Vòng xoáy mất giá của đồng yen có thể khiến Nhật Bản ngày càng "nghèo đi"

06:30' - 17/04/2022
BNEWS Nguyên nhân chính dẫn đến sự mất giá của đồng yen là khoảng cách khá lớn trong chính sách tiền tệ giữa Nhật Bản và Mỹ.

Bài phân tích của Giáo sư danh dự Yukio Noguchi thuộc trường Đại học Hitotsubashi được đăng trên báo President Online hôm 14/4 nhận định tốc độ giảm giá của đồng yen Nhật Bản trong vòng ba năm trở lại đây là rất đáng quan ngại và Chính phủ Nhật Bản cần bình thường hóa chính sách càng sớm càng tốt.

Việc Nga thực hiện chiến dịch quân sự tại Ukraine đã khiến giá tài nguyên tăng chóng mặt và thúc đẩy tốc độ gia tăng lạm phát trên toàn thế giới.

Tỷ giá đồng yen so với đồng USD vào thời điểm mùa Thu năm 2021 là 114-115 yen đổi 1 USD nhưng đến đầu năm nay, tỷ lệ này đã vượt quá 120 yen, tiếp theo là 125 yen đổi 1 USD và đến ngày 13/4 là 126 yen đổi 1 USD, mức thấp nhất kể từ tháng 5/2002.

Nguyên nhân chính dẫn đến sự mất giá này là khoảng cách khá lớn trong chính sách tiền tệ giữa Nhật Bản và Mỹ.

Trong khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) quyết định tăng lãi suất cơ bản để đối phó với tình trạng lạm phát thì Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) vẫn kiên trì với chính sách tiền tệ siêu lỏng để hỗ trợ đà phục hồi kinh tế giai đoạn hậu COVID-19.

Bên cạnh đó, giá năng lượng tăng đáng kể từ cuối tháng 2/2022, thời điểm xung đột Nga-Ukraine bùng nổ.

Do đó, nếu tình trạng này còn kéo dài, thâm hụt tài khoản vãng lai của Nhật Bản sẽ tăng lên, đồng nghĩa với việc đồng yen của nước này vẫn sẽ rơi vào vòng xoáy mất giá.

Sự chênh lệch về lãi suất giữa Nhật Bản và Mỹ như hiện tại làm gia tăng tình trạng đầu cơ chuyển giá, tức là giới đầu tư huy động tiền yen với lãi suất thấp để chuyển đổi thành đồng USD với lãi suất cao hơn. 

Rủi ro là khi BOJ điều chỉnh tăng lãi suất sẽ khiến cho đồng yen mạnh lên và quá trình chuyển đổi từ đồng USD trở lại đồng yen sẽ làm cho các nhà đầu tư thua lỗ.

Tuy nhiên trên thực tế, BOJ đã can thiệp vào thị trường trái phiếu chính phủ nhằm chặn đà tăng của lãi suất. Đây là động thái được cho là sẽ hậu thuẫn cho quá trình đầu cơ tiền tệ và càng làm đồng yen suy yếu thêm.

Giáo sư Yukio Noguchi cho rằng quan điểm đồng yen thấp có lợi cho quốc gia là sai lầm. Giả sử giá hàng xuất khẩu của Nhật Bản tính bằng đồng USD không đổi, thì khi đồng yen giảm, doanh số của ngành xuất khẩu sẽ tăng lên. 

Tuy nhiên, chưa kể việc giá hàng nhập khẩu cũng tăng do đồng yen yếu thì giá nguyên liệu đang tăng chóng mặt và mức tăng của giá nguyên liệu sẽ được chuyển đổi vào giá sản phẩm.

Ngoài ra, tiền lương của lao động trong nước mặc dù nhận về tiền yen là tăng nhưng nếu định giá bằng đồng USD thì con số này thậm chí còn giảm xuống.

Với góc độ này, nếu doanh nghiệp tăng lợi nhuận từ việc đồng yen giảm giá thì lợi nhuận chủ yếu sẽ rơi vào các ông chủ hoặc các cổ đông của công ty, trong khi thiệt hại lại ở phía người lao động và người tiêu dùng nội địa. 

Từ trước đến nay, việc đồng yen giảm giá là tín hiệu tốt cho các doanh nghiệp xuất khẩu nhưng ở thời điểm hiện tại lại có ý nghĩa ngược lại.

Các doanh nghiệp vốn chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19 lại phải đối mặt với tình trạng giá nguyên liệu tăng, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ vốn có năng lực đàm phán giá nguyên liệu yếu. 

Như vậy, giá trị gia tăng thực tế không tăng, đồng nghĩa với việc lợi nhuận không tăng và lương cho nhân viên cũng không tăng.

Theo dự báo, rất có thể giá cả tiêu dùng trong tháng 3 năm nay sẽ tăng khoảng 3%, trong khi tỷ lệ tăng lương vào đầu năm nay là khoảng 3,1%.

Như vậy, người lao động và người tiêu dùng Nhật Bản phải đối mặt với không ít khó khăn từ hệ lụy của việc đồng yen mất giá.

Vào những năm 1970-1980, giá trị đồng yen mạnh đi cùng với sự phát triển của nền kinh tế Nhật Bản. Khi đó, các công ty của Nhật Bản đã đầu tư mạnh vào phát triển công nghệ mới, qua đó giúp duy trì vị thế của kinh tế Nhật Bản. 

Tuy nhiên, kể từ năm 2000 trở lại đây, hoạt động của các công ty của Nhật Bản trở nên khó khăn hơn với quá trình công nghiệp hóa mạnh mẽ của Trung Quốc và chính sách giảm giá đồng yen cũng như cố định tiền lương được áp dụng. 

Rõ ràng, chính sách này chỉ là một “liều thuốc giảm đau” tạm thời khiến các doanh nghiệp Nhật Bản tồn tại mà không cần chuyển dịch cơ cấu và đầu tư phát triển công nghệ. Đây là lý do khiến kinh tế của Nhật Bản ngày càng bị bỏ lại phía sau so với thế giới.

Bảo vệ giá trị tiền tệ là trách nhiệm quan trọng nhất của các ngân hàng trung ương trên thế giới.

Do đó, điều quan trọng là BOJ cần phải cân nhắc lại được-mất của chính sách tiền tệ siêu lỏng để duy trì vị thế cũng như tạo thêm động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế Nhật Bản./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục