Việt Nam xuất khẩu gần 416 triệu khẩu trang

19:02' - 29/04/2020
BNEWS Theo thống kê mới công bố chiều 29/4 của Tổng cục Hải quan, lũy kế từ ngày 1/1 - 19/4/2020, tổng lượng khẩu trang xuất khẩu của Việt Nam là 415,7 triệu chiếc, trị giá 63,19 triệu USD.

Cụ thể, trong tháng 4 (tính đến ngày 19/4/2020), tổng lượng khẩu trang xuất khẩu là 88,19 triệu chiếc, trị giá 34 triệu USD; trong đó, theo khai báo hải quan chủ yếu là khẩu trang vải, vải chống bụi mịn, khẩu trang vải 100% cotton, khẩu trang 2 lớp vải cotton; về loại hình gồm xuất gia công khoảng 36,88 triệu chiếc và xuất kinh doanh, xuất khẩu không nhằm mục đích thương mại (biếu, tặng…) khoảng 51,3 triệu chiếc.

Khẩu trang xuất đi một số thị trường lớn như: Nhật Bản là 32,7 triệu chiếc; Hàn Quốc 17,1 triệu chiếc; Đức 11,1 triệu chiếc; Mỹ 10,4 triệu chiếc....

Thông tin về việc thông quan nhanh hàng hóa thực hiện Nghị quyết 20/NQ-CP của Chính phủ áp dụng chế độ cấp giấy phép xuất khẩu đối với mặt hàng khẩu trang y tế trong giai đoạn phòng chống dịch COVID-19, Tổng cục Hải quan đã có văn bản chỉ đạo các Cục Hải quan địa phương về kiểm tra thực tế hàng hóa trên cơ sở đánh giá rủi ro, lựa chọn các lô hàng nghi vấn để kiểm tra thực tế hàng hóa, trong quá trình thực hiện kiểm tra thực tế hàng hóa.

Nếu quan sát trực tiếp không đủ dấu hiệu theo tiêu chuẩn khẩu trang y tế thì thực hiện thông quan (Công văn số 2012/TCHQ-GSQL ngày 27/3/2020).

Tổng cục Hải quan cũng đã có tờ trình Lãnh đạo Bộ Tài chính số 210/TTr-TCHQ-GSQL ngày 22/4/2020 tham gia ý kiến với dự thảo nội dung sửa đổi Nghị quyết 20/NQ-CP liên quan đến quản lý xuất khẩu khẩu trang do Bộ Y tế soạn thảo.

Về đề xuất của các doanh nghiệp xung quanh vấn đề gia hạn hàng hóa lưu giữ kho ngoại quan đối với các lô hàng trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, Tổng cục Hải quan cho biết, cơ quan hải quan không có thẩm quyền quyết định gia hạn thêm thời gian gửi kho ngoại quan.

Theo quy định tại Luật Hải quan năm 2014 và Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ không quy định đối với các trường hợp bất khả kháng như thiên tai, dịch bệnh thì được phép gia hạn thời hạn gửi kho ngoại quan.

Tuy nhiên, các cơ quan hải quan cũng đã có hướng dẫn các doanh nghiệp liên hệ với Chi cục Hải quan quản lý kho để được hướng dẫn phương án xử lý tạo điều kiện tối ưu đối với lô hàng còn hạn được lưu giữ trong kho ngoại quan.

Theo Tổng cục Hải quan, việc gia hạn thời gian lưu giữ hàng hóa gửi kho ngoại quan thuộc thẩm quyền cấp Chính phủ (Luật, Nghị định). Do đó sẽ sớm có đề nghị Chính phủ xem xét đưa ra quy định giải quyết các vấn đề về thời hạn lưu giữ đối với hàng hóa nói chung (không chỉ kho ngoại quan mà còn có các loại hình khác như tạm nhập, tái xuất…) để tạo điều kiện cho doanh nghiệp.

Trước đó, Tổng cục Hải quan nhận được công văn vướng mắc của một số doanh nghiệp về việc gia hạn thời gian lưu kho ngoại quan.

Theo trình bày của các doanh nghiệp thì với lý do khách quan bởi nạn dịch bệnh COVID-19 bùng phát trên thế giới nên việc xuất khẩu hàng gửi kho ngoại quan sang các nước đang gặp khó khăn do phía bên nước nhập khẩu đa số hiện nay đang từ chối nhận hàng trong khi hàng gửi kho ngoại quan thì sắp hết hạn lưu giữ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục