Vì sao lĩnh vực hạt nhân dân sự của Nga không bị phương Tây trừng phạt?

05:30' - 22/04/2022
BNEWS Cuộc xung đột Nga-Ukraine khiến Nga phải chịu nhiều biện pháp trừng phạt của phương Tây, nhưng có một lĩnh vực mà không hề được nhắc đến trong các lệnh trừng phạt, đó là lĩnh vực hạt nhân dân dụng.

Cuộc xung đột giữa Nga-Ukraine khiến Nga phải chịu nhiều biện pháp trừng phạt của phương Tây, nhưng có một lĩnh vực mà không hề được nhắc đến trong các lệnh trừng phạt, đó là lĩnh vực hạt nhân dân dụng. Nhật báo Le Figaro số ra gần đây đã có bài phân tích lý do của sự miễn trừ này.

Vào đầu tháng 12/2021, Giám đốc điều hành của tập đoàn hạt nhân khổng lồ Rosatom của Nga, Alexey Likhachev, là một trong những vị khách quý tại Triển lãm Hạt nhân Thế giới (WNE) được tổ chức tại thủ đô Paris. Nhân dịp này, ông đã ký một số thỏa thuận hợp tác với các đối tác Pháp. 

Ngày 1/12, Rosatom khởi động “Chương trình hợp tác dài hạn” về nghiên cứu và phát triển (R&D) với Ủy ban Năng lượng Nguyên tử và Năng lượng Thay thế của Pháp (CEA) và tập đoàn điện lực Pháp (EDF). Ngày 2/12, ông ký một “thỏa thuận khung về hợp tác chiến lược mới” với Framatome. Ngày hôm sau, ông trình bày với các công ty Pháp Robatel Industries và D&S Groupe về việc hợp tác tháo dỡ các nhà máy điện hạt nhân cũ. Ngành công nghiệp của Pháp là ngành duy nhất đã ký nhiều thỏa thuận với gã khổng lồ Nga trong WNE.

Giờ đây, khi xung đột bùng nổ ở Ukraine, các thỏa thuận này vẫn không bị lên án hay bị bỏ rơi. Tình huống xấu nhất cũng chỉ là tạm đóng băng trong thời gian nhất định. Hơn nữa, điện hạt nhân không nằm trong các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Theo thông tin mới nhất, việc Rosatom tham gia vào dự án hàng đầu của Pháp về tuabin hơi nước Arabelle (được sử dụng trong các nhà máy điện hạt nhân của Pháp, và cũng có trong thiết kế của Nga), sẽ không thể khiến dự án bị chôn vùi. Chỉ là hồ sơ được tạm cất vào ngăn kéo cho đến khi tình hình địa chính trị lắng dịu.

Pháp cần có đơn đặt hàng từ Nga

Hầu hết các lò phản ứng đang được Rosatom xây dựng bên ngoài nước Nga đều được trang bị tuabin Arabelle của Pháp, với tất cả các thiết bị và công việc bảo trì đi kèm. La Sfen, cơ quan nghiên cứu về hạt nhân của Pháp, ước tính rằng “đối với mỗi lò phản ứng hạt nhân mới do Rosatom xây dựng ở châu Âu hoặc các nơi khác, thì giá trị thiết bị có sử dụng công nghệ của Pháp cũng phải lên tới 1 tỷ euro (1,1 tỷ USD)”.

Nhu cầu này đủ để bảo đảm số lượng đơn đặt hàng cho ngành này của Pháp vận hành. Thậm chí đơn đặt hàng từ Nga nhiều đến mức nhà sản xuất Arabelle có trụ sở tại Belfort, GEAST, tạo ra gần một nửa doanh thu nhờ Rosatom của Nga. Hai đối tác này thậm chí đã thành lập một liên doanh vào cuối những năm 2000, đặt trụ sở tại Moskva.

Teva Meyer, giảng viên địa chính trị tại Đại học Haute-Alsace và chuyên gia hạt nhân, cho biết: “Sự hợp tác tốt đẹp này bắt nguồn từ thành công của Nga trong xuất khẩu loại lò phản ứng VVER”. Thành công của “gã khổng lồ” Nga trên trường quốc tế là kết quả của một chiến lược được cân nhắc kỹ lưỡng. Năm 2007, Tổng thống Vladimir Putin muốn khởi động lại ngành công nghiệp đang thất bại của nước này.

Nga tập hợp tất cả các nhà công nghiệp hạt nhân trong một thực thể duy nhất là Rosatom, bao gồm cả thiết kế lò phản ứng và tái xử lý chất thải. Ngày nay tập đoàn này tương đương với Bộ Năng lượng nguyên tử Nga. Tổng thống Nga đã đặt mục tiêu sản xuất 80% điện năng của Nga bằng năng lượng hạt nhân vào cuối thế kỷ này (so với 17% hiện nay).

Các nhà lãnh đạo Nga khi đó nhận thức được rằng chỉ riêng thị trường nội địa sẽ không đủ để duy trì hoạt động của một nhóm ngành quốc gia tích hợp này. Do đó, một mục tiêu thứ hai đã được bổ sung thêm cho Rosatom, đó là đạt 50% kim ngạch xuất khẩu vào năm 2050.

Để đạt được điều này, Rosatom đã chào hàng và cung cấp sản phẩm cho các quốc gia quan tâm mô hình nhà máy điện hạt nhân chìa khóa trao tay, cũng như các giải pháp hỗ trợ tài chính thông qua ngân hàng Sberbank.

Kết quả là Rosatom trở thành nhà xuất khẩu nhà máy điện hạt nhân hàng đầu thế giới và chiếm 30% thị phần, Viện Quan hệ quốc tế và Chiến lược Pháp (Iris) đã đề cập đến điều này trong một báo cáo gần đây với đồng tác giả Teva Meyer.

Tuabin cũng không phải là điểm mạnh duy nhất mà ngành công nghiệp Pháp được hưởng lợi bởi sự năng động trong thương mại của người Nga. Anastasiya Shapochkina, chủ tịch của cơ quan tư vấn Eastern Circles cũng lưu ý rằng, Framatome cũng đã trở thành đối tác quan trọng của Rosatom nhờ hệ thống "kiểm soát - điều khiển", một thành phần quan trọng của lò phản ứng, được trang bị cho một số lượng lớn các lò phản ứng VVER xuất khẩu.

Sở dĩ Pháp và Nga có mối quan hệ hợp tác tốt đẹp trong lĩnh vực này như hiện nay, đó là bởi vì hai nước đã gặp nhau khi mọi thứ đang rất tồi tệ. Vào những năm 1990, sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết đã đẩy đất nước này vào tình trạng hỗn loạn.

Khi đó EDF đã nhận đào tạo miễn phí các kỹ sư Nga về các vấn đề an toàn, ngay sau khi xảy ra thảm họa Chernobyl. Chính nhờ điều này mà Pháp đã có được sự tin tưởng và chỗ đứng trong lĩnh vực vốn rất khép kín này của Nga. Và cũng nhờ đó, Pháp đã thành công trong việc bán cho Nga các giải pháp "kiểm soát-điều khiển".

Ông Teva Meyer giải thích, trước năm 2007, người Nga có nhu cầu tìm hiểu và cập nhật các kỹ năng của nước ngoài. Người Pháp khi đó đã khẳng định được thế mạnh của mình. Ngoài Pháp ra còn có cả Đức và Mỹ cũng có thế mạnh. Chính điều này đã dẫn đến sự hòa nhập dần giữa các ngành công nghiệp hạt nhân của Nga, Pháp và Mỹ.

Mối quan hệ thân thiết nhưng độc lập

Quan hệ Pháp-Nga đã có bề dày lịch sử. Vị trí đặc biệt của Pháp trong Chiến tranh Lạnh đã giúp nước này phát triển quan hệ đối tác hạt nhân dân sự với Nga, bắt đầu từ năm 1968. Các hợp đồng đầu tiên, giữa EDF và MinAtom, liên quan đến việc làm giàu uranium. Các mối quan hệ được tăng cường trong suốt những năm 1970’s, luôn nằm trong lĩnh vực làm giàu urani, và song hành với sự phát triển của kế hoạch xây dựng các nhà máy điện của Pháp.

Chính vì điều này mà giờ đây, các kỹ sư và các nhà nghiên cứu Pháp không muốn phá vỡ mối quan hệ lâu đời này với nước láng giềng lớn của họ ở phía Đông. Nga là một trong những quốc gia hàng đầu của các lò phản ứng muối nóng chảy thế hệ thứ 4, đặc biệt có khả năng tái chế nhiên liệu đã qua sử dụng. Đó là một chủ đề trọng tâm của thỏa thuận vào tháng 12/2021 tại WNE giữa CEA, EDF và Rosatom, theo đó, Pháp sẽ chuyển các lô hàng nhiên liệu đã qua sử dụng để được tái chế trong các lò phản ứng đó của Nga.

Dù có mối quan hệ chặt chẽ với Nga, nhưng Pháp cũng không ở trong tình trạng phụ thuộc. Không phải Pháp yêu cầu loại trừ điện hạt nhân ra khỏi phạm vi trừng phạt. Chính các nước Đông Âu trước đây như Slovakia hay Hungary vẫn vận hành các lò phản ứng của Nga và cần nhiên liệu do Rosatom sản xuất đã đề nghị điều này.

Các máy bay duy nhất của Nga được phép hạ cánh ở châu Âu cũng là máy bay chuyên chở nhiên liệu cho các nhà máy điện ở các nước Đông Âu. Bản thân Mỹ cũng phụ vào Nga ở một số điểm nhất định trong chuỗi giá trị, nên cũng đã cẩn thận loại hạt nhân dân sự ra khỏi phạm vi trừng phạt.

Không có tác động của xung đột đối với chương trình Iter

Nga là một trong những thành viên của chương trình Iter, cùng với Liên minh châu Âu, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Các quốc gia này đang làm việc cùng nhau để chế tạo cỗ máy đầu tiên chứng minh tính hiệu quả và an toàn của phản ứng tổng hợp hạt nhân. Quá trình này, có thể tạo ra năng lượng ở quy mô lớn, hoàn toàn khác với quá trình phân hạch hạt nhân hiện đang được sử dụng để sản xuất điện.

Nhưng sự phát triển của chương trình này là một nhiệm vụ lâu dài. Năm 2005, địa điểm ở Cadarache, thuộc Bouches-du-Rhône của Pháp đã được chọn để tổ chức thử nghiệm. Mục tiêu là đưa cỗ máy thí nghiệm khổng lồ (cao hơn 50 m, nặng gấp ba lần tháp Eiffel) vào hoạt động toàn công suất trong năm 2035.

Dự án có giá trị khoảng 20 tỷ euro và các quốc gia đóng góp vào dự án chủ yếu bằng các bộ phận và thiết bị. Hiện tại, Nga cung cấp "thanh cái" (thanh dẫn điện), được giao bằng đường bộ. Quốc gia này cũng sẽ phải giao hàng bằng đường biển, vào cuối năm nay, một bộ phận rất quan trọng, “cuộn dây hình khuyên”, hiện đang được sản xuất tại Saint Petersburg.

Người phát ngôn của Iter nhấn mạnh: “Chương trình Iter được thiết kế chính xác để vượt qua những căng thẳng quốc tế. Hiện tại, không có dấu hiệu nào cho thấy cuộc xung đột ở Ukraine sẽ khiến dự án bị trì hoãn. Chúng tôi không nhận được bất kỳ dấu hiệu cản trở nào từ Nga hoặc các thành viên khác”. Người này cũng cho biết: “Ba năm nữa chúng tôi mới phải lắp cuộn dây hình khuyên trên đỉnh của máy. Tại công trường, chúng tôi vẫn đủ dự trữ thanh cái để tiếp tục lắp đặt trong vài tháng nữa. Cho đến nay, mọi thứ vẫn đang tiến triển tốt”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục