Xây dựng lực lượng lao động sẵn sàng cho nền kinh tế số bao trùm

10:25' - 28/10/2021
BNEWS Ngày 28/10 tại Hà Nội chính thức diễn ra Diễn đàn đa phương (MSF) 2021 với chủ đề: "Hợp tác xây dựng lực lượng lao động sẵn sàng cho nền kinh tế số bao trùm tại Việt Nam".

Sáng 28/10 tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Samsung Việt Nam và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, dưới sự hợp tác kỹ thuật của Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam và Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng ánh sáng (LIGHT) đã tổ chức Diễn đàn đa phương (MSF) 2021 với chủ đề: "Hợp tác xây dựng lực lượng lao động sẵn sàng cho nền kinh tế số bao trùm tại Việt Nam".

Sự kiện gồm phiên thảo luận về hợp tác cải thiện năng lực sẵn sàng thích ứng của người lao động trong nền kinh tế số bao trùm với phần nghiên cứu về thực trạng tham gia của doanh nghiệp và các tổ chức xã hội tại Việt Nam trong nâng cao năng lực cho người lao động phục vụ cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư do Viện Phát triển Doanh nghiệp (VCCI) thực hiện.

Ngoài ra, còn có phiên thảo luận về "Quan hệ lao động trong thời kỳ công nghiệp 4.0: Vai trò của thúc đẩy đa dạng-hòa nhập và công nghệ hỗ trợ người lao động cải thiện vị thế" với nghiên cứu về "Nhận diện quan hệ lao động trong thời kỳ công nghiệp 4.0: Vấn đề đặt ra cho việc nâng cao vị thế và bảo vệ người lao động tại Việt Nam" của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. 

Diễn đàn có sự tham dự của hơn 300 đại biểu đến từ các cơ quan Chính phủ, các bộ, ngành, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức xã hội, các hiệp hội, doanh nghiệp, các viện nghiên cứu, các tổ chức công đoàn quốc tế và trong nước, cùng các chuyên gia quan tâm tham gia trực tiếp và trực tuyến.  

Phát biểu khai mạc sự kiện, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI nhận định, kinh tế số bao trùm đã cho phép mọi người lao động và doanh nghiệp đều có thể đóng góp vào quá trình tăng trưởng và hưởng thành quả tăng trưởng đó. Điều này hoàn toàn phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững mà Chính phủ Việt Nam đặt ra và gần đây nhất là kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, hưởng ứng mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.

Với vai trò tổ chức quốc gia đại diện người sử dụng lao động ở Việt Nam, VCCI luôn hợp tác chặt chẽ với các bên trong việc phát triển và thúc đẩy quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ tại doanh nghiệp, cũng như: giải quyết bài toán lực lượng lao động có kỹ năng đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và nền kinh tế, bao gồm cả đào tạo kỹ năng cho các nhóm yếu thế như phụ nữ, thanh niên…

Chia sẻ tầm nhìn tại diễn đàn, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh: “Đại dịch COVID-19 đã tạo ra những khó khăn chưa từng có đối với phần đông người lao động và cả cộng đồng doanh nghiệp, cộng hưởng với những thách thức vô cùng lớn từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đã đặt ra những đòi hỏi và yêu cầu chưa từng có trong tiền lệ và vô cùng khó khăn đối với từng người lao động trong hiện tại và trong tương lai.

Chỉ có nhanh chóng thay đổi tư duy, bắt kịp về nhận thức, nâng cao năng lực bản thân, tiệm cận nhanh nhất với hơi thở của thực tiễn mới giúp người lao động vững vàng trong công việc, chủ động trong cuộc sống và “không bị bỏ lại phía sau”.

Với vai trò là tổ chức đại diện người lao động tại Việt Nam, Công đoàn Việt Nam mong muốn và tin tưởng tất cả các bên cùng nhau hợp tác thiện chí, tích cực thảo luận sẽ xác định được tầm nhìn chung và đưa ra những giải pháp hiệu quả để cải thiện năng lực sẵn sàng thích ứng của người lao động trong bối cảnh kinh tế - xã hội thay đổi nhanh chóng, quan hệ lao động 4.0 đang hình thành ngày càng rõ nét.

Phát biểu tại sự kiện, ông Choi JooHo, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam chia sẻ, cuộc khủng hoảng toàn cầu do COVID-19 gây ra trong 2 năm qua không chỉ gây ra những khó khăn cho nền kinh tế thế giới mà còn đặt ra những thách thức chưa từng có đối với những lợi thế cạnh tranh mà Việt Nam đã tạo dựng được trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thông qua Diễn đàn đa phương 2021, Samsung hy vọng có thể thảo luận với các bên về cơ hội mới mà Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư đã mang lại cho người lao động, đặc biệt là nhóm đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận các cơ hội học tập và phát triển. Từ đó, đóng góp tích cực, hữu ích, cùng chung tay vì một Việt Nam phát triển bền vững.

Theo bà Nguyễn Thu Giang, Đại diện Viện LIGHT, sự tham gia của các tổ chức xã hội giúp lấp đầy khoảng trống về nâng cao năng lực cho người lao động, đặc biệt là các nhóm kỹ năng nhận thức và kỹ năng xã hội; thúc đẩy và đảm bảo quyền của các nhóm yếu thế, các nhóm lao động khu vực phi chính thức, lao động nhập cư....

Vai trò và sự hiện diện của các tổ chức xã hội góp phần đảm bảo sự công bằng, bình đẳng và đa dạng trong cách tiếp cận và quá trình thực thi chiến lược phát triển nguồn nhân lực trong thời kỳ mới tại Việt Nam. 

MSF là một sáng kiến của Samsung Việt Nam, bắt đầu được tổ chức thường niên tại Việt Nam từ năm 2018, nhằm kết nối tri thức, nhiệt huyết, nguồn lực và năng lượng của tất cả các bên liên quan, gồm: cơ quan hoạch định chính sách, các tổ chức phi chính phủ, tổ chức xã hội, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu và các doanh nghiệp.

Thông qua sự kiện thường niên này, các tư tưởng, giải pháp, sáng kiến được chia sẻ và thảo luận, từ đó cảm hứng hành động và năng lượng tích cực được lan tỏa, góp phần giải quyết các vấn đề quan trọng của xã hội Việt Nam một cách hiệu quả./.

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục