Ủy ban châu Âu công bố các biện pháp hạ nhiệt giá năng lượng

12:55' - 14/10/2021
BNEWS Nhằm hỗ trợ người tiêu dùng và các ngành công nghiệp, ngày 13/10, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố một loạt biện pháp nhằm kiềm chế giá năng lượng hiện đang ở mức cao kỷ lục.

Bộ công cụ hướng dẫn này gồm các biện pháp đề xuất mà các nước Liên minh châu Âu (EU) có thể áp dụng để "hạ nhiệt" giá năng lượng với điều kiện về nguyên tắc đảm bảo tôn trọng thị trường tự do và không vi phạm quy định về cạnh tranh công bằng.

Theo Ủy viên Năng lượng châu Âu Kadri Simson, giá năng lượng đột ngột tăng vọt tại các nước EU đang đặt ra thách thức nghiêm trọng đối với liên minh.

Trong bối cảnh các nước EU đang bắt đầu quá trình hồi phục kinh tế sau đại dịch COVID-19, điều quan trọng là chính phủ các nước thành viên phải bảo vệ người tiêu dùng dễ bị tổn thương cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp.

Theo hướng dẫn của EC, các nước hỗ trợ tài chính trực tiếp cho các hộ gia đình, trợ cấp cho doanh nghiệp, và giảm thuế có trọng điểm. Các biện pháp mang tính trung hạn bao gồm hỗ trợ đầu tư vào năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng hiệu quả, các biện pháp khả thi trong việc dự trữ cũng như mua khí đốt dự trữ, đánh giá thị trường điện năng hiện nay.

Ngoài ra, theo ủy viên Simson, mặc dù cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay là hiếm khi xảy ra, nhưng để tránh nguy cơ tái diễn trong tương lai, EU cần tập trung vào quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch và cần phải thúc đẩy nhanh tiến trình này.

Ngoài việc tránh xảy ra tình trạng thiếu hụt năng lượng, việc chuyển đổi sang năng lượng sạch cũng sẽ giúp EU độc lập về năng lượng, không phải phụ thuộc vào nguồn khí đốt từ bên ngoài và quan trọng là đảm bảo các mục tiêu về khí hậu theo Thỏa thuận Xanh châu Âu.

Trong khi đó, cùng ngày, Phó Thủ tướng Moldova Andrei Spinu cho biết nước này sẽ áp đặt tình trạng khẩn cấp cho lĩnh vực năng lượng do thiếu nguồn cung khí đốt tự nhiên và hiện vẫn chưa đạt được thỏa thuận về năng lượng mới với tập đoàn dầu khí Gazprom của Nga.

Theo Phó Thủ tướng Spinu, Moldova muốn đàm phán về việc mua khí đốt từ các quốc gia láng giềng như Romania và Ukraine, trong khi hy vọng có thể đạt thỏa thuận mới với Gazprom vào cuối tháng 10/2021.

Ông cũng cho biết giới chức nước này sẽ có cuộc làm việc với đại diện Gazprom trong hai ngày 14 - 15/10 và muốn ký một thỏa thuận cung cấp năng lượng với Gazprom để mang lại lợi ích cho người dân trong nước.

Hiện tập đoàn Gazprom chưa đưa ra bất cứ bình luận nào./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục