Xem xét dùng đá ở Vĩnh Hảo-Phan Thiết làm vật liệu đắp nền cao tốc Bắc-Nam

10:40' - 08/04/2021
BNEWS Ban Quản lý dự án 7 đã trình Bộ Giao thông Vận tải xem xét chấp thuận sử dụng đá tận dụng tại đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết để nghiền thành vật liệu đắp nền đường cao tốc.

Để đảm bảo cung ứng nguồn vật liệu đất đắp phục vụ thi công dự án đường cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu các sở, ngành liên quan làm việc với các ban quản lý dự án, các nhà thầu thi công và các chủ mỏ để xác định số lượng mỏ, trữ lượng đất đắp đạt yêu cầu của dự án, đảm bảo cung ứng đủ nguồn vật liệu đất đắp đạt tiêu chuẩn phục vụ thi công.

Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam qua địa bàn tỉnh Bình Thuận có tổng chiều dài 160 km. Toàn tuyến có 3 dự án thành phần: Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây.

Toàn tuyến dự án đi qua 29 xã, thị trấn thuộc 5 huyện của tỉnh gồm: Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam và Hàm Tân. Toàn tỉnh có 2.650 hộ dân và 34 tổ chức bị ảnh hưởng bởi dự án. Diện tích đất giải phóng mặt bằng của dự án trên địa bàn tỉnh là 1.221 ha.

Ông Nguyễn Hữu Trung, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết, thời gian qua, các sở, ngành liên quan và các huyện có tuyến cao tốc đi qua đã tập trung, tích cực triển khai các công việc theo nhiệm vụ được giao.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thi công hiện còn một số khó khăn. Tính đến ngày 5/4, vẫn còn 28 hộ dân chưa nhận tiền bồi thường.

Trong số đó có 18 hộ thuộc thẩm quyền giải quyết của các huyện và 10 hộ có kiến nghị khác đang được các sở, ngành xem xét, giải quyết.

Bên cạnh đó, theo báo cáo của các Ban Quản lý dự án 7 và Ban Quản lý dự án Thăng Long tại các vị trí đã bàn giao mặt bằng (hộ đã nhận tiền và ký bàn giao mặt bằng) vẫn còn 32 hộ dân chưa di dời, cản trở, gây khó khăn cho các nhà thầu…

Về nhu cầu vật liệu xây dựng, toàn dự án dự kiến cần khối lượng 11,7 triệu m3 đất đắp phục vụ thi công nền đường cao tốc. Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, đoạn Phan Thiết - Vĩnh Hảo cần khoảng 9,2 triệu m3 đất đắp.

Hiện khu vực này có 9 mỏ có giấy phép đang khai thác với tổng trữ lượng khoảng 5 triệu m3; 10 mỏ chưa có giấy phép với tổng trữ lượng khoảng 16 triệu m3.

Tuy nhiên, qua khảo sát của Ban Quản lý dự án 7, số lượng đất lẫn đá và đá phong hóa tại các mỏ có trữ lượng lớn, nhưng không đảm bảo yêu cầu làm vật liệu đắp nền theo yêu cầu kỹ thuật của dự án.

Ban Quản lý dự án 7 đã trình Bộ Giao thông Vận tải xem xét chấp thuận sử dụng 1,1 triệu m3 đá tận dụng tại đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết để nghiền thành vật liệu đắp nền đường cao tốc.

Nếu Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận đề nghị của Ban Quản lý dự án 7 thì số lượng đất lẫn đá và đá phong hóa tại các mỏ sẽ đảm bảo được nguồn vật liệu đắp nền cho dự án.

Đoạn Phan Thiết – Dầu Giây cần khoảng 2,5 triệu m3 đất đắp. Tại đoạn này hiện nay có là 11 mỏ (5 mỏ có giấy phép; 6 mỏ chưa có giấy phép) với tổng trữ lượng đất và đất tầng phủ là 8 triệu m3.

Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án Thăng Long, chỉ có 2 mỏ với trữ lượng đất khoảng 800.000 m3 là đạt yêu cầu kỹ thuật của dự án; khối lượng còn lại là đất lẫn đá và đá phong hóa không sử dụng được theo tiêu chuẩn của dự.

Theo Ban Quản lý dự án Thăng Long, hiện nay các nhà thầu thi công dự án đã tiến hành khảo sát một số đồi đất đủ chất lượng cho dự án (đồi đất nông nghiệp, không trồng trọt cần phải cải tạo).

Vì vậy, Ban Quản lý dự án Thăng Long đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận cho phép sử dụng nguồn vật liệu đất đắp tận thu đất dôi dư trong quá trình cải tạo đất nông nghiệp để phục vụ thi công cao tốc.

Ông Lê Tuấn Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành liên quan làm việc với các ban quản lý dự án, các nhà thầu thi công và các chủ mỏ để xác định số lượng mỏ, trữ lượng đất đắp đạt yêu cầu của dự án, đảm bảo cung ứng đủ nguồn vật liệu đất đắp đạt tiêu chuẩn phục vụ thi công.

Theo ông Lê Tuấn Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, tỉnh cũng đã yêu cầu Ban Quản lý dự án 7 và Ban Quản lý dự án Thăng Long tiếp tục làm việc với các cơ quan chức năng của Bộ Giao thông Vận tải sớm giải quyết kiến nghị liên quan đến đất đắp nền như đất lẫn đá và đá phong hóa, kể cả tận dụng nguồn đá để nghiền thành vật liệu đắp nền đường cao tốc.

Trên cơ sở đó, có văn bản chính thức đề xuất nhu cầu cần cung cấp đất đắp nền ở các gói thầu trên toàn tuyến.

Hiện nay, Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam qua địa bàn tỉnh Bình Thuận đang được triển khai thi công trên toàn tuyến.

Sau khi hoàn thành tuyến cao tốc đi qua địa bàn tỉnh Bình Thuận sẽ kết nối với cao tốc Tp. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, sân bay Long Thành và kết nối các tỉnh kinh tế trọng điểm phía Nam. Đây là điều kiện thuận lợi để Bình Thuận phát triển mạnh, đặc biệt là về du lịch./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục