VCCI: Điều chỉnh quy định xử lý rủi ro trong cho vay trực tiếp và bảo lãnh vay vốn

19:05' - 20/11/2022
BNEWS VCCI cho rằng, cơ quan soạn thảo cần bổ sung thêm một số biện pháp xử lý rủi ro khoản vay, bao gồm các biện pháp như: hòa giải, khởi kiện ra trọng tài thương mại...

Phản hồi đề nghị của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc góp ý hoàn thiện dự thảo Thông tư hướng dẫn xử lý rủi ro trong hoạt động cho vay trực tiếp và bảo lãnh để vay vốn của Quỹ Đổi mới Công nghệ quốc gia cũng như trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, cơ quan soạn thảo cần bổ sung thêm một số biện pháp xử lý rủi ro khoản vay, bao gồm các biện pháp như: hòa giải, khởi kiện ra trọng tài thương mại, khởi kiện ra tòa án, yêu cầu thi hành án dân sự, yêu cầu mở thủ tục phá sản... Đây đều là các biện pháp phù hợp với quy định của pháp luật.

Quy định về xử lý tài sản bảo đảm trong dự thảo cũng chưa bảo đảm phù hợp với quy định của Bộ Luật Dân sự. Theo đó, nếu hai bên có thỏa thuận về việc xử lý tài sản bảo đảm thì thực hiện theo thỏa thuận; nếu hai bên không có thỏa thuận thì được bán đấu giá.

Như vậy, sau khi bán tài sản bảo đảm mà không đủ thu hồi nợ thì phần chênh lệch được coi là nợ không có bảo đảm và bên cho vay có quyền áp dụng các biện pháp xử lý rủi ro khác. Vì thế, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo điều chỉnh dự thảo cho phù hợp với Bộ Luật Dân sự.

Việc bán nợ cũng không làm thay đổi nghĩa vụ của khách hàng và thực chất là bán công sản. Theo pháp luật về đấu giá, kể cả trường hợp có một người mua trả giá thì cũng được coi là đấu giá thành công. Vì vậy, quy định hình thức bán theo thỏa thuận chỉ có khác biệt duy nhất là cho phép bán tài sản dưới giá khởi điểm. Điều này sẽ dẫn đến nguy cơ tiêu cực và thất thoát tài sản. Do đó, VCCI cũng đề nghị cơ quan soạn thảo quy định theo hướng chỉ được phép bán theo hình thức đấu giá.

 

Về quy định điều kiện xử lý tài sản bảo đảm và bán nợ cũng cần có thêm các điều kiện khác như phải sử dụng vốn đúng mục đích. Về bản chất, biện pháp xử lý tài sản bảo đảm và bán nợ không làm giảm nghĩa vụ của khách hàng nên không cần có các điều kiện khó khăn. Cơ quan soạn thảo cần điều chỉnh theo hướng giảm điều kiện để tăng tính chủ động khi Quỹ thực hiện các biện pháp xử lý. Quy định về xem xét xử lý rủi ro cũng chưa thực sự rõ ràng vì không rõ nguyên nhân nào là khách quan, nguyên nhân nào là chủ quan. Theo pháp luật dân sự, việc được miễn giảm nghĩa vụ thường chỉ là hệ quả của các trường hợp bất khả kháng. Do đó, cơ quan soạn thảo nên sử dụng từ “bất khả kháng” thay cho “nguyên nhân khách quan”.

Về vấn đề thủ tục hành chính, dự thảo chưa làm rõ nhiều yếu tố của các thủ tục này như cách thức tiếp nhận hồ sơ, mẫu giấy tờ và đặc biệt là các thời hạn làm thủ tục như: sau bao lâu thì có biên bản xác định mức độ thiệt hại, bao lâu thì có quyết định xử lý rủi ro... Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung đầy đủ các yếu tố này để bảo đảm tính khả thi và minh bạch khi thực hiện./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục