WB kêu gọi ngăn chặn khủng hoảng nợ tại Mỹ Latinh

09:01' - 11/03/2021
BNEWS Chủ tịch Ngân hàng Thế giới cho biết khoảng 100 triệu người trên thế giới hiện rơi vào cảnh nghèo đói do khủng hoảng kinh tế bắt nguồn từ đại dịch COVID-19.

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass mới đây nhận định lộ trình phục hồi kinh tế ở khu vực Mỹ Latinh cần phải bao gồm các biện pháp tăng cường viện trợ cho những nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất, đẩy mạnh hơn nữa thương mại quốc tế và đảm bảo khả năng tái cơ cấu nợ công một cách hiệu quả.

Phát biểu trong một cuộc họp báo dưới hình thức trực tuyến, ông Malpass cho biết khoảng 100 triệu người trên thế giới hiện rơi vào cảnh nghèo đói do khủng hoảng kinh tế bắt nguồn từ đại dịch COVID-19 và điều này "đặc biệt có thể thấy rõ tại khu vực Mỹ Latinh”.

Kể từ khi cuộc khủng hoảng COVID-19 tác động tiêu cực tới môi trường đầu tư tài chính toàn cầu, các nước Mỹ Latinh đã trông chờ vào các khoản vay nợ để có thể chi trả cho các chương trình kích thích kinh tế và xã hội.

Những khoản nợ này giờ đây đã trở thành gánh nặng và WB hy vọng rằng các chủ nợ có thể xóa nợ một phần hoặc ít nhất, hỗ trợ tái cơ cấu các khoản nợ trong khi các nước trong khu vực thực hiện các biện pháp phục hồi kinh tế.

Ông Malpass nhấn mạnh WB sẽ nỗ lực hết sức để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng nợ lan rộng tại khu vực Mỹ Latinh.

Trong năm 2020, Ecuador và Argentina đã phải đàm phán lại các khoản nợ với các trái chủ nước ngoài, khiến chi phí nợ của các quốc gia này tăng cao về dài hạn.

Vì vậy, WB đang cố gắng tránh tình trạng đảo nợ với lãi suất cao và điều này đòi hỏi các chủ nợ khu vực tư nhân phải đưa ra mức lãi suất thấp hơn.

Theo Chủ tịch WB, các chương trình tiêm chủng đại trà vaccine ngừa COVID-19 có vai trò hết sức quan trọng trong việc mở cửa trở lại nền kinh tế của các quốc gia Mỹ Latinh.

Tuy nhiên, ông Malpass nhấn mạnh công tác triển khai tiêm chủng đại trà diễn ra chậm, cũng như khả năng tiếp cận hạn chế đối với các loại vaccine "là một vấn đề khó khăn và nghiêm trọng đối với Mỹ Latinh".

Ngoài ra, WB sẽ có các đề xuất nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông  hàng hóa giữa các nước Mỹ Latinh và các quốc gia khác trên thế giới, do thương mại quốc tế sẽ đóng vai trò sống còn trong nền kinh tế hậu COVID-19.

Ông Malpass cũng thông báo, WB dự kiến sẽ phân bổ 10 tỷ USD từ nay đến tháng 6/2021 cho các chương trình viện trợ khác nhau tại 24 quốc gia trong khu vực Mỹ Latinh và Caribe./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục