Vấn đề của ba đầu tàu kinh tế thế giới

06:30' - 19/04/2024
BNEWS Các nhà phân tích tại tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings đã rất bận rộn trong những tháng gần đây, khi liên tục cảnh báo về nguy cơ nợ công tăng ở hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Vào tháng 8/2022, Fitch Ratings - một trong ba hãng xếp hạng tín nhiệm lớn nhất thế giới - đã quyết định hạ xếp hạng tín nhiệm của Mỹ từ AAA xuống AA+, phần lớn do những bế tắc của chính phủ nước này trong vấn đề trần nợ công. Giờ đây, Fitch Rating lại đang cho thấy sẽ có những động thái mới liên quan tới triển vọng hạ thấp xếp hạng tín nhiệm của Trung Quốc. Tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín toàn cầu này đã đưa ra lời cảnh báo về “triển vọng kinh tế không chắc chắn của Trung Quốc trong bối cảnh chuyển đổi từ tăng trưởng dựa vào tài sản sang mô hình mới mà Chính phủ Trung Quốc gọi là tăng trưởng bền vững hơn”.

Tại Nhật Bản, đồng yen đã giảm xuống ngưỡng 152 yen đổi 1 USD, mức thấp nhất trong 34 năm. Quỹ đạo của đồng yen đang làm đảo lộn động lực thị trường ở khắp nơi và có nguy cơ khiến nền kinh tế lớn thứ hai của châu Á thụt lùi trên trường quốc tế.

Những thách thức của nền kinh tế Trung Quốc đã nhận được tỷ lệ quan tâm rất cao từ các nhà quan sát, các tổ chức tài chính và xếp hạng tín nhiệm, khi cuộc khủng hoảng tài sản ngày càng trầm trọng và áp lực giảm phát khiến các nhà đầu tư quan ngại. Cuộc tháo chạy cổ phiếu trị giá 7.000 tỷ USD từ mức đỉnh của năm 2021 cho đến tháng 1/2024 đã giảm dần. Tuy nhiên, có một vấn đề đáng lo ngại khác, đó là sự tăng trưởng yếu của nền kinh tế lớn nhất châu Á đang ảnh hưởng đến các quyết định tại các điểm giao thương ở khắp nơi trên thế giới.

Cảnh báo mà các chuyên gia của Fitch Rating đưa ra tiếp nối một cảnh báo mà tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's Investor Service đã công bố vào tháng 12/2023, có thể hạ triển vọng xếp hạng tín nhiệm của Trung Quốc từ mức ổn định xuống tiêu cực. Vào thời điểm đó, tổ chức xếp hạng tín nhiệm toàn cầu Moody's đã nhấn mạnh những rủi ro liên quan đến "tăng trưởng kinh tế trung hạn thấp hơn một cách liên tục và có cấu trúc" cũng như tình trạng thiếu ổn định đang diễn ra trong lĩnh vực bất động sản Trung Quốc.

Giờ đây, Fitch Ratings cho biết, động thái của họ “phản ánh những rủi ro ngày càng tăng đối với triển vọng tài chính công của Trung Quốc, khi nước này phải đối mặt với những triển vọng kinh tế không chắc chắn hơn trong bối cảnh chuyển đổi từ tăng trưởng dựa vào tài sản sang mô hình mới mà chính phủ coi là tăng trưởng bền vững hơn”.

Mô hình tăng trưởng tập trung vào dịch vụ và đổi mới

Mô hình tăng trưởng của Trung Quốc đang trong tình trạng thay đổi liên tục khi chính phủ nỗ lực điều chỉnh lại mục tiêu, nhằm tạo ra “lực lượng sản xuất chất lượng mới” chuyển hướng tập trung từ sản xuất sang dịch vụ và đổi mới.

Nhà kinh tế Diana Choyleva của tổ chức nghiên cứu kinh tế Enodo Economics cho biết: “Quyết tâm của Trung Quốc nhằm nâng cao chuỗi giá trị công nghệ và bản địa hóa sản xuất công nghệ tiên tiến không phải là mới và được thúc đẩy bởi những cân nhắc cả về kinh tế và địa chính trị".

Bà Choyleva lưu ý thêm: “Nếu Trung Quốc có thể thiết lập vai trò thống trị trong các công nghệ tiên tiến, đặc biệt là về mặt thiết lập tiêu chuẩn quốc tế, điều đó sẽ mang lại lợi thế cả về kinh tế và địa chính trị khi thế giới ngày càng phụ thuộc vào hệ thống công nghệ Trung Quốc”.

Tuy nhiên, theo Fitch Rating, điều đáng lo ngại là cuộc khủng hoảng tài sản - và các vết nứt khác trong hệ thống tài chính cơ bản - có thể khiến Trung Quốc quay trở lại chính sách kích thích bơm tài chính kiểu cũ, làm bùng nổ bảng cân đối quốc gia. Do sự thiếu minh bạch liên quan đến các vấn đề nợ của Trung Quốc, các nhà đầu tư toàn cầu không hoàn toàn chắc chắn về số nợ mà các chính quyền địa phương cũng như trung ương của Trung Quốc đang phải gánh chịu.

 
Chỉ riêng khoảng tiền tài trợ khổng lồ mà các chính quyền địa phương của Trung Quốc phát hành trong vài năm gần đây, trị giá 9.000 tỷ USD, đã đặt ra những rủi ro rất lớn. Điều này làm nổi bật tình thế tiến thoái lưỡng nan mà Trung Quốc phải đối mặt giữa việc kiềm chế tình trạng dư thừa tài chính và giữ mức tăng trưởng ở gần mục tiêu 5%.

Chuyên gia Lynn Song, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng ING tại Trung Quốc, cho biết: “Theo quan điểm của chúng tôi, những nỗ lực hợp nhất dài hạn có thể cần phải xếp sau những lo ngại về ổn định ngắn hạn và triển vọng nợ có thể trở nên tồi tệ hơn trước khi trở nên tốt hơn”. Ông nói tiếp: “Việc không khôi phục được tăng trưởng và niềm tin sẽ làm suy yếu Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và có thể gây tác động tai hại không kém đối với tính bền vững của nợ dài hạn”.

Nguy cơ từ nền kinh tế lớn nhất thế giới

Trong tháng Ba, giá tiêu dùng của Mỹ đã tăng tốc từ mức 3,2% của tháng trước lên 3,5%, đánh dấu mức tăng lạm phát mạnh nhất trong sáu tháng qua. Điều này dẫn đến suy đoán rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ chưa vội vàng cắt giảm lãi suất, ít nhất là trong những tháng tới.

Tin bất lợi nữa là lạm phát đang xảy ra cùng với khoản nợ quốc gia lên tới 34.000 tỷ USD và những tranh cãi chính trị gay gắt ở Washington trong bối cảnh các đảng phái nỗ lực vận động tranh cử cho kỳ bầu cử sẽ diễn ra vào tháng 11 tới.

Do những bất đồng liên tục giữa chính phủ và các thành viên Hạ viện Mỹ, dẫn đến việc ngân sách thường xuyên bị đặt vào trạng thái “treo” và mối nguy đóng cửa chính phủ liên tục xuất hiện. Vào tháng 11/2023, Moody's đã trích dẫn "sự phân cực chính trị" khi hạ triển vọng tín nhiệm của Mỹ. Đó là một tin tức rất quan trọng khi Moody's là tổ chức tín dụng lớn duy nhất đồng ý xếp hạng tín nhiệm AAA cho Mỹ.

Đề cập đến “sự phân cực chính trị kéo dài tại Quốc hội Mỹ”, các chuyên gia của Moody's nói: “Điều này làm tăng nguy cơ các chính phủ kế nhiệm sẽ không thể đạt được sự đồng thuận về kế hoạch tài chính nhằm làm chậm sự suy giảm khả năng chi trả nợ”.

"Do đó, bất kể cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024 có kết quả như thế nào, tôi không nghĩ sẽ có sự khác biệt trong cách Mỹ tiếp cận với Trung Quốc – cho dù đó là đầu tư, chuyển giao công nghệ hay thương mại của Mỹ”, chuyên gia David Firestein, Chủ tịch của Quỹ George H. W. Bush, nhận định.

Một vấn đề khó khăn nữa từ nước Mỹ đang gây lo lắng cho các thị trường đó là việc Fed sẽ không sớm đảo chiều chính sách “diều hâu”. Chủ tịch Fed Jerome Powell đã ra tín hiệu rằng ông không vội cắt giảm lãi suất khi tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đang ở mức dưới 4%. Một số lo ngại rằng việc trì hoãn cắt giảm lãi suất của Fed sẽ làm tăng nguy cơ căng thẳng trên thị trường tín dụng.

Quyết định của Fed và khó khăn của Nhật Bản

Việc Fed chưa xác định thời điểm nới lỏng chính sách có thể gây khó khăn cho các ngân hàng trung ương châu Á. Đối với Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ), sự không chắc chắn của Fed sẽ gây trì hoãn động thái thắt chặt chính sách tiền tệ tiếp theo của Thống đốc Kazuo Ueda. Chính điều đó đã khiến đồng yen sụt giảm trong tuần này, xuống ngưỡng 153,24 yen đổi 1 USD, mức thấp nhất ghi nhận vào tháng 6/1990.

Sự trượt giá của đồng yen cũng đang đẩy Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, tức ngân hàng trung ương) Phan Công Thắng vào tình thế khó khăn. Đồng nhân dân tệ đang nằm dưới áp lực giảm giá ngày càng tăng, hạn chế khả năng cắt giảm lãi suất của PBoC nếu nhu cầu của Trung Quốc suy yếu hơn nữa trong những tháng tới.

Tỷ giá hối đoái yếu hơn của Trung Quốc có thể là mối đe dọa ở nhiều cấp độ đối với các nền kinh tế khác. Nó có thể khiến các nhà phát triển bất động sản khổng lồ gặp khó khăn hơn trong việc thanh toán nợ nước ngoài, làm trầm trọng thêm rủi ro vỡ nợ, giống như những gì mà nhà phát triển bất động sản khổng lồ Evergrande của Trung Quốc đã gặp phải.

Khi ba đầu tàu kinh tế Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản đang phải chịu tổn thương, tất cả những gì các nhà đầu tư toàn cầu có thể làm là hy vọng các nhà hoạch định chính sách sẽ đưa ra các quyết định đúng đắn. Tuy nhiên, đây là một vấn đề hóc búa.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục