Vì sao Trung Quốc gia tăng thu mua trái phiếu Chính phủ Nhật Bản?

06:00' - 14/10/2020
BNEWS Là nước nắm giữ nguồn dự trữ ngoại tệ bằng USD dồi dào, việc Trung Quốc chuyển hướng đầu tư sang trái phiếu Chính phủ Nhật Bản (JGB) là một xu hướng đáng quan tâm.

Kể từ đầu năm 2020, Trung Quốc đã gia tăng thu mua trái phiếu Chính phủ Nhật Bản (JGB). Trong bối cảnh tỷ suất lợi nhuận từ trái phiếu Chính phủ Mỹ giảm mạnh do chính sách nới lỏng tiền tệ kéo dài, Trung Quốc đã chuyển hướng sang đầu tư vào JGB để gia tăng lợi nhuận. 

Theo thống kê của Bộ Tài chính và Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ), Trung Quốc ngày càng mua nhiều các loại JGB dài và trung hạn. Số liệu mới nhất cho thấy lượng tiền Trung Quốc bỏ ra để mua JGB là 723,9 tỷ yen trong tháng 7/2020, mức cao nhất kể từ tháng 1/2017. 

Trong khi đó, tính lũy kế từ tháng 4-7/2020, lượng JGB có thời gian dài trên 1 năm đã được Trung Quốc thu mua lên tới 1.460 tỷ yen (khoảng 13,8 tỷ USD), tăng gấp 3,6 lần so với cùng kỳ năm 2019. Con số này chỉ nhỏ hơn so với lượng tiền mà Mỹ đổ ra để mua JBG là 2.770 tỷ yen (26,1 tỷ USD), song tỷ lệ gia tăng của Mỹ chỉ là 30%. 

Trong khi đó, châu Âu đã bán ra 3.000 tỷ yen JGB. Những con số này cho thấy sự hiện diện ngày càng lớn hơn của Trung Quốc trong danh sách các nhà đầu tư vào thị trường trái phiếu Chính phủ Nhật Bản. 

Chuyên gia Koichi Sugasaki tại Công ty chứng khoán Morgan Stanley MUFG nhận định có thể Trung Quốc đang sử dụng một phần nguồn dự trữ ngoại tệ bằng USD để chuyển sang mua trái phiếu Chính phủ Nhật Bản. 

Ngoài nguồn thu từ xuất khẩu, Bắc Kinh thường dự trữ ngoại tệ bằng cách bán ra đồng nhân dân tệ và mua vào đồng USD, một cách thức đồng thời để giữ đồng nhân dân tệ yếu so với đồng đô la Mỹ. Nguồn dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc tính tới cuối tháng 8/2020 là 3.160 tỷ USD, trong đó chủ yếu là đồng bạc xanh. 

Trên danh nghĩa, tỷ lệ lợi nhuận của nguồn trái phiếu Chính phủ Nhật Bản 10 năm chỉ là 0%, nhưng theo Quỹ Morgan Stanley, khi quy đổi từ đồng USD sang đồng yen sẽ được lợi nhuận ở mức 1,2%, cao hơn so với lợi nhuận của trái phiếu Chính phủ Mỹ 10 năm với chỉ 0,7%.

Theo đánh giá của chuyên gia Naka Matsuzawa tại Công ty chứng khoán Nomura, có khả năng Trung Quốc gia tăng mua tài sản bằng đồng yen nhằm giảm áp lực đối với việc đồng nhân dân tệ tăng giá. Tỷ giá đồng nhân dân tệ được xác định dựa trên rổ tiền tệ quốc tế gồm đồng đô la Mỹ, đồng euro và đồng yen. 

Hiện nay, do kinh tế Trung Quốc hồi phục khá nhanh sau khi kiểm soát được dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 nên đồng nhân dân tệ đứng trước áp lực tăng giá. Việc bán ra đồng nhân dân tệ và mua vào JGB sẽ có tác dụng làm giảm áp lực này. 

Tính đến cuối năm 2019, lượng JGB trung và dài hạn mà Trung Quốc nắm giữ vào khoảng 9.400 tỷ yen, chiếm 8% trong số các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ JGB. Tuy nhiên, với xu hướng hiện nay, tỷ lệ này được dự báo sẽ gia tăng nhanh chóng trong thời gian tới đây. 

Trên thị trường trái phiếu Nhật Bản, BoJ đang thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ bằng cách mua vào nhiều JGB để duy trì lãi suất dài hạn quanh mức 0% để kích thích sự chi tiêu trong nền kinh tế. 

Tuy nhiên, trong thời gian tới, với những tác động từ quan hệ căng thẳng Mỹ-Trung cộng với những biến động của kinh tế thế giới thì việc các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ nhiều JGB hơn sẽ khiến biên độ lãi suất nảy sinh những rủi ro lớn và BoJ sẽ khó khăn hơn trong việc duy trì lãi suất thấp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục