Viễn thông dùng riêng điều hành và vận hành hệ thống điện

09:25' - 04/10/2022
BNEWS Vai trò của mạng VTDR trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã được khẳng định; trong đó, điều hành, vận hành hệ thống điện là nhiệm vụ quan trọng và ưu tiên số một.

Mạng Viễn thông dùng riêng (VTDR) của Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam (EVN) là mạng viễn thông có chức năng chính: Phục vụ công tác điều hành, vận hành hệ thống điện và thị trường điện Việt Nam; phục vụ công tác quản lý của Công ty mẹ EVN và các hoạt động quản lý, sản xuất - kinh doanh của các đơn vị thuộc Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam. Với chức năng này, VTDR luôn phát triển song hành với sự phát triển của hệ thống điện Việt Nam.

 

Ngày 30-01-2015, Cục Viễn thông thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông đã có giấy phép số 66/GP-CVT cho phép EVN và các đơn vị thuộc Tập đoàn thiết lập mạng viễn thông dùng riêng (gồm các mạng hữu tuyến và vô tuyến). Đây là cơ sở pháp lý quan trọng nhất để xây dựng và triển khai kế hoạch phát triển VTDR giai đoạn 2015-2020, tầm nhìn  2025. 

Vai trò của VTDR trong điều hành, vận hành hệ thống điện là cung cấp kênh truyền tín hiệu Rơle bảo vệ đường dây nhằm mục đích bảo đảm an toàn cho thiết bị điện và hệ thống điện khi có sự cố; cung cấp kênh truyền phục vụ việc thu thập dữ liệu liên quan đến tham số của thiết bị điện, hệ thống điện và điều khiển thiết bị điện từ xa (SCADA), phục vụ điều độ và điều khiển xa các trạm biến áp (TBA) không người trực; cung cấp kênh truyền để kiểm soát chất lượng điện năng  như đo lường tần số trên hệ thống, giám sát góc pha (PMU)….

Vai trò của mạng VTDR trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã được khẳng định tại 3 vai trò chính; trong đó, điều hành, vận hành hệ thống điện là nhiệm vụ được đánh giá là quan trọng và ưu tiên số một. Nhiệm vụ này liên quan đến việc đảm bảo công tác điều hành sản xuất của hạ tầng lưới điện của EVN, và mạng VTDR ngày càng trở nên quan trọng khi EVN quyết định thực hiện điều khiển từ xa toàn bộ các TBA110kV trở lên từ năm 2020. Theo đó, mạng VTDR trở thành cơ sở hạ tầng của công tác sản xuất và kinh doanh điện năng.

EVN đã xây dựng kế hoạch phát triển VTDR giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến 2030 cho EVN và các đơn vị phụ thuộc với các mục tiêu chính: Xây dựng hệ thống VTDR thống nhất trong EVN về cấu trúc, phân lớp, công nghệ dùng trong hệ thống; xây dựng các hệ thống truyền dẫn chính, danh mục các tuyến cáp quang và thiết bị truyền dẫn dự kiến trang bị trong tương lai; phân chia trách nhiệm vận hành và đầu tư hệ thống VTDR, bám theo các quy định hiện có của EVN nhằm đảm bảo tối ưu hệ thống và tiết kiệm chi phí đầu tư. 

Hệ thống sẽ được xây dựng trên cơ sở Quy hoạch Điện VIII và các Quy hoạch Điện lực cấp 110kV trên địa bàn các tỉnh/thành phố; định hướng công nghệ VTDR trong EVN trong xây dựng phát triển hạ tầng và dịch vụ. Hệ thống VTDR đảm bảo cung cấp các dịch vụ VTDR đáp ứng công tác điều hành, vận hành hệ thống điện, kinh doanh điện, thị trường điện và phục vụ quản lý của EVN trong giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến 2030.

Thực hiện chỉ đạo của EVN, Công ty Viễn thông Điện lực và Công nghệ thông tin (EVNICT) đã xây dựng kế hoạch phát triển VTDR cho giai đoạn 2021-2025 với các định hướng trọng tâm: Cấu trúc và phân lớp của hệ thống truyền dẫn EVN chia làm 3 lớp truyền dẫn: 

Cụ thể, lớp truyền dẫn dùng chung của EVN: lớp truyền dẫn này là tuyến trục quốc gia và liên tỉnh của EVN. Đây là lớp truyền dẫn tốc độ cao và lớp lõi cho hệ thống VTDR của EVN, kết nối các Trung tâm Điều độ, Trạm 500kV và các TBA 220kV trên hệ thống; truyền tải toàn bộ lưu lượng liên vùng (Bắc – Trung - Nam) của EVN trên cơ sở lớp truyền dẫn đường trục Bắc - Nam; 

Lớp liên tỉnh (RING liên tỉnh) truyền tải cho các đơn vị trong EVN đặc biệt là các đơn vị như Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) và các đơn vị không có mạng liên tỉnh tốc độ cao, RING liên tỉnh đảm nhiệm dự phòng cho mạng liên tỉnh của 03 Tổng Công ty Điện lực miền (dự kiến backup cho mỗi tỉnh/thành phố lưu lượng 1Gbps). 

Đối với lớp truyền dẫn 220kV của EVNNPT bao gồm: Hệ thống có mặt tại toàn bộ các TBA 220kV trên hệ thống và một số trạm 500kV (đấu nối cho các hướng kết nối đường dây 220kV) và một số trụ sở của EVNNPT, do EVNNPT xây dựng và quản lý vận hành, có tốc độ truyền dẫn ở mức 10Gbps hoặc 1Gbps/100Mbps tuỳ theo đặc điểm của Node mạng. Hệ thống này kết nối vào hệ thống truyền dẫn dùng chung của EVN để truyền tải lưu lượng Bắc – Nam và lưu lượng liên tỉnh tốc độ cao.

Đối với lớp truyền dẫn 110kV và nội tỉnh của các Tổng Công ty: Hệ thống có mặt tại toàn bộ các TBA 110kV và được tổ chức theo địa bàn mỗi tỉnh/thành phố (trường hợp đặc biệt có thể kết nối sang tỉnh khác để thiết lập mạng dự phòng).

Tất cả các TBA 110kV này sẽ kết nối về Trung tâm điều khiển xa đặt tại trụ sở các Công ty điện lực. Do đặc điểm của 3 Tổng Công ty Điện lực miền, Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh, ngoài kết nối cho các TBA 110kV, hệ thống VTDR sẽ kết nối đến các trụ sở đơn vị (Điện lực quận/huyện) để phục vụ sản xuất kinh doanh và quản trị doanh nghiệp.

Lớp truyền dẫn này do các Tổng Công ty Điện lực xây dựng và quản lý vận hành. Ngoài mạng nội tỉnh và do đặc điểm các tỉnh thành của Tổng Công ty Điện lực miền sẽ kết nối liên tỉnh để hình thành mạng truyền dẫn liên tỉnh của 03 Tổng Công ty Điện lực miền; mạng truyền dẫn liên tỉnh sẽ kết nối lưu lượng giữa các tỉnh của mỗi Tổng Công ty và xem xét xây dựng với tốc độ phù hợp. Lớp truyền dẫn 110kV sẽ kết nối vào mạng truyền dẫn dùng chung của EVN để kết nối lưu lượng dự phòng, tại mỗi tỉnh sẽ kết nối từ 1-2 node giữa hai mạng.

Hiện nay xu hướng dịch chuyển từ công nghệ TDM (ghép kênh theo thời gian – Time Division Multiplexing) sang công nghệ IP (chuyển mạch gói theo giao thức Internet Protocol) đã gần như hoàn thành trên mạng Viễn thông công cộng. Với EVN hiện nay, các dịch vụ viễn thông hầu hết đã chuyển sang IP: kết nối SCADA/Hotline hiện cũng đã dùng IP cho các TBA/Nhà máy điện mới đưa vào hoạt động, hệ thống WANEVN và WAN-TTĐ cũng chuyển sang kết nối qua IP (thay vì E1, 34Mbps). Dịch vụ TDM của EVN chỉ còn duy nhất được sử dụng cho hệ thống kênh bảo vệ đường dây, sa thải đặc biệt và các kết nối SCADA/Hotline đang dùng chuẩn 101 cũ.

Hiện nay trên thế giới, kênh Rơle bảo vệ đường dây cũng đang được thử nghiệm và xem xét thay thế bằng công nghệ IP. Vậy xu hướng truyền dẫn cho các dịch vụ sắp tới hầu hết sẽ là IP, dung lượng IP sẽ chiếm trên 90% lưu lượng truyền dẫn.

Định hướng phát triển hạ tầng VTDR với việc kết hợp 3 lớp mạng truyền dẫn để đảm bảo tính liên kết, thông suốt và ổn định, tiết kiệm chi phí cho EVN; Hệ thống giám sát để giám sát toàn bộ hệ thống VTDR của EVN; thực hiện chuyển đổi công nghệ cho thiết bị phù hợp với thực tế mạng lưới của mỗi đơn vị, yêu cầu phải đảm bảo vận hành ổn định, sử dụng hiệu quả thiết bị đã đầu tư và tối ưu sắp xếp thiết bị cho phù hợp. 

Các đơn vị trong EVN tận dụng tối đa năng lực hạ tầng VTDR của nhau như chia sẻ sợi quang, chia sẻ băng thông để dự phòng dịch vụ (1+1), kết nối liên mạng thông suốt; xây dựng hạ tầng truyền dẫn dùng chung của EVN ổn định và tốc độ cao đáp ứng toàn bộ nhu cầu của các đơn vị trong EVN; trong đó, xây dựng 04 mạch truyền dẫn Bắc – Nam tốc độ cao để đảm bảo truyền tải lưu lượng hướng Bắc – Trung – Nam; xây dựng mạng liên tỉnh RING tốc độ cao, tối thiểu 10Gbps; tách hạng mục thiết bị truyền dẫn trong các dự án cấp điện áp 500kV để đầu tư trong dự án riêng hoặc EVN trang bị sẵn thiết bị, mục đích để đồng nhất về công nghệ và hãng để thuận lợi trong giám sát và vận hành hệ thống.

Bên cạnh đó, định hướng quy hoạch 2021-2025, tầm nhìn 2030 sẽ ưu tiên phát triển mạng cáp quang OPGW để hệ thống VTDR hoạt động ổn định, vận hành an toàn đáp ứng các nhu cầu chuyên dụng của EVN.

Cáp quang OPGW dự kiến xây dựng có 24 sợi (một số tuyến nội đô có thể xem xét số sợi lớn hơn); hạn chế đầu tư xây dựng các tuyến cáp quang ADSS và xem xét thay thế dần bằng cáp quang OPGW; Cáp ADSS xem xét đầu tư các tuyến có khoảng cách ngắn để kết nối cho Trụ sở…

Các Tổng Công ty Điện lực tận dụng tối đa sợi quang trên đường dây 220/500kV để kết nối cho lưới 110kV và mạng liên tỉnh của mình; xem xét kết hợp với các đơn vị ngoài EVN trong việc phát triển hệ thống cáp quang để có quyền sử dụng sợi (giảm chi phí đầu tư và vận hành) hoặc cùng xây dựng đầu tư chung các tuyến cáp quang./.

>>>Cảnh giác tai nạn điện trong thời điểm mưa bão

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục