Ý kiến trái chiều quanh dự luật của Canada về giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính

08:06' - 21/11/2020
BNEWS Chính phủ liên bang Canada vừa trình lên Quốc hội dự luật cho phép nước này đạt mục tiêu đưa lượng khí phát thải ròng về bằng 0 vào năm 2050.

Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, dự luật yêu cầu chính phủ liên bang phải đặt ra mục tiêu cụ thể từ năm 2030 trở đi; thành lập một ban cố vấn; trao quyền cho ủy viên môi trường để xem xét, đánh giá công việc của chính phủ và trao quyền tối cao cho Bộ trưởng Môi trường trong việc đặt ra các mục tiêu và đưa ra các kế hoạch để đạt được các mục tiêu này.

Dự luật nhằm đảm bảo Canada đáp ứng các cam kết quốc tế về giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.

Trên mạng xã hội Twitter, Thủ tướng Canada Justin Trudeau viết: "Khí thải ròng về bằng 0 vào năm 2050. Đó là (mục tiêu) tham vọng, song khả thi và điều đó là cần thiết và là điều chính xác mà chúng ta sẽ thực hiện".

Ông nhấn mạnh lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính phải được cắt giảm nếu Canada muốn đạt được mục tiêu trên. Trong khi đó, Bộ trưởng Môi trường Jonathan Wilkinson khẳng định, dự luật này cho thấy quyết tâm của Canada để trở thành một đối thủ nặng ký trên thị trường năng lượng sạch ở quy mô toàn cầu.

Tuy nhiên, dự luật đã vấp phải sự hoài nghi từ các đảng đối lập. Chính phủ thiểu số của Thủ tướng Trudeau đang phải dựa vào các đảng đối lập để có thể thông qua dự luật tại Quốc hội. Hiện chưa một đảng đối lập nào cam kết ủng hộ dự luật này.

Khối Quebec (Bloc Québécois), đảng Dân chủ mới (NDP) và đảng Xanh đều ghi nhận tầm quan trọng của việc xây dựng luật liên quan đến các mục tiêu giảm khí thải, nhưng chỉ trích quyết định của Ottawa từ bỏ mục tiêu năm 2025. Các đảng đối lập cũng cho rằng cần sửa đổi dự luật để xây dựng trách nhiệm giải trình nhiều hơn.

Trong chiến dịch tranh cử năm 2019, đảng Tự do đã cam kết đặt ra “các mốc 5 năm có tính ràng buộc về pháp lý” để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Vì các mục tiêu năm 2025 đã bị loại bỏ nên các mục tiêu cắt giảm có thể chỉ áp dụng cho các chính phủ trong tương lai.

Canada đã bỏ lỡ mục tiêu năm 2012 theo Nghị định thư Kyoto và đang trên đà bỏ lỡ mục tiêu năm 2020 với lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính khoảng 100 megaton./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục