Vai trò của Nga trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương (Phần 2)

05:30' - 26/12/2018
BNEWS Trên thực tế, khoảng cách giữa hai bờ Thái Bình Dương quá lớn, còn các vấn đề điển hình của các nước ở đây lại quá khác nhau đến mức thuật ngữ này có thể xem là "thuật ngữ nhân tạo".
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại cuộc họp ở Moskva. Ảnh: AFP/TTXVN

Có thể nói, ASEAN đang chao đảo giữa 2 "gã khổng lồ", cố gắng hết sức để “che chắn” các rủi ro, nghĩa là làm hài lòng cả “ta” cả “địch”. Câu hỏi: Ai là chủ thể giải quyết các vấn đề châu Á? cũng đang được tranh luận rất quyết liệt. Nước Nga tất nhiên nằm trên lục địa Á-Âu, song liệu Nga có là một bên “ta” đối với các tiến trình đang diễn ra tại châu Á hay không.

Giáo sư G. Toloraia cho rằng bản thân thuật ngữ "khu vực châu Á-Thái Bình Dương" cũng chỉ được sử dụng nhiều kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai nhờ người Mỹ bởi Washington muốn dùng thuật ngữ này để khẳng định sự hiện diện thống trị của mình tại khu vực.

Trên thực tế, khoảng cách giữa hai bờ Thái Bình Dương quá lớn, còn các vấn đề điển hình của các nước ở đây lại quá khác nhau đến mức thuật ngữ này có thể xem là "thuật ngữ nhân tạo", giống như thuật ngữ “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.

Giới chuyên gia cho rằng mâu thuẫn của lý thuyết này nằm trong chính nỗ lực lôi kéo Ấn Độ vào cuộc xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc. Theo ý nghĩa khoa học thì “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” là cấu trúc nhân tạo chứ không phải cấu trúc khu vực.

Giáo sư Toloraia cho rằng về địa lý, châu Á cốt lõi là vùng đất trải dài từ Myanmar đến Nhật Bản, từ Mông Cổ đến phía Nam Indonesia. Vùng đất này hiển hiện sự đồng nhất về văn minh, lịch sử và số phận. Chính nơi đây đã xuất hiện "phép lạ kinh tế", cho phép chúng ta nói về châu Á ở nửa sau thế kỷ 20 là một khu vực năng động nhất thế giới.

Với lập luận như trên, cả khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cả không gian “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” và phía Đông lục địa Á-Âu đều là các nhánh và như vậy các nước nằm trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương đều là đối tác bên ngoài đối với châu Á - bao gồm cả Mỹ, cả Nga, cả Ấn Độ, Australia, Canada... 

Do đó, những tranh cãi về tính ưu tiên của cấu trúc “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”, Á-Âu hay châu Á-Thái Bình Dương đều chỉ là sự xung đột xuất phát từ những lợi ích "ích kỷ" của các quốc gia bên ngoài. Có thể khẳng định rằng nền an ninh ở châu Á trước hết là công việc của các nước tại đây. 

Tuy nhiên, ngày hôm nay, mối lo ngại của các nước đó về vị thế thống trị của Trung Quốc đang tăng lên, chính vì vậy mà các nước này mới dùng đến “nhân tố Mỹ” để chuyển xung đột song phương lên cấp độ "toàn khu vực".

Còn Nga có thể thực hiện chức năng "đảm bảo bên ngoài" bởi Moskva không đứng về bên nào trong cuộc xung đột đó. Với sức mạnh đồng thuận, các nước ASEAN hoàn toàn có thể đưa ra phương án giải quyết đối với những vấn đề hiện nay, bao gồm cả tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông, và tìm ra giải pháp thỏa hiệp với điều kiện "không có sự ra lệnh từ bên ngoài". Và khi đó, vai trò trung lập của Nga có thể rất "hữu ích"./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục