WB: Nhiều yếu tố tác động đến xuất khẩu của Việt Nam

14:23' - 14/12/2022
BNEWS Do nhiều yếu tố, nhất là nhu cầu bên ngoài yếu đi đã tác động lớn tới tình hình xuất khẩu của Việt Nam, nhất là trong bối cảnh, nhu cầu tiêu dùng ở thời kỳ hậu COVID dường như phục hồi chậm lại.
 

 

 

Ngày 14/12 tại Hà Nội, Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam công bố bản tin Cập nhật Tình hình Kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 12 năm 2022.

Theo đó, ghi nhận, do nhiều yếu tố, nhất là nhu cầu bên ngoài yếu đi đã tác động lớn tới tình hình xuất khẩu của Việt Nam, nhất là trong bối cảnh, nhu cầu tiêu dùng ở thời kỳ hậu COVID dường như phục hồi chậm lại. Thêm vào đó, điều kiện huy động tài chính bị thắt chặt hơn và lạm phát gia tăng có thể ảnh hưởng đến nhu cầu trong nước trong thời gian tới.

Do sức cầu bên ngoài yếu hơn, tăng trưởng sản xuất công nghiệp trong tháng 11 giảm còn 5,3% so cùng kỳ năm trước, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2022. Lĩnh vực chế tạo chế biến lần đầu tiên cũng bị suy giảm về mốc 50 điểm kể từ tháng 10 năm 2021. Tăng trưởng giảm đà phần nào do hiệu ứng xuất phát điểm cao.

Ngoài ra, sức cầu bên ngoài yếu đi cũng là một lý do. Tăng trưởng sản xuất công nghiệp giảm về tổng thể cho thấy, có sự khác biệt về kết quả ở các lĩnh vực khác nhau. Như sản lượng máy tính, sản phẩm điện tử và quang học phục hồi, tăng từ 2,6% trong tháng 10 lên 5,6% trong tháng 11. Sản lượng máy móc cũng phục hồi từ mức 9,8% lên 17,2%. Mặt khác, sản lượng may mặc giảm từ 5,5% trong tháng 10 xuống còn 2,2% trong tháng 11...

Tăng trưởng doanh số bán lẻ giảm từ 20,7% trong tháng 10 xuống 17,5% trong tháng 11. Lý do giảm phần nào do hiệu ứng xuất phát điểm thấp liên quan đến giãn cách COVID-19 trong quý 3/2021 đang yếu dần. Bên cạnh đó, tốc độ phục hồi tiêu dùng trong 3 quý đầu năm cũng đang giảm xuống. Tốc độ tăng doanh số bán lẻ hàng hóa tăng 10.7% so với khoảng 12% thời kỳ trước đại dịch. Doanh số dịch vụ ăn uống và lưu trú tăng 5,3% trong tháng 11/2022 so với trước đại dịch. Tuy nhiên, doanh số dịch vụ lữ hành vẫn thấp hơn 37% so với tháng 11/2019.

Lần đầu tiên kể từ tháng 10/2021 đến nay, xuất khẩu hàng hóa cũng bị giảm còn 8,4% do sức cầu bên ngoài yếu đi và do tác động xuất phát điểm thấp tính từ đợt phục hồi quý IV/2021.

Mặc dù số vốn đăng ký đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giảm 1,9% so cùng kỳ, nhưng số giải ngân vốn FDI vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng vững vàng ở mức 14,4% so cùng kỳ năm trước.

Lạm phát CPI trong tháng 11 tăng lên đến 4,4% so cùng kỳ năm trước và cao hơn 0,3% so với tháng 10 năm nay; trong đó, giá lương thực thực phẩm và giá nhà ở là hai yếu tố đóng vai trò chủ đạo. Lạm phát cơ bản cũng tăng 4,8%, cao hơn 0,3% so với tháng 10.

Tăng trưởng tín dụng giảm từ 16,5% trong tháng 10 xuống 15% trong tháng 11 do điều kiện huy động tài chính trong nước bị thắt chặt sau khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nâng chính sách lãi suất. Lãi suất liên ngân hàng qua đêm bình quân ở mức cao 5,7% trong tháng 11. Đầu tháng 12, Ngân hàng Nhà nước công bố nâng trần tăng trưởng tín dụng thêm từ 1,5 - 2%.

Đồng tiền của Việt Nam tăng giá nhẹ trong tháng 11/2022 mặc dù mức tăng giá của tiền đồng vẫn thuộc dạng thấp nhất so với các đồng tiền lớn và đồng tiền của các quốc gia láng giềng.

Đến cuối tháng 11, ngân sách Nhà nước ghi nhận bội thu ở mức 12,1 tỷ USD, tương đương khoảng 3% GDP. Với mức bội thu lớn và trong điều kiện chi phí vay nợ gia tăng trên thị trường vốn trong nước, khối lượng phát hành trái phiếu chính phủ trong 11 tháng năm 2022 chỉ bằng 45,6% kế hoạch phát hành của năm, so với tỷ lệ thực hiện 82,3% cùng kỳ năm trước.

WB khuyến nghị, trong điều kiện huy động vốn toàn cầu dự kiến vẫn tiếp tục bị thắt chặt và nhu cầu bên ngoài đang yếu đi, cơ quan quản lý tiền tệ của Việt Nam có thể cân nhắc cho phép tỷ giá được linh hoạt hơn nữa nhằm hấp thụ những biến động trong môi trường bên ngoài.

Cùng đó, phối hợp chính sách tài khóa và tiền tệ là điều kiện quan trọng để duy trì ổn định giá cả trong bối cảnh lạm phát cơ bản trong nước gia tăng. Chiến lược chi tiêu thận trọng hơn và tập trung hơn vào đúng ưu tiên nhằm đảm bảo đầu tư cho vốn con người, hạ tầng xanh và thích ứng khí hậu sẽ giúp nâng cao khả năng chống chịu và tiềm năng của nền kinh tế./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục