WB: Kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm thứ ba liên tiếp

21:57' - 09/01/2024
BNEWS Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu mới nhất. Theo đó, kinh tế thế giới được dự báo sẽ tăng trưởng 2,4% trong năm 2024.

Theo WB, năm 2024 có thể sẽ khép lại chuỗi 5 năm kinh tế toàn cầu tăng trưởng với tốc độ thấp nhất trong vòng 30 năm trở lại đây - một con số đáng buồn.

* Kinh tế toàn cầu tăng trưởng 2,4% trong năm 2024

Báo cáo của WB cho rằng kinh tế toàn cầu hiện đang tốt hơn so với một năm trước, với nguy cơ suy thoái hạ nhiệt - phần lớn nhờ sức mạnh của kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, căng thẳng địa chính trị gia tăng có thể tạo ra những mối đe dọa mới trong ngắn hạn.

Trong khi đó, triển vọng trung hạn trở nên u ám đối với nhiều nền kinh tế đang phát triển. Tăng trưởng ở hầu hết các nền kinh tế lớn chậm lại, thương mại toàn cầu đình trệ và các điều kiện tài chính bị thắt chặt nhất trong nhiều thập kỷ. Tăng trưởng thương mại toàn cầu trong năm 2024 dự kiến chỉ bằng 50% mức trung bình của thập kỷ trước đại dịch. Chi phí đi vay đối với các nền kinh tế đang phát triển, đặc biệt là những nền kinh tế có xếp hạng tín nhiệm kém, có thể tiếp tục ở mức cao do lãi suất toàn cầu vẫn neo ở các ngưỡng đỉnh của 4 thập kỷ (sau khi đã điều chỉnh lạm phát).

Tăng trưởng toàn cầu được dự đoán sẽ chậm lại trong năm thứ ba liên tiếp - từ mức 2,6% của năm 2023 xuống 2,4% vào năm 2024, thấp hơn gần 0,75 điểm phần trăm so với tốc độ tăng trung bình của những năm 2010. Các nền kinh tế đang phát triển được ước đoán chỉ tăng trưởng 3,9%, thấp hơn 1 điểm phần trăm so với mức trung bình của thập kỷ trước.

Sau số liệu đáng thất vọng vào năm ngoái, các nền kinh tế có thu nhập thấp được cho là sẽ tăng trưởng yếu hơn dự báo trước đây, ở mức 5,5%. Đến cuối năm 2024, người dân ở khoảng 1/4 quốc gia đang phát triển và khoảng 40% quốc gia có thu nhập thấp sẽ nghèo hơn so với hồi năm 2019 - thời điểm đại dịch COVID-19 chưa xuất hiện. Trong khi đó ở các nền kinh tế tiên tiến, tốc độ tăng trưởng sẽ giảm xuống còn 1,2% trong năm nay, từ mức 1,5% của năm 2023.

Ông Indermit Gill, chuyên gia kinh tế trưởng kiêm Phó chủ tịch cấp cao của Nhóm Ngân hàng Thế giới (WBG), cho biết: “Nếu không có điều chỉnh lớn, những năm 2020 sẽ là thập kỷ của cơ hội bị lãng phí”. Theo chuyên gia này, tăng trưởng trong ngắn hạn sẽ vẫn yếu, khiến nhiều nước đang phát triển - đặc biệt là những nước nghèo nhất - đối mặt với các vấn đề về nợ và thách thức trong việc tiếp cận thực phẩm của gần 1/3 dân số.

Theo WB, để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và đạt được các mục tiêu phát triển toàn cầu quan trọng khác vào năm 2030, các nước đang phát triển cần tăng cường đầu tư đáng kể lên đến khoảng 2.400 tỷ USD mỗi năm. Tăng trưởng đầu tư bình quân đầu người ở các nền kinh tế đang phát triển trong giai đoạn 2023-2024 dự kiến đạt trung bình 3,7%, chỉ bằng hơn một nửa tốc độ tăng trưởng của hai thập kỷ trước.

Các phân tích của WB, dựa trên kinh nghiệm của 35 nền kinh tế tiên tiến và 69 nền kinh tế đang phát triển trong 70 năm qua, cho thấy các nền kinh tế đang phát triển thường gặt hái được nhiều thành tựu kinh tế khi họ nâng tốc độ tăng trưởng đầu tư bình quân đầu người lên ít nhất 4% và duy trì tốc độ này trong sáu năm trở lên.

Khi đó, khoảng cách về thu nhập với các nền kinh tế tiên tiến sẽ được thu hẹp với tốc độ nhanh hơn, tỷ lệ nghèo đói giảm nhanh hơn và năng suất tăng gấp bốn lần. Các lợi ích khác có thể kể đến là lạm phát giảm, vị thế tài chính và đối ngoại được cải thiện, khả năng tiếp cận Internet của người dân cũng tăng lên nhanh chóng.

Ông Ayhan Kose, chuyên gia kinh tế của WB, cho rằng để thúc đẩy đầu tư, các nền kinh tế đang phát triển cần thực hiện các gói chính sách toàn diện để cải thiện khuôn khổ tài chính và tiền tệ, mở rộng thương mại và dòng chảy tài chính xuyên biên giới, cải thiện môi trường đầu tư và tăng cường chất lượng thể chế. Đây là nhiệm vụ khó khăn nhưng trong quá khứ có nhiều nền kinh tế đang phát triển đã làm được.

 

* Đông Á-Thái Bình Dương tăng trưởng khiêm tốn

Báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu mới nhất của WB dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương (EAP) sẽ giảm xuống lần lượt các mức 4,5% và 4,4% vào các năm 2024 và 2025, từ mức 5,1% của năm 2023, chịu ảnh hưởng từ xu hướng tăng trưởng chậm hơn ở Trung Quốc.

Nếu không tính Trung Quốc, tăng trưởng ở khu vực EAP được dự đoán ở mức khiêm tốn 4,7% trong cả hai năm 2024 và 2025. Trong đó, các nền kinh tế Thái Bình Dương sẽ khởi sắc trong năm nay, nhờ sự phục hồi liên tục của ngành du lịch. So với các dự báo trước đó, tăng trưởng ở EAP dự kiến sẽ thấp hơn 0,1 điểm phần trăm vào năm 2024 và 2025. Điều này có nghĩa là sản lượng ở khu vực EAP được cho là sẽ còn giảm xuống dưới mức trước đại dịch.

WB ước tính tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ giảm xuống còn 4,5% vào năm 2024 và 4,3% vào năm 2025. So với dự báo hồi tháng 6/2023, tăng trưởng của nước này đã được điều chỉnh giảm 0,1 điểm phần trăm trong cả hai năm 2024 và 2025, chủ yếu do nhu cầu trong nước yếu hơn. Tiêu dùng sẽ giảm mạnh trong bối cảnh tâm lý yếu kém và bất ổn kinh tế gia tăng.

Tăng trưởng đầu tư sẽ vẫn thấp, được hỗ trợ bởi chi tiêu hạ tầng nhưng lại bị cản trở bởi sự ảm đạm của lĩnh vực bất động sản. Những trở ngại về mặt cơ cấu như nợ gia tăng, lực lượng lao động già đi và nhỏ hơn, cũng như dư địa để bắt kịp tăng trưởng năng suất ngày càng thu hẹp, sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Đối với khu vực EAP ngoài Trung Quốc, nhu cầu nội địa vững chắc, đặc biệt là tiêu dùng tư nhân, dự kiến sẽ là động lực tăng trưởng chính. Lạm phát vừa phải và thị trường lao động mạnh mẽ, được hỗ trợ bởi lĩnh vực dịch vụ sôi động, được dự đoán sẽ giúp duy trì chi tiêu hộ gia đình.

Ở một số nền kinh tế, chi tiêu chính phủ tăng cũng sẽ hỗ trợ nhu cầu. Tăng trưởng đầu tư ở nhiều nền kinh tế dự kiến yếu hơn và sẽ duy trì ở ngưỡng thấp hơn mức trung bình trước đại dịch cho đến hết năm 2024 và 2025. Đầu tư tư nhân cũng phải đối mặt với một số trở ngại, bao gồm những tác động trễ của xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ, sự không chắc chắn trong chính sách ở một số quốc gia và tỷ lệ nợ gia tăng. Ngoài ra, nợ công tăng cao và dư địa tài khóa giảm dự kiến sẽ hạn chế tăng trưởng đầu tư công.

Theo WB, rủi ro đối với tăng trưởng khu vực chủ yếu tập trung vào nguy cơ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc yếu hơn dự kiến và căng thẳng địa chính trị gia tăng. Xung đột ở Trung Đông có thể leo thang, làm tăng bất ổn và gián đoạn nguồn cung năng lượng.

Những rủi ro khác bao gồm suy yếu thương mại toàn cầu kéo dài, điều kiện tài chính thắt chặt hơn dự kiến và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt liên quan đến biến đổi khí hậu. Ngược lại, tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ hơn dự kiến ở Mỹ có thể làm đảo chiều các dự báo.

WB dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng lần lượt 5,5% và 6% trong các năm 2024 và 2025.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục