Xuất khẩu nông sản, thủy sản của Hàn Quốc lầu đầu tiên vượt mốc 10 tỷ USD

15:55' - 28/11/2021
BNEWS Từ 1/1-25/11, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản và thủy sản của Hàn Quốc đạt 10,13 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước.

Bộ Nông nghiệp, Lương thực và Các vấn đề nông thôn Hàn Quốc cho biết đây là lần đầu tiên xuất khẩu nông sản và thủy sản của Hàn Quốc vượt mốc 10 tỷ USD kể từ khi nước này bắt đầu tổng hợp dữ liệu vào năm 1971. Kết quả khả quan này là nhờ sự phổ biến của "hallyu" (làn sóng văn hóa Hàn Quốc trên thế giới).

Năm 2020, xuất khẩu nông sản và thủy sản của Hàn Quốc cũng đạt mức cao kỷ lục 9,87 tỷ USD bất chấp làn sóng thứ tư của đại dịch COVID-19. Các mặt hàng dẫn đầu trong danh sách xuất khẩu phải kể đến dâu tây, bưởi, rong biển, cũng như các thực phẩm truyền thống như kim chi và nhân sâm.

Các sản phẩm rong biển của Hàn Quốc là mặt hàng xuất khẩu thực phẩm số 1, với kim ngạch xuất khẩu đạt 600 triệu USD trong giai đoạn từ ngày 1/1-25/11. Các lô hàng kim chi và nhân sâm cũng tăng mạnh nhờ sự phổ biến của hallyu và nhu cầu từ những người tiêu dùng có ý thức về sức khỏe trên toàn cầu.

Gần đây, Hiệp hội Thương mại quốc tế Hàn Quốc (KITA) dự báo xuất khẩu của nền kinh tế lớn thứ tư châu Á sẽ đạt mức cao kỷ lục trong năm 2021 do nhu cầu nước ngoài đối với những sản phẩm chủ lực của nước này tăng mạnh, giữa bối cảnh nền kinh tế thế giới phục hồi và dự kiến tiếp tục đà tăng trưởng cao trong năm tới.

Theo KITA, các lô hàng xuất ra nước ngoài trong năm nay dự kiến sẽ tăng 24,1% so với năm trước, đạt 636,2 tỷ USD. Trong khi đó, nhập khẩu dự kiến cũng tăng 29,5%, đạt 605,7 tỷ USD.

Trong báo cáo triển vọng kinh tế sửa đổi được công bố vào ngày 25/11, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay ở mức 4%. Báo cáo của BoK cho thấy cơ quan này đánh giá cho dù làn sóng dịch thứ tư của đại dịch COVID-19 đang diễn biến nghiêm trọng, nhưng sẽ không có thiệt hại lớn đối với đà phục hồi kinh tế.

Điều này cũng đồng nghĩa với suy đoán sẽ không có biện pháp bổ sung nào để hạn chế hoạt động kinh tế được áp đặt ngay cả khi số lượng ca nhiễm COVID-19 tiếp tục tăng lên.

Tuy nhiên, có nhiều ý kiến lo ngại rằng khó có thể đạt được mức tăng trưởng như dự báo nếu các biện pháp phòng dịch như các quy định về giãn cách xã hội được áp đặt trở lại./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục