Vì sao phát triển năng lượng tái tạo còn hạn chế?

08:56' - 01/04/2019
BNEWS Số các dự án năng lượng tái tạo đăng ký đầu tư như: điện mặt trời, điện gió… lên đến con số hàng trăm, nhưng con số triển khai trên thực tế vẫn còn quá ít.

Với đường bờ biển dài cộng thêm số giờ ánh sáng lên tới 2.700 giờ/năm, Việt Nam có nhiều tiềm năng trong phát triển năng lượng tái tạo.

Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách thúc đẩy các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch tiến tới giảm thiểu tỷ lệ nhiệt điện than nhưng vẫn chưa đạt được như kỳ vọng.

Số các dự án năng lượng tái tạo đăng ký đầu tư như: điện mặt trời, điện gió… lên đến con số hàng trăm, nhưng con số triển khai trên thực tế vẫn còn quá ít. Nhằm giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn và giải mã những rào cản trong phát triển năng lượng sạch, phóng viên BNEWS/TTXVN đã phỏng vấn bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh.

Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh. Ảnh: Trần Trung/BNEWS/TTXVN

Phóng viên: Bà nhìn nhận thế nào về nhu cầu phải chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo?

Bà Ngụy Thị Khanh: Theo quan điểm của cá nhân tôi và các kết quả nghiên cứu, nhu cầu chuyển sang năng lượng sạch, năng lượng tái tạo là rất cấp bách.

Có một số lý do như sau, thứ nhất là nhu cầu năng lượng tăng cao trong khi nguồn nhiên liệu hoá thạch than và thuỷ điện đã hết. Bên cạnh đó, việc khai thác các nguồn năng lượng này có nguy cơ tác động tới môi trường và xã hội.

Điểm thứ hai là Việt Nam có cơ hội chuyển đổi trong điều kiện phát triển công nghệ, vừa giải quyết được nhu cầu năng lượng đồng thời giảm thiểu tác động tới môi trường với mục tiêu phát triển bền vững.

Phóng viên: Thưa bà, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi cũng như tiềm năng cho phát triển năng lượng tái tạo khi vừa có bờ biển dài, nhiều ánh nắng mặt trời. Vậy tại sao khả năng khai thác những tiềm năng này còn hạn chế?

Bà Ngụy Thị Khanh: Để tiềm năng có thể biến thành một sản phẩm thường liên quan đến một số các yếu tố như thể chế chính sách, năng lực tài chính, nguồn lực con người và thị trường.

Trong 4 yếu tố này, về chính sách, Việt Nam đã có những chủ trương tốt nhưng mắc ở khâu thực thi. Về tài chính, nhiều nhà đầu tư đã quan tâm nhưng những rào cản trong quy trình thủ tục khiến giá đầu tư bị nâng lên.

Con người, công nghệ chưa phải là vấn đề lớn nhưng khi chúng ta phát triển ở quy mô cần thiết thì cần nghiên cứu để cải thiện hơn.

Dự án nhà máy điện gió Mũi Dinh (huyện Thuận Nam). Ảnh: Công Thử - TTXVN

Phóng viên: Việt Nam có thể học hỏi gì từ những mô hình phát triển năng lượng tái tạo trên thế giới hiện nay, thưa bà?

Bà Ngụy Thị Khanh: Cách đây 3 đến 4 năm, người ta nhìn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo như một áp lực vì giá thành quá cao nhưng hiện nay nó là cơ hội. Thưc tế lợi ích nhiều hơn là thách thức vì giá thành đã được giải quyết với công nghệ đột phá, vấn đề tích trữ đã được thế giới quan tâm và cũng đã có bước đi chiến lược.

Nhìn vào hệ thống điện Việt Nam, chúng ta đang có nhiều thuận lợi. Việt Nam có nền tảng từ nguồn năng lượng truyền thống chạy ổn định nên cơ hội phát triển năng lượng tái tạo là thuận lợi.

Bài học từ các nước là cần có sự đồng bộ chính sách, không chỉ trong quy hoạch mà trong cả quá trình thực hiện ở các cấp khác nhau. Đơn cử như quy hoạch năng lượng và đất đai phải song hành. Thêm vào đó, các rào cản liên quan đến quy trình đầu tư cũng phải được gỡ bỏ.

Tiếp theo là khi nói phát triển năng lượng tái tạo phải luôn luôn xác định nó là sự kết hợp cả phân tán và tập trung. Hiện nay, mô hình của Việt Nam đang là phát triển tập trung.

Điểm thứ 3 ở đây là công nghệ, vì vậy cần quan tâm đầu tư vào công nghệ để rút khoảng cách về phát triển và giảm giá thành. Theo kết quả nghiên cứu, trong giá thành năng lượng tái tạo có tới 30% nằm trong khâu quy trình thủ tục, ở đây đòi hỏi vai trò của các nhà hoạch định và cơ quan quản lý.

Phóng viên: Có một số ý kiến lo ngại năng lượng tái tạo không ổn định, thường làm gián đoạn quá trình cung cấp điện và không thể cung cấp điện liên tục 24/24h. Bà có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

Bà Ngụy Thị Khanh: Đây vấn đề cần mổ xẻ để làm rõ hơn câu chuyện gỡ bỏ những rào cản cũng như thách thức trong quá trình phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam.

Năng lượng tái tạo có hai loại, một loại bị biến đổi vì phụ thuộc thời tiết như năng lượng mặt trời, năng lượng gió. Còn năng lượng tái tạo không bị phụ thuộc vào thời tiết đó là rác thải, khí sinh học và địa nhiệt. Trên thực tế còn một loại nữa là sóng biển nhưng chúng ta chưa nghiên cứu, ứng dụng.

Năng lượng mặt trời và năng lượng gió cũng giống như thuỷ điện có phụ thuộc vào mùa mưa, nguồn nước nên bị gián đoạn là đúng nhưng cũng có điểm thú vị là ban ngày có nắng, ban đêm có gió lại bù vào. Vấn đề là hệ thống điện phải được thiết kế làm sao tích hợp các nguồn điện này. Kỹ thuật không phải là vấn đề, mà chúng ta cần ứng dụng và quản lý như thế nào để giảm giá thành.

Bên cạnh đó, năng lượng tái tạo từ rác thải, khí sinh học, sinh khối… cũng là nguồn giúp đảm bảo cùng vận hành cân bằng với các nguồn năng lượng truyền thống.

Phóng viên: Việc đưa nguồn năng lượng tái tạo vào cuộc sống còn hạn chế nên doanh nghiệp có lo ngại đầu tư sẽ không mang lại nhiều hiệu quả. Ý kiến của bà về vấn đề này như thế nào?

Bà Ngụy Thị Khanh: Nhà đầu tư quan tâm đến dòng tiền khi bỏ ra phải có lợi khi thu về. Điều này phụ thuộc nhiều vào chính sách và sự ổn định của chính sách.

Từ khi chính phủ đã ban hành Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam, các nhà đầu tư đã nhìn thấy cơ hội. Các dự án đăng ký, tổng công suất điện mặt trời trong chưa đầy 2 năm lên đến hơn 20.000 MW.

Con số này vượt quá dự kiến quy hoạch đến năm 2030 cho thấy vai trò của chính sách rất quan trọng. Còn tại sao đăng ký thực hiện, vận hành chưa được nhiều, một phần là do chính sách mới vừa được ban hành, trong quá trình thực hiện còn vướng mắc ở nhiều quy trình thủ tục.

Nhà đầu tư chỉ quan tâm khi thấy sự ổn định trong chính sách, thấy được khoản đầu tư của họ được đảm bảo về mặt lợi ích lâu dài./.

Phóng viên: Xin cảm ơn!

Xem thêm:

>>Các tỉnh, thành đồng loạt hưởng ứng Giờ Trái đất 2019

>>Giải pháp thu hút đầu tư cải thiện hiệu suất năng lượng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục