Chuyển dịch năng lượng: Cân nhắc các yếu tố

14:34' - 13/10/2021
BNEWS Về chuyển dịch năng lượng, Việt Nam phải nghiên cứu trong lộ trình của mình, thay đổi thế nào, quá trình chuyển đổi ra sao, tỷ lệ các nguồn trong từng thời kỳ...
Chuyển dịch năng lượng sẽ giúp Việt Nam hướng tới phát triển bền vững hơn. Tuy nhiên, chuyển dịch thế nào và cần cơ chế gì để thực hiện. Đây là nội dung chính được các chuyên gia chia sẻ tại Diễn đàn “Chuyển dịch năng lượng của Việt Nam hướng đến phát triển bền vững” do Bộ Công Thương phối hợp với Tạp chí Năng lượng sạch Việt Nam và các đơn vị liên quan tổ chức sáng 13/10 tại Hà Nội.

Phát biểu tại diễn đàn, TS . Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, một trong những yêu cầu quan trọng Việt Nam cần thực hiện khi tham gia Thỏa thuận chung Paris trong khuôn khổ Công ước chung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu là thúc đẩy chuyển dịch năng lượng mạnh mẽ để giảm phát thải khí nhà kính, các quyết định đầu tư và chính sách phải được thực hiện để khử carbon trong lĩnh vực năng lượng. Bên cạnh đó, việc thực hiện các hiện định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới cũng đặt ra các yêu cầu phải thúc đẩy chuyển dịch năng lượng.

Theo bà Vũ Chi Mai, Trưởng Hợp phần năng lượng tái tạo – Tổ chức phát triển Đức GIZ, chuyển dịch năng lượng không phải loại trừ những gì đang có mà chuyển đổi dần từ trạng thái năng lượng sơ cấp có thể cạn kiệt sang dạng năng lượng sạch hơn, với tỷ lệ lớn hơn nhằm đảm bảo đủ điện và yêu cầu cảu biến đổi khí hậu. 

Có 3 đòn bẩy chính sách quan trọng và dẫn dắt chuyển dịch năng lương ở Việt Nam, đó là thúc đẩy phát triển năng lượng sạch, giảm sâu phát thải CO2 và phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng. Để khuyến khích năng lượng sạch, thay vì việc đưa ra giá ưu đãi FIT từ Nam tới Bắc, thì có thể thực hiện giá FIT theo vùng, địa phương, theo công suất lắp đặt. Nếu những vùng miền có sử dụng năng lượng hiệu quả, giảm thiểu truyền tải điện, tăng thu nhập người dân thì nên có cơ chế khuyến khích phát triển điện sạch tại chỗ.

Với giảm sâu phát thải CO2, thời gian tới, Việt Nam xuất khẩu hàng hóa cũng phải vượt qua “biên giới carbon”, đáp ứng các yêu cầu của châu Âu và các nước về giảm phát thải. Do vậy, việc giảm sâu CO2 cho từng sản phẩm cần được lưu ý. Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ phát triển dài hơi hơn, mục tiêu rõ ràng và cân đối giữa các ngành năng lượng khác nhau, bà Vũ Chi Mai cho hay.

Chia sẻ của bà Ngụy thị Khanh, Giám đốc điều hành của Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) cho hay, để chuyển dịch năng lượng thành công cần rất nhiều yếu tố về công nghệ, hệ thống vận hành linh hoạt hơn, cấu trúc của thị trường…

Việt Nam trong 2 năm vừa qua đã có sự phát triển đột phá về năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, những thách thức cũng đã được nhìn nhận, vì chúng ta chưa có sự chuẩn bị hài hòa giữa chính sách với nhu cầu đầu tư lớn vào ngành.

Việt Nam còn nhiều tiềm năng để phát triển năng lượng tái tạo, như phát triển điện mặt trời nổi trên các công trình thủy điện để tận dụng nhà máy, đường dây truyền tải từ các dự án thủy điện; điện gió ngoài khơi cũng cần được xem xét, gắn với phát triển hydro; giải pháp về tích trữ năng lượng, hay phân tán điện mặt trời… Bà Ngụy Thị Khanh nhận định và nói thêm: “Tôi cho rằng Quy hoạch Điện VIII vẫn nên kiên trì và tiếp tục mục tiêu tạo cơ hội tối đa, khai thác triệt để các nguồn năng lượng tái tạo trong nước. Bởi lẽ đây là các dạng năng lượng không bị phụ thuộc vào nhiên liệu than, khí, biến động giá thị trường. Từ đó, có các chính sách, tạo thị trường để tháo gỡ, thúc đẩy phát triển các nguồn năng lượng này”.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng xanh cho rằng, nên nhìn chuyển dịch năng lượng trước tiên từ vấn đề an ninh năng lượng. Theo đó, công việc chuyển dịch cần được quan tâm trên 4 lĩnh vực: sự sẵn có của các nguồn năng lượng; khả năng tiếp cận các nguồn năng lượng ở các vùng miền; khả năng chi trả của người dân và cuối cùng là sự chấp nhận các loại năng lượng tại các địa phương, người dân đến đâu…

Hiện nay, xu hướng của thế giới là tăng cường tỷ trọng năng lượng tái tạo, và có thể nhận định điện gió, mặt trời, khí hydro sẽ là các nguồn năng lượng trong tương lai. Nhưng dù muốn hay không, điện than vẫn sẽ đóng vai trò chạy nền quan trọng, thế giới cũng sẽ không thể loại bỏ hoàn toàn điện than trong một sớm một chiều. Mục tiêu của thế giới tới năm 2030, các dự án điện than cận tới hạn sẽ dừng hoạt động, liệu câu chuyên này có đạt được không.

“Về chuyển dịch năng lượng từ sử dụng các năng lượng sơ cấp (than, dầu) sang các dạng năng lượng sạch hơn, Việt Nam phải nghiên cứu trong lộ trình của mình, thay đổi thế nào, quá trình chuyển đổi ra sao, tỷ lệ các nguồn trong từng thời kỳ? Hay chúng ta cứ nhắm mắt thực hiện theo Net zero – phát thải bằng không. Tôi cho rằng, cần phải tỉnh táo và cân nhắc trên các nghiên cứu khoa học”, ông Hà Đăng Sơn nói.

Theo PGS. TS Phạm Hoàng Lương, Giám đốc Viện khoa học Công nghệ Quốc tế Việt Nam - Nhật Bản, hệ thống năng lượng điện của Việt Nam có nhiều điểm khác biệt so với thế giới và mục tiêu đặt ra phải đảm bảo cung ứng đủ phụ tải; vì vậy, đâu đó, điện than vẫn là loại hình năng lượng quan trọng. Tất nhiên, trong tương lai, điện gió, điện mặt trời, hydro sẽ đóng vai trò rất chủ đạo. 

Xu hướng của thế giới chuyển dần từ điện than sang điện khí, năng lượng tái tạo như Mỹ, Trung Quốc, châu Âu… Nhưng chúng ta rất lưu ý khi nào thì Việt Nam làm được. Các nhà máy nhiệt điện tại Mỹ đã vận hành 40 năm, đủ khấu hao và có thể chuyển đổi; còn như Trung Quốc, Ấn Độ hay Việt Nam, các nhà máy vận hành trong 10 - 15 năm thì phải tính toán chuyển đổi thế nào để đảm bảo hài hòa lợi ích kinh tế, vừa đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế xã hội…

Muốn chuyển đổi năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo thì công nghệ tích trữ là điều bắt buộc đi kèm. Hiện nay giải pháp cho vấn đề này rất nhiều, như: pin lưu trữ, hydro, thủy điện tích năng… Cùng với đó là công nghệ để quản lý phía cầu tiêu thụ điện như điều chỉnh phụ tải hay sử dụng điện trực tiếp từ các nhà máy điện sạch tại các địa phương.

Dù vậy, cần nhất và thiết tha nhất vẫn là cơ chế. Đơn cử như hệ thống lưu trữ, cơ chế nào để nhà đầu tư yên tâm rót vốn, để trên cơ sở đó, hoạch định và đảm bảo mục tiêu chuyển dịch năng lượng bền vững. Đây là bài toán không đơn giản”, PGS. TS Phạm Hoàng Lương nhận định./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục