Xử lý nghiêm vi phạm trong vụ tàu cá hỏng hóc phải nằm bờ

19:43' - 15/08/2019
BNEWS Ngày 15/8, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã trả lời chất vấn về tác động chính sách hỗ trợ ngư dân đóng tàu theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ.

Ngư dân Quảng Bình đóng tàu cá. Ảnh minh họa: TTXVN

Việc đào tạo, huấn luyện kỹ năng biển cho người dân để người dân vừa sản xuất vừa tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo; hiệu quả, tác động chính sách hỗ trợ ngư dân đóng tàu theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản… là những nội dung được đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 15/8.

*Thiết chế hạ tầng nghề cá còn nhiều bất cập

Báo cáo tổng hợp nội dung thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội về việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018 đã chỉ rõ: Việc đóng tàu cá cho ngư dân không bảo đảm chất lượng, gây tốn kém, lãng phí.

Nhắc lại nội dung này, đại biểu Lý Tiết Hạnh (Bình Định) đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá rõ hơn, làm rõ nguyên nhân và có hay không việc vi phạm pháp luật trong quá trình thực hiện nhưng chưa được xử lý kịp thời.

Đại biểu cũng chất vấn Bộ trưởng về hiệu quả, tác động chính sách hỗ trợ ngư dân đóng tàu theo Nghị định 67 và những giải pháp thực hiện.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, Nghị định 67 có rất nhiều nội dung, trong đó có việc tập trung chính sách đầu tư để phát triển các thiết chế hạ tầng nghề cá gồm cảng, khu neo đậu, trung tâm lớn về nuôi trồng. 

Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ tín dụng gồm hỗ trợ lãi suất tín dụng để phát triển lực lượng phương tiện công suất lớn để tham gia đánh bắt ngư trường xa (kế hoạch ban đầu khoảng 2.228 chiếc).

Ngoài ra, Nghị định 67 có nội dung hỗ trợ chính sách bảo hiểm đối với ngư dân vươn khơi xa để vừa bảo vệ chủ quyền vừa phát triển kinh tế.

Liên quan đến nội dung hỗ trợ lãi suất tín dụng phát triển đội tàu, Bộ trưởng thông tin, đến nay sau 5 năm, các tỉnh duyên hải và ngư dân đã đăng ký 1.177 tàu.

Đến ngày 30/6/2019, 1.032 tàu đưa vào hoạt động đánh bắt. Trong quá trình tổ chức, 20 tàu của Bình Định bị phát hiện không đúng chủng loại máy, hỏng hóc bộ phận.

Tỉnh Bình Định, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan liên quan đã vào cuộc, tổ chức khắc phục, sửa chữa trong thời gian nhanh nhất. Đến cuối năm 2017, toàn bộ 20 chiếc tàu hỏng đã được khắc phục xong.

Về xác định nguyên nhân, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định, trách nhiệm đầu tiên là các công ty đóng tàu, ngoài ra còn có liên quan trách nhiệm của cơ quan quản lý từ Trung ương đến địa phương trong đó có Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Bộ đã tiến hành rà soát, xác định cơ quan trực tiếp liên quan đến vấn đề này là Trung tâm Đăng kiểm của Tổng cục Thủy sản.

Bộ đã kiểm điểm, kỷ luật những cán bộ liên quan; cảnh cáo và thu hồi thẻ đăng kiểm của 3 cán bộ, cảnh cáo Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm. 

Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công an vào cuộc, làm rõ sai phạm để xử lý theo đúng quy định pháp luật.

Đánh giá việc thực hiện Nghị định 67, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, Nghị định đã góp phần tăng số tàu khai thác xa bờ thêm 20%, giảm tàu khai thác gần bờ khoảng 13%.

Các chính sách hỗ trợ bảo hiểm ngư dân khơi xa đã được thực hiện khiến ngư dân phấn khởi. Vốn lưu động của ngân hàng hỗ trợ hoạt động kinh tế biển cũng được tập trung.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, việc thực hiện Nghị định 67 còn những bất cập. Theo đó, nhiệm vụ lớn nhất là đầu tư hạ tầng phát triển nghề cá chưa tương xứng, mới đầu tư được 83/125 cảng cá (bằng 66%), 83/146 khu neo đậu (bằng 57% theo quy hoạch).

Kinh phí từ năm 2011 – 2015 và giai đoạn 2 từ 2016 - 2020 tổng chỉ được đầu tư hơn 7.249 tỷ đồng trên nhu cầu phê duyệt 28.000 tỷ đồng dẫn đến thiết chế hạ tầng cơ bản nghề cá còn rất nhiều bất cập.

Liên quan đến vấn đề tín dụng, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho hay, khi chủ tàu được hỗ trợ đầu tư nhưng do lý do khách quan, họ không đi biển được nữa thì không biết chuyển giao cho ai, dễ dẫn đến nợ xấu và lãng phí phương tiện.

Ngoài ra, quá trình hỗ trợ kéo dài, chia thành nhiều đợt gây khó khăn cho chủ tàu trong quá trình quản lý, khai thác.

Để khắc phục các vấn đề này, ngày 2/2/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 17 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản.

Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp với các địa phương rà soát lại quá trình thực hiện Nghị định 67 để tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ, cuối năm 2019 tổng kết toàn bộ nội dung, phục vụ cho định hướng chủ trương mới.

*Tuyên truyền kỹ năng ứng phó với thiên tai cho ngư dân

Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) đề nghị Chính phủ cho biết tình hình thực hiện việc đào tạo, huấn luyện kỹ năng biển cho người dân để người dân vừa sản xuất vừa tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, hiện nay, cả nước có khoảng 95.500 tàu các loại với nguồn nhân lực tham gia phát triển kinh tế biển xấp xỉ 1 triệu người.

Lĩnh vực này hiện có ba vấn đề lớn đặt ra. Đó là làm sao để ngư dân khai thác thủy sản hiệu quả; làm sao vừa hỗ trợ ngư dân mà lại làm tốt công tác bảo vệ an ninh trên biển.

Bên cạnh đó, Biển Đông là vùng bị ảnh hưởng rất lớn khi có thiên tai, là “rốn bão” ở Thái Bình Dương nên việc giúp ngư dân phòng tránh thiên tai là nhiệm vụ quan trọng.

“Chính vì thế, công tác ứng phó với thiên tai được các cấp, các ngành, địa phương quan tâm thông qua các hoạt động từ quy hoạch, chiến lược, đề án… nhằm tăng cường cơ sở vật chất cho ngư dân”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho hay. 

Theo người đứng đầu ngành Nông nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 930/QĐ-TTg tập trung tuyên truyền cho ngư dân, đồng thời tiếp tục triển khai thực hiện Luật Thủy sản.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tập trung đầu tư cơ sở vật chất, tổ chức tập huấn cho ngư dân ở 28 tỉnh duyên hải để người dân vươn khơi bám biển được an toàn.

Liên quan đến công tác ứng phó thiên tai, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, ba năm qua, trên biển Đông đã có 51 cơn bão và áp thấp.

Các lực lượng đã tổ chức tuyên truyền cho ngư dân cách phòng tránh thiên tai. Kết quả là đã có 2,1 triệu phương tiện và 9,5 triệu người đã được di dời phòng tránh bão, đảm bảo an toàn khi hoạt động trên biển. “Điều này chứng minh chúng ta đã làm khá đồng bộ giữa các cơ quan Trung ương với các địa phương, nghiệp đoàn và người dân. Chúng ta cũng tập trung tuyên truyền để bảo đảm liên kết, hình thành các nghiệp đoàn. Lênh đênh trên biển, nguy cơ xảy ra rủi ro rất cao, rất cần sự liên kết”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh đồng thời dẫn chứng việc tỉnh Khánh Hòa và một số tỉnh đang có nhiều mô hình liên kết bạn tàu, hỗ trợ lẫn nhau, ngư dân cùng với doanh nghiệp, khuyến khích thi đua. 

Về trang thiết bị, Bộ trưởng cho biết, 82 cảng cá, 58 khu neo đậu đang từng bước được nâng cấp. Các loại tàu 24 m trở lên đang lắp đặt thiết bị hành trình.

Tàu từ 15 m đến dưới 24 m tới đây cũng trang bị toàn bộ. “Các nhóm giải pháp được triển khai đồng bộ để sớm rút "thẻ vàng", trở về trạng thái thẻ xanh", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết thêm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục