước đó xuống 96.200 tỷ USD trong quý III. Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ toàn cầu/GDP ghi nhận giảm quý thứ 6 liên tiếp, xuống 343%.

Giá năng lượng và thực phẩm leo thang trên phạm vi toàn cầu tiếp tục đẩy cao lãi suất và chi phí huy động vốn, các chính phủ cũng tăng cường chi tiêu để hỗ trợ nền kinh tế. IIF cho rằng chênh lệch lãi suất của những người vay lãi suất cao trong năm nay trung bình mở rộng khoảng 400 điểm cơ bản, tuy nhiên mức độ mở rộng chênh lệch lãi suất của những người vay đầu tư lại tương đối nhỏ.

Theo báo cáo, Giám đốc bộ phận nghiên cứu phát triển bền vững của IIF Emre Tiftik nhấn mạnh “đối diện với môi trường huy động vốn toàn cầu thắt chặt, rất nhiều người vay lãi suất cao đã gặp phải nhiều thách thức hơn khi tham gia thị trường quốc tế trong năm nay”. Báo cáo còn cho rằng chi phí lãi vay của các tổ chức có chủ quyền trên toàn cầu sẽ gia tăng nhanh chóng, đặc biệt là ở khu vực phía Nam sa mạc Sahara ở châu Phi và các thị trường mới nổi châu Âu.

Các nhà hoạch định chính sách và tổ chức xếp hạng tín nhiệm cảnh báo, áp lực nợ mà các nền kinh tế đang phát triển dễ bị tổn thương đối diện còn lâu mới kết thúc, khả năng xảy ra vỡ nợ nhiều hơn. Theo IIF, chi phí trả nợ tăng lên có thể gây tổn hại đặc biệt cho các nước chịu ảnh hưởng lớn nhất từ biến đổi khí hậu.

Nhóm ngân hàng toàn cầu nhấn mạnh trong báo cáo quý rằng mặc dù sự phụ thuộc vào nợ bằng USD trong những năm qua đã giảm bớt, nhưng mức độ phụ thuộc của Mỹ Latinh và châu Phi vẫn rất cao, khiến cho rất nhiều nước chịu ảnh hưởng sâu sắc của sự biến động trên thị trường ngoại hối. 

Ngoài các quỹ đầu tư quốc gia, các doanh nghiệp quy mô nhỏ và hộ gia đình thu nhập thấp cũng là đối tượng chịu tác động nặng nề từ việc chi phí cho vay gia tăng. IIF cho rằng “do các hộ gia đình thu nhập thấp và doanh nghiệp nhỏ phụ thuộc cao vào nguồn vốn ngắn hạn, nên sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng khi chi phí vay tăng lên”.

Đồng USD trong quý III tăng mạnh nhất ở mức 20%, tuy nhiên tính cả năm mức tăng là 12%. Tỷ giá hối đoái của các đồng tiền thị trường mới nổi có lúc giảm 10% so với đồng USD trong năm nay, và mức giảm hiện nay là 7%./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục