Vẻ đẹp rực rỡ của mùa bướm Cúc Phương

08:06' - 26/05/2025
BNEWS Khi rừng Cúc Phương chuyển mình sang mùa xuân - hạ, du khách lại có cơ hội chiêm ngưỡng một trong những khoảnh khắc thiên nhiên kỳ diệu nhất – mùa bướm.

Từ trung tuần tháng 4, Vườn quốc gia Cúc Phương lại khoác lên mình một tấm áo mới đầy sắc màu – mùa bướm. Đây là thời điểm hàng triệu con bướm rừng đủ loại đua nhau xuất hiện, tạo nên một bức tranh thiên nhiên sống động hiếm có. Ngay từ cổng vào rừng, du khách đã có thể bắt gặp những cánh bướm bay lượn nhẹ nhàng trong nắng. Tuy nhiên, phải đến khu vực từ trạm kiểm lâm thứ hai trở đi, khung cảnh mới thực sự trở nên rực rỡ, khi từng đàn bướm vàng, trắng, cam, đỏ, xanh và cả bướm vân chen nhau khoe sắc, tạo thành những đám mây bướm sặc sỡ giữa rừng xanh.

Điểm đến nổi bật nhất trong hành trình săn bướm là khu vực Hồ Mạc – động Người Xưa, nơi được ví như “thiên đường bướm” của Cúc Phương. Càng đi sâu vào rừng, mật độ bướm càng dày đặc. Từng đàn bướm vờn quanh, đậu thành thảm bên đường, trên thân cây, bên bờ suối, mang lại cảm giác như đang lạc bước vào một xứ sở cổ tích. 

 

Không chỉ là điểm hẹn cho những người yêu thiên nhiên và đam mê nhiếp ảnh, mùa bướm ở Cúc Phương còn là dịp để mỗi du khách sống chậm lại, lắng nghe nhịp đập của rừng già, cảm nhận vẻ đẹp thuần khiết và kỳ diệu của thiên nhiên. 

Bước chân vào Cúc Phương, bạn như lạc vào một thế giới khác, nơi mà thiên nhiên không chỉ là một bức tranh mà còn là một bản giao hưởng của âm thanh. Tiếng chim hót líu lo, tiếng suối róc rách, và tiếng lá cây xào xạc trong gió hòa quyện vào nhau, tạo nên một không gian thanh bình, yên tĩnh. 

“Không thể diễn tả nổi cảm xúc khi được chứng kiến vẻ đẹp lộng lẫy của hàng triệu cánh bướm uốn lượn giữa rừng già. Lọt vào giữa đàn bướm đang bay lượn, mọi người như thêm gắn bó với nhau hơn, biết quan tâm chia sẻ và tôn trọng thiên nhiên hơn. Với hành trình về rừng, chiêm ngưỡng vẻ đẹp nguyên thủy và gần gũi của núi rừng nơi đây mọi người sẽ có thêm tình yêu với thiên nhiên, ứng xử và tương tác thuận lẽ với thiên nhiên hơn”, chị Đỗ Hương, một du khách ở Hà Nội cho biết. 

Thời điểm này, cứ vào khung giờ từ 9h sáng đến 15h chiều của những ngày nắng đẹp, nhiều luồng bướm sặc sỡ đã tụ hội khắp rừng Cúc Phương. Từ đầu mùa đến nay, Vườn Quốc gia Cúc Phương đã thu hút được hàng ngàn lượt khách đến tham quan, đặc biệt là để ngắm nhìn và lưu lại khoảnh khắc kì thú này. 

Ông Phạm Kiên Cường, Giám đốc Trung tâm giáo dục môi trường và dịch vụ Vườn quốc gia Cúc Phương chia sẻ, Cúc Phương là ngôi nhà chung của 378 loài bướm, chiếm tới 38% tổng số loài bướm tại Việt Nam. Trong đó, nổi bật có loài bướm phượng cánh chim chấm rời (Troides aeacus aeacus C.& R. Felder) – một loài quý hiếm được ghi nhận trong Phụ lục I của Công ước CITES Việt Nam. Các loài bướm phổ biến nhất tại đây thuộc các họ: bướm phấn, bướm phượng và bướm giáp, góp phần tạo nên một bức tranh sống động đầy sắc màu giữa đại ngàn.

Thời điểm đẹp nhất để chiêm ngưỡng bướm là từ tháng 4 đến tháng 6, khi cây rừng bắt đầu đâm chồi, nảy lộc, ra hoa kết trái – tạo điều kiện lý tưởng cho bướm sinh sản và phát triển mạnh mẽ. Mùa bướm năm nay đến hơi muộn do ảnh hưởng nhuận hai tháng Sáu (âm lịch), tuy nhiên lại có ưu điểm là kéo dài hơn so với mọi năm, dự kiến đến hết tháng 7 mới kết thúc. 

Không chỉ đơn thuần là một hiện tượng thiên nhiên hấp dẫn, mùa bướm còn là một phần trong chiến lược phát triển du lịch sinh thái bền vững của Vườn quốc gia Cúc Phương. Giám đốc Vườn quốc gia Cúc Phương Nguyễn Văn Chính cho biết, để bảo tồn và phát triển các loài bướm cũng như toàn bộ hệ sinh thái đa dạng, Vườn Quốc gia Cúc Phương đã và đang thực hiện nhiều hoạt động như: tăng cường quản lý bảo vệ rừng, tuần tra bằng công nghệ Smart mobile, điều tra giám sát đa dạng sinh học, nâng cao hiệu quả giáo dục môi trường, hợp tác nghiên cứu khoa học với các tổ chức trong và ngoài nước, và đặc biệt chú trọng vệ sinh môi trường, giữ gìn cảnh quan xanh – sạch – đẹp.

Mùa bướm tại Cúc Phương không chỉ là dịp để du khách đắm mình trong vẻ đẹp của tự nhiên, mà còn là lời nhắc nhở đầy ý nghĩa về tầm quan trọng của việc gìn giữ và bảo vệ đa dạng sinh học – nguồn tài nguyên quý giá của đất nước. 

Đến với Vườn quốc gia Cúc Phương, du khách còn được chiêm ngưỡng một hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi độc đáo và giàu tính đa dạng sinh học vào bậc nhất Việt Nam. Sở hữu hệ động thực vật vô cùng phong phú, Vườn quốc gia Cúc Phương đã tập trung triển khai hàng loạt công trình bảo tồn các loài động thực vật nguy cấp, quý hiếm. Bởi vậy, du khách có thể tham quan các chương trình bảo tồn loài đã được triển khai mang tầm cỡ khu vực và thế giới như: Chương trình bảo tồn linh trưởng nguy cấp; thú ăn thịt và tê tê; tùa cạn và rùa nước ngọt; hươu sao, nai, công gà lôi trắng… với tổng số trên 3.400 cá thể của 78 loài.

Bên cạnh hoạt động tham quan, tìm hiểu tại các chương trình, trung tâm cứu hộ, bảo tồn động vật hoang dã, Bảo tàng và Vườn thực vật, du khách còn được tham gia Tour Về Nhà – hoạt động tái thả động vật sau cứu hộ về tự nhiên, Tham gia hoạt động Trồng cây "Thêm xanh cho cánh rừng già", "Hành Trình Hồi Sinh" - tham gia quy trình cứu hộ, chăm sóc động vật hoang dã....

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục