Xu hướng đa dạng hóa dòng chảy vốn đầu tư thay thế

05:30' - 05/08/2024
BNEWS Các nhà đầu tư thay thế đang chạy đua để đa dạng hóa tài sản sang các quốc gia như Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc.

Điều này diễn ra trong bối cảnh sức hấp dẫn của Trung Quốc như một điểm đến cho đầu tư vốn tư nhân, bất động sản và vốn đầu tư mạo hiểm đang giảm dần.

Preqin, một công ty nghiên cứu đầu tư thay thế ngày 31/7 đã công bố dữ liệu cho thấy, đầu tư vốn tư nhân vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong quý II/2024 là 14,8 tỷ USD, trong đó 5 tỷ USD được dành cho Nhật Bản.

Dữ liệu cho thấy trong các hạng mục khác, hoạt động huy động vốn cho đầu tư hạ tầng cũng đang phục hồi, vì các nhà đầu tư dự đoán nhu cầu đối với nhà máy năng lượng tái tạo, kết nối 5G và trung tâm dữ liệu ở các quốc gia như Ấn Độ sẽ tăng.

Tuy nhiên, đầu tư thay thế trong khu vực vẫn chậm trong quý II/2024, làm nổi bật tác động của sự suy yếu của kinh tế Trung Quốc, căng thẳng địa chính trị giữa Mỹ với Trung Quốc và các điều kiện tín dụng chặt chẽ do lãi suất cao. Trong quý này, hoạt động huy động vốn cho các khoản đầu tư thay thế đã chạm mức thấp nhất trong thập kỷ là 22 tỷ USD, chỉ bằng khoảng 1/5 mức đỉnh gần đây là 98 tỷ USD được ghi nhận vào quý IV/2020.

Bà Angela Lai, Giám đốc APAC và định giá tại Preqin cho biết, trong hạng mục vốn tư nhân, hoạt động giao dịch đang diễn ra với tốc độ bằng khoảng một nửa tốc độ của năm 2021. Các khoản đầu tư thay thế có ít thanh khoản hơn, trái ngược với các tài sản được giao dịch công khai như cổ phiếu. Chúng được coi là rủi ro hơn, nhưng thường tạo ra lợi nhuận cao hơn các tài sản được giao dịch công khai, thu hút sự chú ý của các thể chế đầu tư lớn.

Các nhà đầu tư tại Nhật Bản vẫn đang kết hợp các khoản đầu tư như vậy vào danh mục đầu tư của họ. Ví dụ, Quỹ đầu tư hưu trí của Chính phủ Nhật Bản từng dành riêng 5% danh mục đầu tư của mình cho các tài sản như vậy. Hiện tại, chúng chỉ chiếm 1,5% tổng số.

"Không phải là các nhà quản lý quỹ đang hết tiền để thực hiện các giao dịch", bà Lai cho biết. "Họ có đủ vốn chủ sở hữu để thực hiện điều đó, nhưng vẫn chậm vì mọi người đều rất thận trọng về nơi họ muốn triển khai vốn. Mọi người sẽ mất nhiều thời gian hơn để thẩm định và trải qua toàn bộ quá trình để tìm ra mức giá và cơ hội phù hợp hơn trước đây". Sự thận trọng này hoàn toàn trái ngược với tâm lý lạc quan trước năm 2021, khi các nhà đầu tư theo đuổi các giao dịch và thúc đẩy định giá đầu tư.

Bà Lai cảnh báo rằng sự phục hồi hoàn toàn của hoạt động huy động vốn có thể phải đợi đến năm sau và ngay cả sau đó, quá trình phục hồi có thể sẽ diễn ra dần dần. "Bầu không khí chung vẫn rất thận trọng", bà nói.

Một lý do cho sự suy giảm kéo dài là không có động lực tăng trưởng nào tương đương với tăng trưởng của Trung Quốc trong giai đoạn trước năm 2021. Trong bối cảnh tâm lý đầu tư đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang xấu đi, tiền của nhà đầu tư đang hướng đến các địa điểm khác, bao gồm cả Mỹ.

Trong không gian đầu tư thay thế, vốn đầu tư mạo hiểm và bất động sản, những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi sự suy yếu của kinh tế Trung Quốc, cũng là những lĩnh vực ít được các nhà đầu tư thay thế ưa chuộng nhất. Bên ngoài Nhật Bản, bất động sản "có lẽ là một trong những loại tài sản yếu nhất trong các lựa chọn thay thế", bà Lai nhận định.

Tuy nhiên, nhìn chung, bà tin rằng sự đa dạng hóa ra ngoài Trung Quốc là tích cực. "Các khu vực còn lại có nhiều thứ khác nhau để cung cấp. Bạn vẫn có Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Đó là lý do tại sao chúng tôi vẫn huy động vốn vào các quỹ khu vực".

"Thế nhưng khoảng cách mà Trung Quốc để lại thực sự lớn. Đó là lý do tại sao chúng tôi dự kiến sẽ mất một thời gian để quay trở lại mức trước đó nói chung", bà nói.

Đầu tư thay thế là một tài sản tài chính không thuộc các hạng mục đầu tư thông thường. Các khoản đầu tư thông thường bao gồm: cổ phiếu, trái phiếu và tiền tệ. Hầu hết các khoản đầu tư thay thế được nắm giữ bởi các nhà đầu tư tổ chức hoặc giới siêu giàu, nguyên nhân là vì bản chất phức tạp, yếu tố pháp lý kém và độ rủi ro cao.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục