Xây dựng Đường dây 500kV Bắc Nam – Bài 6: Sự hi sinh làm nên thời khắc lịch sử

16:48' - 09/05/2018
BNEWS Quá trình xây dựng Hệ thống truyền tải điện 500kV Bắc - Trung - Nam trải qua nhiều bước gian nan, từ chủ trương đến công việc khảo sát, thăm dò, thiết kế và thi công.
Kéo dây đường dây 500kV Sơn La-Lai Châu. Ảnh: TTXVN

Lúc 19 giờ 6 phút ngày 27/5/1994, tại Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, Thủ tướng Võ Văn Kiệt ra lệnh hòa hệ thống điện miền Nam với 4 tổ máy của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình tại trạm Đà Nẵng qua đường dây 500kV như kế hoạch dự định, chính thức đưa hệ thống 500kV vào vận hành.

Đó là thành quả của niềm tin, ý chí và sự cần cù sáng tạo của tập thể cán bộ, công nhân của ngành điện, ngành xây dựng… trên suốt dọc dài công trình.

Có thể nói, quá trình xây dựng Hệ thống truyền tải điện 500kV Bắc - Trung - Nam trải qua nhiều bước gian nan, từ chủ trương, quy hoạch tổng thể, luận chứng kinh tế kỹ thuật, đến công việc khảo sát, thăm dò, thiết kế và thi công.

Mọi công việc thực hiện dựa trên kinh nghiệm xây dựng đường dây, tất cả đều “vừa học vừa làm”. Việc giải phóng mặt bằng không phức tạp như bây giờ nhưng tiến độ không làm nhanh được do phải làm bằng thủ công.

Hình ảnh hàng chục công nhân phải dùng tời cối xay quay hàng trăm vòng mới đào móng sâu được mấy chục mét.

Hình ảnh những công nhân phải cầm bó mía đi trước để dụ cho voi đi theo để kéo dựng cột... có lẽ sẽ là những hình ảnh không bao giờ quên trong tâm trí của những người đã từng tham gia xây dựng đường dây.

Hay như cung đoạn đèo Lò Xo nổi tiếng hiểm trở, điều kiện khắc nghiệt lắm muỗi, nhiều vắt, sốt rét rừng là nỗi ám ảnh với lực lượng thi công.

Không những thế ở đây còn rất nhiều ngầm nguy hiểm, “đi dễ khó về”. Đường đi lên đèo chỉ có hai vệt bánh xe với rêu mọc dày, trơn tuột, chỉ cần lệch bánh xe là “nằm gọn dưới vực”.

Rồi có những vị trí cột nằm xa xôi hiểm trở, phải mất nửa ngày đường mới đến nơi. Có nơi lau lách ken dày thành một đường hầm nhỏ, ô tô chỉ đi với tốc độ “rùa bò” 12-14 km/h.

Trời nóng như thiêu như đốt nhưng đường vẫn trơn vì không có nắng, chỉ có sương và rêu trơn trượt, chỉ đi đã khó chứ chưa nói gì đến việc dựng cột, kéo dây.

Công trình Thủy điện Lai Châu. Ảnh: TTXVN

Còn có những nơi địa chất yếu, đang thi công thì gặp mưa bị xói lở, các đơn vị phải đóng cọc, dùng cáp chằng lên đỉnh đồi để giữ cột đứng yên rồi mới khoan cọc nhồi làm sâu chân móng. Vào mùa mưa, đường trơn, muỗi vắt nhiều, các con suối đều trở thành sông.  Có những lần, mưa to, lũ tràn về, nước suối dâng cao, để đảm bảo tiến độ thi công, không thể chờ mưa tạnh, lũ dừng, anh em công nhân phải đóng cọc tiêu hai bên để vác cát, xi măng, đốt lửa dưới chân cột để làm.

Có lẽ ai đã tham gia xây dựng đường dây trên cung đoạn từ đèo Lò Xo sẽ thấu hiểu và không bao giờ quên những cơn mưa rừng. “Mưa xối xả từ Đắc Glêi, mưa trèo ngược Lò Xo, tôn về Khâm Đức. Nước chảy xiết như tên lao, sông Vu Gia cuồn cuộn ào ào, Ngầm Xơi chìm trong nước xiết... Lán vừa dựng bị xé tan trong nuối tiếc, người ở đường dây, chân đạp đất đầu đội mưa xa”.

Không ít cán bộ, công nhân, kỹ thuật đã không trở về khi đường dây hoàn thành, cũng không ít người trở về không nguyên vẹn, sau những năm tháng sống trong “mưa rừng, cơm vắt”... Trong 2 năm, cả ngày lẫn đêm, ngày nghỉ, ngày lễ, mưa rét, bão lụt, tất cả lực lượng kỹ sư, công nhân kỹ thuận đều tập trung công sức đẩy nhanh tiến độ thi công đảm bảo đúng yêu cầu tiến độ đặt ra.

Trong hai năm đó tất cả lực lượng thi công đều sống trong các lán trại tạm bợ, hoặc ở nhờ nhà dân, không kể muỗi đốt, rắn cắn, sốt rét và kể cả hy sinh tính mạng.

Lực lượng hậu cần vận chuyển lương thực, thực phẩm cho hàng vạn người lao động trên các vùng đồi núi, sông suối vô cùng khó khăn gian khổ.

Tuy nhiên, những động viên kịp thời bằng vật chất và tinh thần của Chính phủ, các bộ, ban ngành, sự quyết tâm của cán bộ, công nhân trên đại công trường, cuối cùng, công trình đường dây 500kV mạch 1 Bắc - Nam đã hoàn thành đúng kế hoạch.

Đằng sau những vất vả, khó khăn của đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân trực tiếp thi công còn có sự đồng hành, ủng hộ của nhân dân ở các địa phương có đường dây đi qua.

Nhiều gia đình nhà dân tự nguyện hiến đất, di chuyển nhà ở phục vụ công tác giải phóng mặt bằng cho thi công đường dây.

 Trong thi công có đoạn gần Phú Lâm - Thành phố Hồ Chí Minh lực lượng thi công gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng, đích thân Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh khi đó là đồng chí Trương Tấn Sang phải trực tiếp chỉ đạo xuống địa bàn. 

Một câu chuyện hết sức cảm động khác đó là khi thi công vượt sông Gianh, Bộ Năng lượng đưa phương án kéo dây vượt sông Gianh, nhưng nguyên tắc là dây dẫn không được tiếp nước. Lực lượng thi công đã đưa ra phương án kết nối mấy trăm cái phà để kéo dây qua sông.

 Được sự ủng hộ của bà con nhân dân xứ đạo Vân Phú, hơn hai trăm chiếc thuyền đã được huy động để kéo dây cáp vượt sông Gianh.  Đó chính là sức mạnh tổng hợp của lòng dân./.

>>> Bài 7: Bước ngoặt trong phát triển kinh tế - xã hội

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục