Điều tra nghi vấn Nga can thiệp bầu cử Mỹ chuyển sang giai đoạn nguy hiểm hơn

13:02' - 31/10/2017
BNEWS Cuộc điều tra nghi vấn Nga can dự vào bầu cử tổng thống Mỹ 2016 đã chuyển sang một giai đoạn mới khi công tố viên đặc biệt Robert Mueller tung ra các cáo buộc.
Công tố viên đặc biệt Robert Mueller. Ảnh: AFP

Cuộc điều này đã chuyển sang giai đoạn được cho là nguy hiểm hơn đối với chính quyền Mỹ sau khi công tố viên đặc biệt Robert Mueller ngày 30/10 tung ra một loạt cáo buộc nhằm vào 2 cựu thành viên trong đội ngũ tranh cử của Tổng thống Donald Trump.

Cựu chủ tịch chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump, Paul Manafort và đồng sự Rick Gates đã bị cáo buộc 12 tội danh từ rửa tiền, âm mưu chống lại nước Mỹ..... Tuy nhiên, tại tòa án liên bang ở Washington,cả hai nhân vật này đều đã bác bỏ mọi cáo buộc. Hai ông đã được thả sau khi nộp tiền bảo lãnh.

Một thẩm phán liên bang của Mỹ đã áp đặt lệnh quản thúc tại gia đối với ông Manafort và Gates, vốn cũng đang đối mặt với các cáo buộc liên quan đến số tiền hàng triệu USD mà họ nhận được từ cựu Tổng thống Ukraine, ông Viktor Yanukovych. Theo kế hoạch, một phiên tòa xét xử khác sẽ diễn ra vào ngày 2/11 tới.

Là một chuyên gia tư vấn chính trị, ông Manafort từng làm việc cho đảng cầm quyền tại Ukraine và đảm nhiệm vai trò dẫn dắt chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ của tỷ phú Trump trong thời gian từ tháng 6 đến tháng 8/2016.

Ông cũng từng là mục tiêu của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) từ năm 2014 khi cơ quan này điều tra công việc mà các nhóm tư vấn có trụ sở tại Washington thực hiện liên quan tới đảng cầm quyền ở Ukarine thời điểm đó.

Cuộc điều tra này đã bị gián đoạn hồi năm ngoái do thiếu chứng cứ và sau đó được nối lại theo lệnh gia hạn của tòa án, kéo dài tới ít nhất là đầu năm nay. Lệnh gia hạn này có liên quan tới cuộc điều tra về nghi vấn các thành viên trong đội ngũ tranh cử của Tổng thống Trump có liên lạc với phía Nga.

Trong một phản ứng, người phát ngôn Nhà Trắng, bà Sarah Sanders tuyên bố các bản cáo trạng nhằm vào 2 thành viên trong chiến dịch tranh cử của ứng cử viên tổng thống đắc cử Trump không liên quan tới cá nhân tổng thống hoặc chiến dịch tranh cử của ông và cũng không cho thấy bằng chứng về sự thông đồng giữa chiến dịch này và Nga.

Bà Sanders khẳng định không tồn tại bằng chứng về mối liên hệ giữa ông Trump và giới chức Nga và bản cáo trạng này không thể thay đổi điều này.

Ngoài ra, bà Sanders khẳng định Tổng thống Trump không có kế hoạch hay ý định thay thế công tố viên đặc biệt Mueller, người có nhiệm vụ điều tra về nghi vấn Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.

Cùng ngày, văn phòng công tố viên đặc biệt Mueller cho biết George Papadopolous, người gia nhập đội ngũ tranh cử của ông Trump hồi tháng 3/2016 và là cựu cố vấn chính sách đối ngoại của ông Trump, đã thừa nhận tội nói dối các đặc vụ của FBI về các cuộc tiếp xúc với những người tự nhận có quan hệ với giới chức cấp cao Nga.

Cụ thể, theo công tố viên đặc biệt Mueller, hồi tháng 1/2017, ông Papadopolous đã nói dối về việc liên lạc với một số cá nhân để sắp xếp cuộc gặp giữa ông Trump, khi đó là ứng cử viên Tổng thống của đảng Cộng hòa, và Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Những cáo buộc liên quan đến mối quan hệ giữa Tổng thống Trump và Nga đã phủ bóng đen trong suốt những tháng cầm quyền đầu tiên của người đứng đầu Nhà Trắng. Cho đến nay, Tổng thống Trump bác bỏ mọi cáo buộc đội ngũ tranh cử của ông câu kết với Nga và gọi cuộc điều tra này là một cuộc "săn phù thủy".

Tổng thống Mỹ cũng chỉ trích việc điều tra hoạt động tài chính của ông và cảnh báo hành động này của ông Mueller sẽ vượt qua "giới hạn đỏ".

Chính quyền của Tổng thống Nga Putin cũng bị cáo buộc tiến hành chiến dịch tấn công mạng và tiết lộ những thông tin gây bất lợi cho ứng cử viên Hillary Clinton, đối thủ của ông Trump trong cuộc bầu cử. Tuy nhiên, Moskva luôn bác bỏ những cáo buộc này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục