Ý nghĩa của cuộc gặp giữa Thủ tướng Ấn Độ và Tổng thống Nga (Phần 1)

05:30' - 31/05/2018
BNEWS Ấn Độ và Nga đang cần xác định lại nhiều mối quan hệ hợp tác truyền thống trong bối cảnh cục diện địa chính trị quốc tế đang biến đổi nhanh chóng.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) gặp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 21/5, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã tới Nga và có cuộc gặp không chính thức với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Đối với New Delhi, cuộc gặp này có ý nghĩa vô cùng đặc biệt. 
Một mặt, Ấn Độ ngày càng được coi là đối tác chiến lược trụ cột của Mỹ, nhưng mặt khác, lại có nguy cơ bị Washington trừng phạt nặng nề do tiếp tục mua vũ khí của Nga, nước bị Mỹ coi là đối thủ hàng đầu.
Theo báo chí Ấn Độ, vấn đề ưu tiên hàng đầu của cuộc gặp này là tác động đối với nền kinh tế của Ấn Độ và Nga sau một loạt vấn đề như quyết định của Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, tình hình tại Afghanistan và Syria, nguy cơ khủng bố cũng như các vấn đề liên quan đến Tổ chức Hợp tác Thượng Hải và Khối BRICS, mà Ấn Độ và Nga là thành viên. 
Mở rộng hợp tác về hạt nhân dân sự, hợp tác về tuyến đường giao thông quốc tế Bắc Nam (INSTC - từ Ấn Độ đến châu Âu qua Nga và khu vực Trung Á), đặc biệt là vấn đề mua bán vũ khí trong bối cảnh Mỹ ra luật trừng phạt các công ty có hợp đồng quân sự lớn với Nga, cũng có thể là những nội dung chính của chương trình.
Chuyên gia chính trị quốc tế Harsh Pant, trong một bài viết ít ngày trước chuyến công du của Thủ tướng Modi đến Nga, ghi nhận: "Ấn Độ có mối quan hệ đồng minh lâu đời với Nga, nhưng mối quan hệ truyền thống này hiện đứng trước áp lực phải thay đổi, do các thực tế địa-chính trị đang biến đổi nhanh chóng". Mặc dù về mặt chính thức, New Delhi và Moskva vẫn tuyên bố hợp tác chặt chẽ, nhưng những khác biệt giữa hai bên “đang liên tục xuất hiện với một nhịp độ đáng ngại”.
Quan hệ phai nhạt?
Vấn đề hàng đầu đối với Ấn Độ là Nga ngày càng có xu hướng xích lại gần với Pakistan, quốc gia láng giềng và cũng là đối thủ của New Delhi. Trong quá khứ, Moskva thường hậu thuẫn Ấn Độ tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua việc bỏ phiếu phủ quyết các nghị quyết liên quan đến vấn đề Kashmir, vùng lãnh thổ tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan. 
Tuy nhiên, thời gian gần đây, khu vực Nam Á ngày càng trở thành đối tượng ưu tiên của Nga trong bối cảnh Moskva bị cô lập do các lệnh trừng phạt của phương Tây kể từ năm 2014. Lần đầu tiên Nga ủng hộ một đường ranh giới tại Kashmir bằng việc tham gia Tuyên bố chung Islamabad tại một hội nghị quốc tế diễn ra ở thủ đô Pakistan tháng 12/2017, với sự tham gia của 5 quốc gia khác là Afghanistan, Trung Quốc, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Pakistan. 
Tuyên bố chung nhấn mạnh: “Để bảo đảm hòa bình và ổn định trên thế giới cũng như trong khu vực, vấn đề Jammu và Kashmir cần phải được Pakistan và Ấn Độ giải quyết thể theo các nghị quyết của Hội đồng Bảo an”.
Trong chuyến công du New Delhi tháng 12/2017, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov công khai hối thúc Ấn Độ tham gia sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) của Bắc Kinh. 
Về lập trường đối kháng của New Delhi đối với Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan (một bộ phận chính của BRI tại Nam Á) do các vấn đề chủ quyền, Ngoại trưởng Nga nhấn mạnh Ấn Độ không nên để các cơ hội hợp tác trong dự án này phụ thuộc vào việc giải quyết một số “bất đồng về chính trị”.
Một vấn đề quan trọng khác mà Ngoại trưởng Nga tỏ ra bất bình với New Delhi là việc Ấn Độ tham gia “Bộ Tứ” Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương do Mỹ đứng đầu, mà Ấn Độ tham gia cùng với Nhật Bản và Australia. Theo Lavrov, không thể để cho “kiến trúc an ninh khu vực lâu dài tại châu Á-Thái Bình Dương” bị phụ thuộc vào quyết định của một khối như vậy.
Tóm lại, theo chuyên gia Harsh Pant, những thay đổi mang tính nền tảng của môi trường chính trị quốc tế đang khiến Ấn Độ và Nga, hai quốc gia vốn gắn bó lâu đời, xa nhau hơn. Đổi mới quan hệ "tay ba" Ấn-Nga-Trung là vấn đề chủ yếu trong chính sách quốc tế hiện nay của Ấn Độ.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục