Việc khắc phục hư hỏng sân bay Nội Bài gặp khó khăn về nguồn kinh phí

21:33' - 04/09/2019
BNEWS Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông, việc khắc phục hư hỏng sân bay Quốc tế Nội Bài đang gặp khó khăn về nguồn kinh phí.
Hình ảnh hư hỏng nứt vỡ tấm BTXM trên đường CHC 11R/29L Sân bay Quốc tế Nội Bài. Ảnh: NIA

Thông tin về những giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong đầu tư, sửa chữa lún nứt sâu tại sân bay Quốc tế Nội Bài, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tổ chức chiều 5/9, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, đối với việc chưa cổ phần hóa Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) từ tháng 4/2016 trở về trước, công tác quản lý, khai thác, đầu tư, nâng cấp, cải tạo đều do ACV thực hiện trên cơ sở cơ chế hạch toán đã xác định đối với ACV.
Tuy nhiên, sau khi cổ phần hóa do liên quan đến vấn đề an ninh các sân bay nên các khu bay thuộc trụ sở Nhà nước, các đường bay, đường lăn trực thuộc Nhà nước. Như vậy, Nhà nước phải có trách nhiệm bố trí kinh phí để cải tạo, nâng cấp.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, thời gian lập kế hoạch trung hạn 2016 - 2020 là lúc giao thời và nguồn kinh phí rất khó khăn khiến việc cải tạo này không nằm trong kế hoạch.
Đầu năm 2018, Chính phủ ban hành Nghị định 44/2018/NĐ-CP về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không và giao  Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án giao kết cấu hạ tầng hàng không.

Tháng 7/2019, Bộ Giao thông Vận tải đã trình Thủ tướng và vẫn kiến nghị giao ACV tài sản khu bay trong giai đoạn 2020 - 2025. Sau đó, các đơn vị sẽ tiếp tục nghiên cứu để có cơ chế lâu dài theo hình thức nhượng quyền đối với khu bay này.
Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị là dùng các nguồn vốn khác nhau do ACV huy động. Tuy nhiên, trước mắt Đề án giao quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do Nhà nước đầu tư, quản lý chưa được phê duyệt, trong khi đó việc xuống cấp, hư hỏng cục bộ đã xảy ra nên hiện tại ACV đang sửa chữa, khắc phục hư hỏng để bảo đảm an toàn bay.
Trước đó, theo phản ánh từ các cơ quan báo chí, khu bay Nội Bài đang xuống cấp với mật độ và phạm vi hư hỏng ngày càng nghiêm trọng hơn. Bề mặt đường cất hạ cánh 1A xuất hiện hiện vệt bánh tàu bay...
Bề mặt đường cất hạ cánh 1A xuất hiện hiện tượng hằn lún vệt bánh sau máy bay từ đầu 11L đến đường lăn S3 (nhiều nhất trong phạm vi 600 m từ đầu thềm 11L). Mỗi vệt lún rộng 1m, đoạn đường băng gần đó xuất hiện tình trạng nứt dọc tim, với khe nứt 1mm, dài từ 30 - 50cm ngắt quãng.
Đường cất hạ cánh 1B xuất hiện nhiều điểm nứt vỡ, đặc biệt là tình trạng phụt bùn khi chịu áp lực của máy bay đi qua. Một số tấm bê tông xi măng có hiện tượng bị lún; một số khác vị trí độ lệch giữa 2 tấm bê tông xi măng lên tới 3cm (tại giao điểm với đường lăn S7 và sân quay đầu phía Tây).
Các loại máy bay thương mại, nhất là máy bay có trọng tải lớn gia tăng đã dẫn đến hạ tầng khu bay ngày càng xuống cấp với mức độ, mật độ và phạm vi hư hỏng ngày càng tăng.

Tình trạng trên cũng xuất hiện tại các đường lăn (đường dẫn từ bãi đỗ ra đường băng) có kết cấu bê tông nhựa.

Khu vực sửa chữa bê tông nhựa tại đường lăn S3 được đưa vào khai thác từ tháng 8/2018 đến nay đã bị hư hỏng trở lại do nền yếu.
Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài có công suất thiết kế 25 triệu lượt khách/năm, nhưng con số thực tế là 26,1 triệu lượt.

Cảng này cũng có kế hoạch gia tăng công suất thiết kế lên 40 triệu lượt, nhưng thời gian dự kiến hoàn thành phải đến giai đoạn 2020 - 2023.
Trả lời câu hỏi liên quan đến việc Bộ Giao thông Vận tải mới đây đề xuất mua lại ACV để đưa doanh nghiệp này trở lại thành doanh nghiệp Nhà nước và việc mua lại này dựa trên cơ sở gì và dự kiến số tiền mua lại khoảng 8.000 tỷ đồng lấy từ nguồn nào?, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, từ tháng 4/2016, ACV hoạt động theo hình thức Công ty cổ phần, phần vốn của Nhà nước vẫn chiếm trên 95%.
Việc đề xuất này là một trong những nội dung của Bộ Giao thông Vận tải trình Thủ tướng Chính phủ về Đề án quản lý, sử dụng và khai thác tài sản sở hữu công do Nhà nước đầu tư, quản lý; trong đó có đưa ra những phân tích, phương án khác nhau và kiến nghị từ nay đến năm 2025 tiếp tục giao cho ACV quản lý, khai thác.
Trong giai đoạn đó sẽ có đánh giá và chuyển cho cơ quan quản lý Nhà nước như Bộ Giao thông Vận tải cũng như có cơ chế quản lý, khai thác hiệu quả giai đoạn sau năm 2025.

Trong phương án đó cũng đề ra một kiến nghị, giải pháp thực hiện Đề án này trong tương lai như xem xét lộ trình mua lại một phần vốn của các cổ đông ACV để đảm bảo điều kiện về an ninh quốc phòng.
"Nếu được phê duyệt Đề án thì mới có chủ trương để phê duyệt Đề án mua, gom hoặc lấy kinh phí ở đâu thực hiện", Thứ trưởng Đông nhấn mạnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục