Vận hành hiệu quả, truyền tải tối đa nguồn điện sạch lên lưới

10:10' - 08/03/2024
BNEWS Đơn vị tiếp tục đẩy mạnh hơn việc rà soát, phối hợp với các nhà máy năng lượng tái tạo đấu nối lưới đạt mức an toàn cao nhất về thiết bị và đường dây.
Với khối lượng lớn nguồn năng lượng tái tạo tập trung ở 9 tỉnh Nam miền Trung và Tây Nguyên, việc quản lý vận hành đường dây, điều độ điện tại đây gặp nhiều khó khăn. Để tìm giải pháp, nỗ lực truyền tải tối đa nguồn điện sạch lên lưới, vận hành lưới điện an toàn, hiệu quả, ngày 8/3, tại tỉnh Bình Định, Công ty Truyền tải điện 3 (PTC3) đã tổ chức Hội thảo Phối hợp điều độ, quản lý vận hành lưới điện truyền tải, với sự tham gia của các doanh nghiệp năng lượng tái tạo trên 9 tỉnh Nam miền Trung và Tây Nguyên, các đơn vị điều độ hệ thống, kỹ thuật điện.

 
Theo báo cáo của PTC3, đơn vị này được giao nhiệm vụ quản lý vận hành lưới điện truyền tải từ 220 kV đến 500 kV trên 9 tỉnh Nam miền Trung và Tây Nguyên, nơi đang tập trung các nguồn điện lớn. Với sự phát triển mạnh về các nguồn năng lượng tái tạo, áp lực truyền tải hết công suất từ các nhà máy trong khu vực lên hệ thống điện đảm bảo cung cấp điện cho phụ tải trong khu vực nói riêng và cả nước nói chung là khó khăn thách thức lớn. 

Tính đến hết năm 2023, tổng công suất điện năng lượng tái tạo đấu nối vào lưới điện truyền tải của PTC3 là 5.861 MW; trong đó, điện gió là 23 nhà máy với tổng công suất 2.308 MW; điện mặt trời là 36 nhà máy với tổng công suất khoảng 3.553 MW.

Như vậy tính cả phần nguồn năng lượng tái tạo phía lưới phân phối, tổng công suất đấu nối vào lưới điện truyền tải Công ty Truyền tải điện 3 và lưới điện phân phối của 9 công ty điện lực khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên lên tới khoảng 10.000 MW, chiếm hơn 50% trong cơ cấu nguồn điện.

Ông Đinh Văn Cường, Phó Giám đốc PTC3 cho hay: “Với cơ cấu nguồn điện năng lượng tái tạo trên lưới rất lớn, làm cho một số đường dây 220 kV, máy biến áp 220 kV khu vực các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Gia Lai luôn vận hành trong chế độ đầy tải. Vì thế, PTC3 gặp phải không ít khó khăn trong quá trình vận hành an toàn lưới điện truyền tải, trong phối hợp giải tỏa hết công suất các nguồn điện của các nhà máy. Ngoài ra, trong quá trình bảo dưỡng, sửa chữa, xử lý sự cố, đơn vị này cũng phải cắt điện thực hiện vào ban đêm, có nguy cơ mất an toàn và mất ổn định của hệ thống truyền tải điện”.

Trước những khó khăn đó, để giảm thiểu nguy cơ thiếu điện trong năm tới đã được cảnh báo, đặc biệt tại các điểm nóng về phụ tải, Giám đốc PTC3 Nguyễn Công Thắng cho biết, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh hơn việc rà soát, phối hợp với các nhà máy năng lượng tái tạo đấu nối lưới đạt mức an toàn cao nhất về thiết bị và đường dây, thông tin vận hành thông suốt, đặc biệt là phối hợp với Trung tâm điều độ hệ thống điện Quốc gia, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện miền Trung và miền Nam, các đơn vị quản lý nhà nước. 

Cùng đó, đơn vị tăng cường quản lý vận hành, kiểm tra xử lý các khiếm khuyết trên lưới điện, hoàn thành sớm kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa; chuẩn bị đầy đủ các phương án, nhân lực, vật tư, thiết bị để xử lý sự cố nếu có.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tỉnh Bình Định - Nguyễn Tự Công Hoàng cho hay, trên địa bàn tỉnh Bình Định có 21 nhà máy điện đang vận hành phát điện với tổng công suất 878,9 MW. Với tiềm năng và lợi thế hiện có, trong thời gian đến tỉnh Bình Định tiếp tục ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng tái tạo.

Ông Nguyễn Tự Công Hoàng cũng đề nghị Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia EVNNPT nói chung và PTC3 nói riêng tiếp tục phối hợp, hỗ trợ các nhà máy điện năng lượng tái tạo trong quá trình quản lý, vận hành; thực hiện đầu tư xây dựng, nâng cấp cải tạo các công trình điện thuộc phạm vi quản lý, theo Quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đặc biệt quan tâm sớm triển khai đầu tư xây dựng Trạm biến áp 500 kV Bình Định, Trạm biến áp 220 kV Nhơn Hội trên địa bàn tỉnh Bình Định nhằm nâng cao độ tin cậy của lưới điện truyền tải, góp phần giải tỏa công suất các dự án nguồn điện trong thời gian đến, đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định.

Tại hội thảo, đại diện các nhà máy điện  mặt trời như Trung Nam Thuận Nam, Phù Mỹ, Nhị Hà… đều đánh giá và ghi nhận sự phối hợp tốt giữa truyền tải điện các tỉnh cùng nhà máy trong thời gian qua.

Ông Phan Thanh Hiển, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phát triển Tầm nhìn Năng lượng sạch (chủ đầu tư Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ 1,2,3 - Bình Định) cho hay, đơn vị truyền tải điện đã thường xuyên trao đổi, phối hợp và hỗ trợ nhà máy trong trong vận hành, tuân thủ quy định về lĩnh vực điện cũng như xử lý các sự cố.

“Chúng tôi mong rằng tiếp tục nhận được sự trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm cũng như hỗ trợ nhau về nhân lực, thiết bị để vận hành nhà máy tốt hơn nữa, giảm thiểu các sự cố…”, ông Hiển đề xuất.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục