UNCTAD: Các quốc gia đang phát triển cần xây dựng năng lực công nghệ

05:30' - 17/07/2021
BNEWS Các quốc gia đang phát triển có nền kinh tế phụ thuộc vào hàng hóa cần nâng cao năng lực công nghệ để thoát khỏi cái bẫy khiến phần lớn dân số của họ nghèo và dễ bị tổn thương.

Báo cáo Hàng hóa và Phát triển 2021 của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) cho biết, khoảng 64% các nền kinh tế đang phát triển dựa nhiều vào xuất khẩu hàng hóa có nguy cơ tiếp tục con đường đi xuống nếu không chấp nhận chuyển đổi cơ cấu với sự hỗ trợ của công nghệ.

Theo UNCTAD, các quốc gia đang phát triển có nền kinh tế phụ thuộc vào hàng hóa cần phải nâng cao năng lực công nghệ để thoát khỏi cái bẫy khiến phần lớn dân số của họ nghèo và dễ bị tổn thương. 

Khoảng 2/3 các nước đang phát triển phụ thuộc vào hàng hóa trong năm 2019, có nghĩa là ít nhất 60% doanh thu xuất khẩu hàng hóa của họ đến từ các hàng hóa chính, chẳng hạn như ca cao, cà phê, bông, đồng, lithium và dầu.

Quyền Tổng thư ký UNCTAD Isabelle Durant cho biết: "Sự phụ thuộc vào hàng hóa là một trạng thái khó thay đổi. Nếu các nước đang phát triển nắm bắt được công nghệ và đổi mới mới, đồng thời nhận được sự hỗ trợ thích hợp từ cộng đồng quốc tế, họ có thể chuyển đổi và sử dụng sự giàu có về tài nguyên của mình để đạt được kết quả tốt hơn". 

Bà Durant cho biết việc xây dựng năng lực công nghệ phải là ưu tiên hàng đầu vì các quốc gia đang phát triển phụ thuộc vào hàng hóa (CDDC) đang cố gắng phục hồi sau cuộc khủng hoảng COVID-19.

Phân tích của báo cáo cho thấy tỷ lệ phụ thuộc vào hàng hóa có liên quan chặt chẽ với trình độ công nghệ thấp. Ví dụ, trong Chỉ số Phát triển Công nghệ được trình bày trong báo cáo, điểm trung bình của CDDC là 1,55 so với 5,17 đối với các nước đang phát triển không phụ thuộc vào hàng hóa (không phải CDDC), chẳng hạn như Trung Quốc, Ấn Độ, Mexico, Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam.

Một chỉ số khác trong báo cáo, về mức độ sẵn sàng cho công nghệ tiên phong cũng vẽ nên một bức tranh tương tự. Các CDDC, có điểm trung bình là 0,25, ít được chuẩn bị hơn các nước không phải CDDC (0,47) để sử dụng các công nghệ như trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, blockchain (công nghệ chuỗi khối) và robotics (ngành kỹ thuật và khoa học liên ngành bao gồm thiết kế, chế tạo, vận hành, và ứng dụng người máy).

Trong một kịch bản kinh doanh thông thường, báo cáo tính toán rằng trung bình một quốc gia phụ thuộc vào hàng hóa sẽ mất 190 năm để giảm một nửa mức chênh lệch giữa tỷ trọng hàng hóa hiện tại của họ trong tổng xuất khẩu hàng hóa.

Báo cáo cho biết một yếu tố chung cho tất cả các trường hợp thành công là vai trò tích cực của các chính phủ “trong việc đưa ra cam kết mạnh mẽ để thay đổi hiện trạng và cung cấp các nguồn lực cần thiết để tiến lên”. Ý chí chính trị vững vàng và tầm nhìn dài hạn là rất quan trọng vì quá trình chuyển đổi cơ cấu hỗ trợ công nghệ phải mất hàng thập kỷ với nhiều thách thức phải vượt qua.

Câu chuyện thành công của một số quốc gia như Costa Rica từ cà phê và chuối đến vi mạch điện tử. Năm 1965, hàng hóa thực phẩm chiếm 83% tổng xuất khẩu hàng hóa của Costa Rica. Riêng cà phê và chuối đã chiếm khoảng 68%, so với chỉ 7% đối với hàng sản xuất. 

Nhưng 4 thập kỷ sau, rổ hàng hóa xuất khẩu của nước này đã thay đổi đáng kể. Thị phần của lĩnh vực thực phẩm đã giảm xuống 24% và mặt hàng xuất khẩu chính trở thành vi mạch điện tử (26% tổng xuất khẩu hàng hóa), tiếp theo là linh kiện và phụ kiện máy móc (15%).

Báo cáo cho biết con đường đa dạng hóa xuất khẩu của quốc gia Trung Mỹ này được kích hoạt nhờ môi trường chính sách hỗ trợ công nghệ, đổi mới và nguồn nhân lực cần thiết để đa dạng hóa thành các sản phẩm thực phẩm có giá trị cao hơn, chẳng hạn như nước trái cây, sau đó là thiết lập và phát triển các lĩnh vực công nghệ cao.

Indonesia cũng thành công trong việc chuyển đổi từ sự phụ thuộc vào dầu mỏ sang hàng hóa chế biến, sự đa dạng hóa của Malaysia từ cao su và dầu cọ sang các sản phẩm sản xuất, chẳng hạn như lốp xe và găng tay y tế, còn Botswana phát triển chuỗi giá trị kim cương.

Chuyển đổi cơ cấu hỗ trợ công nghệ cần phải thực tế và được hướng dẫn bởi các kế hoạch, mục tiêu và ưu tiên phát triển quốc gia.

Báo cáo khuyến nghị xác định các lĩnh vực mới gần gũi với không gian sản xuất quốc gia hiện tại và sau đó thiết kế các chính sách mục tiêu để thúc đẩy đổi mới, bằng cách cải tiến sản phẩm hoặc quy trình sản xuất.

Các chính phủ sẽ phải làm việc với các tác nhân chính của hệ thống đổi mới quốc gia, bao gồm các công ty, trung tâm nghiên cứu, trường đại học và các tổ chức tài chính.

Chuyển giao công nghệ cũng là để tránh ngõ cụt. Việc đa dạng hóa thành các lĩnh vực năng động hơn có thể đòi hỏi các CDDC phải có những “bước tiến lớn” trong đổi mới và một số công nghệ cần thiết sẽ phải được học hỏi hoặc chuyển giao từ nước ngoài.

Báo cáo nhấn mạnh, các đối tác công và tư quốc tế của các CDDC cần tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao công nghệ và hỗ trợ xây dựng các năng lực về con người và thể chế cần thiết để áp dụng công nghệ.

Chuyển giao công nghệ là rất quan trọng vì tính chất “không kết nối” của sản xuất hàng hóa. Khi một quốc gia đã ở trong một không gian sản phẩm cụ thể thì rất khó để sử dụng các khả năng ở đó để chuyển sang một sản phẩm khác”.

Báo cáo cho biết việc thiết kế và thực hiện các chính sách khoa học, công nghệ và đổi mới nên là việc của cả chính phủ, các bộ và cơ quan khác nhau sẽ cùng tham gia vào các công việc cần thiết để xây dựng một hệ sinh thái hỗ trợ. 

Điều này bao gồm cải thiện cơ sở hạ tầng cứng, chẳng hạn như điện và kết nối Internet đáng tin cậy, và cơ sở hạ tầng mềm, chẳng hạn như các quy tắc và quy định chi phối sự đổi mới và áp dụng công nghệ. Nó cũng ngụ ý thiết lập các tổ chức nghiên cứu và phát triển nhằm đạt được sự ổn định kinh tế vĩ mô./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục