Xây dựng các cơ chế, chính sách vượt trội cho Trung tâm tài chính, nhưng phải có kiểm soát

21:05' - 21/02/2025
BNEWS Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình họp với lãnh đạo một số bộ, ngành chức năng về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập và hoạt động của Trung tâm tài chính tại Việt Nam.
 Chiều 21/2, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình chủ trì họp với lãnh đạo một số bộ, ngành chức năng về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập và hoạt động của Trung tâm tài chính tại Việt Nam.

Khẳng định sự cần thiết xây dựng và ban hành Nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập và hoạt động của Trung tâm tài chính tại Việt Nam, Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình hoan nghênh, các bộ, ngành chức năng và các địa phương liên quan đã nỗ lực, phối hợp hiệu quả trong xây dựng dự thảo Nghị quyết.

Theo Phó Thủ tướng, Nghị quyết được xây dựng nhằm hình thành cơ sở pháp lý giải quyết 3 vấn đề lớn, đó là: tạo lập các quy định về tổ chức bộ máy; quy định về chính sách cho Trung tâm tài chính, nhất là quy định về xuất nhập cảnh, lao động, chính sách tiền tệ, thuế; xây dựng quy định của nhà nước về quản lý các trung tâm, cụ thể là trách nhiệm quản lý của Chính phủ, các bộ, ngành chức năng và trách nhiệm của các thành phố có các Trung tâm tài chính.

Đây là vấn đề mới, vì vậy Nghị quyết tập trung quy định các nội dung mang tính nguyên tắc, chính sách khung nhưng cũng cần phải cụ thể nhất có thể, còn các nội dung quy định chi tiết thì các bộ, ngành hữu quan cần tiếp tục tham khảo kinh nghiệm quốc tế về phát triển các Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế để tham mưu cho Chính phủ ban hành nghị định riêng và các văn bản dưới nghị định để quy định chi tết, bảo đảm phù hợp với thông lệ quốc tế và các yêu cầu đặt ra về phát triển các Trung tâm tài chính.

“Chúng ta xây dựng dự thảo Nghị quyết này là xây dựng các cơ chế, chính sách vượt trội nhưng phải có kiểm soát”, nhấn mạnh điều này, Phó Thủ tướng lưu ý phải làm rõ được nội hàm của từng nhóm chính sách đang dự kiến xây dựng, có đánh giá cụ thể những tác động của chính sách trong đối với nền kinh tế.

Việc xây dựng và trình dự thảo Nghị quyết được thực hiện theo quy trình tại 1 kỳ họp, dự kiến Chính phủ trình Quốc hội xem xét và thông qua Nghị quyết tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV vào tháng 5/2025.

Đối với 2 thành phố thụ hưởng là Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, Phó Thủ tướng nêu rõ cần tích cực chuẩn bị cơ sở vật chất, kỹ thuật, hạ tầng, nguồn nhân lực để sẵn sàng cho sự vận hành của các các Trung tâm tài chính.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục bổ sung, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết để “có một dự thảo Nghị quyết hoàn hảo nhất có thể”, trình Quốc hội theo đúng yêu cầu về thời gian đặt ra.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc, việc xây dựng Nghị quyết nhằm thể chế hóa chủ trương, quan điểm và chỉ đạo của Đảng về phát triển Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam. Phát triển thị trường tài chính để huy động có hiệu quả các nguồn lực, dịch vụ tài chính phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội các địa phương có Trung tâm tài chính nói riêng và Việt Nam nói chung theo hướng bảo đảm minh bạch, hiệu quả, hiện đại, tiên tiến, bắt kịp các chuẩn mực quốc tế; tạo động lực mới cho nền kinh tế phát triển; thúc đẩy quá trình tham gia sâu rộng vào kinh tế thế giới của Việt Nam.

Nghị quyết của Quốc hội quy định các nội dung mang tính nguyên tắc, khung chính sách phát triển Trung tâm tài chính và giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết, xử lý các vấn đề cụ thể. Các chính sách áp dụng cho Trung tâm tài chính phải có tính đột phá, đảm bảo phát huy tối đa các lợi thế của Việt Nam; bắt kịp xu hướng phát triển quốc tế, theo chuẩn mực, thông lệ tiên tiến của thế giới, bảo đảm nguyên tắc pháp quyền, hài hòa với cam kết quốc tế; bảo đảm sự đồng bộ, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, mở đường cho đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững; cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, có tính cạnh tranh cao, khả thi và phù hợp với điều kiện thực tiễn và năng lực nội tại, trong đó ưu tiên lợi ích quốc gia là trên hết, đặc biệt là vị thế, uy tín và an ninh tài chính quốc gia.

Phát triển Trung tâm tài chính tại khu vực có ranh giới xác định và áp dụng các chính sách đặc thù trong khu vực Trung tâm tài chính, đối tượng tham gia được xác định theo tiêu chí rõ ràng, với chính sách ưu đãi vượt trội để cho phép Việt Nam thử nghiệm có kiểm soát các chính sách đặc thù nhằm tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường tài chính toàn cầu; phân quyền, phân cấp cho cơ quan quản lý Trung tâm tài chính và cải cách thủ tục hành chính tối đa có thể.

Cùng với đó, tập trung quản lý, giám sát dựa trên rủi ro; đánh giá tác động đối với các chính sách phát triển Trung tâm tài chính phù hợp với điều kiện trong nước theo từng giai đoạn để điều chỉnh phù hợp, linh hoạt. Bảo đảm cân đối lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư và người dân trên tinh thần hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro; cần dự báo và có thể phải chấp nhận một mức độ rủi ro nhất định và đi kèm theo các cơ chế giám sát, quản lý rủi ro phù hợp để tăng cường vị thế địa chính trị, địa kinh tế của Việt Nam, gắn lợi ích kinh tế các đối tác, các nước lớn; qua đó góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh “phi truyền thống”; ổn định và phát triển toàn diện về các mặt kinh tế, chính trị, xã hội, môi trường.

Về phạm vi điều chỉnh, nghị quyết này quy định về việc thành lập và hoạt động của Trung tâm tài chính tại Việt Nam và các chính sách đặc thù áp dụng tại Trung tâm tài chính. Nghị quyết áp dụng đối với nhà đầu tư và cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến thành lập và hoạt động của Trung tâm tài chính.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, Nhà nước có cơ chế, chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để thu hút nguồn vốn, công nghệ, phương thức quản lý hiện đại, khuyến khích phát triển kết cấu hạ tầng và hình thành môi trường sống văn minh, chất lượng cao tại Trung tâm tài chính; khuyến khích lựa chọn, thu hút, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển Trung tâm tài chính.

Các cơ quan quản lý Trung tâm tài chính được tổ chức tinh gọn, có thẩm quyền phù hợp, hiệu lực, hiệu quả; được áp dụng thủ tục hành chính đặc biệt, đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư, tổ chức và cá nhân theo quy định và thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện Việt Nam. Các quy định tại của Nghị quyết này khác với các quy định của luật, nghị quyết, pháp lệnh khác thì thực hiện theo quy định tại của Nghị quyết này, trừ trường hợp luật, nghị quyết khác của Quốc hội ban hành sau nghị quyết.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục