Đối thoại định kỳ năm 2017 về an toàn vệ sinh lao động

20:53' - 15/12/2017
BNEWS Ngày 15/12, tại Hà Nội, Hội đồng Quốc gia về an toàn vệ sinh, an toàn lao động đã tổ chức buổi Đối thoại Hội đồng quốc gia về an toàn vệ sinh lao động năm 2017.
Đối thoại Hội đồng quốc gia về an toàn vệ sinh lao động năm 2017. Ảnh: Anh Tuấn - TTXVN

Tham dự hội nghị gồm có ông Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc gia về An toàn vệ sinh an toàn lao động; ông Chang Hee Lee, Giám đốc tổ chức Lao động quốc tế tại Hà Nội; các thành viên của Hội đồng và đại diện một số hiệp hội doanh nghiệp và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các địa phương.

Đây là buổi đối thoại đầu tiên với sự tham gia đầy đủ của các cơ quan nhà nước nhằm trao đổi những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn vệ sinh lao động và ý kiến đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về an toàn vệ sinh lao động.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cho biết, sau khi Luật an toàn vệ sinh lao động được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/7/2016, các hoạt động triển khai, phổ biến Luật đã được triển khai rộng khắp trên toàn quốc, tới cả khu vực không có quan hệ lao động. Hệ thống thống kê, báo cáo tai nạn lao động đã được thiết lập đến các phường, xã cho phép thống kê đầy đủ hơn các tai nạn lao động xảy ra trên toàn quốc, đặc biệt với khu vực không có quan hệ lao động.

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Anh Tấn - TTXVN

Các cơ chế chính sách phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong khu vực có quan hệ lao động cũng được thúc đẩy thông qua các quy định hướng dẫn chi tiết về kiểm soát nguy cơ và rủi ro, để phòng ngừa rủi ro theo cơ chế bảo hiểm, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Hội đồng quốc gia và hệ thống hội đồng cấp tỉnh về an toàn vệ sinh lao động đã được thành lập để thực thi nhiệm vụ nhằm chia sẻ thông tin, tăng cường sự hiểu biết giữa người sử dụng lao động, người lao động, tổ chức công đoàn, tổ chức đại diện người sử dụng lao động và các cơ quan nhà nước để thúc đẩy việc cải thiện các điều kiện làm việc công bằng, an toàn cho người lao động, nâng cao hiệu quả xây dựng chính sách, pháp luật về an toàn vệ sinh lao động .

Sau một thời gian chuẩn bị và tập hợp ý kiến đối thoại trên toàn quốc, đến nay, Hội đồng đã nhận ý kiến từ 50 cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân với 157 câu hỏi, kiến nghị, đề xuất nhóm theo 57 vấn đề thuộc 8 nhóm nội dung chính.

Tại hội nghị, ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động, Trưởng ban thư ký Hội đồng quốc gia về an toàn vệ sinh lao động đã giải trình một số ý kiến từ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp gửi đến Hội đồng và một số ý kiến liên quan đến Bộ Lao đông - Thương bình và Xã hội như ý kiến về việc bồi dưỡng bằng hiện vật; Thay đổi cách tính 4 mức bồi dưỡng bằng hiện vật căn cứ mức lượng cơ sở hoặc tối thiểu vùng; Nhóm ý kiến về nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm...

Ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động. Ảnh: Anh Tuấn - TTXVN

Đối với ý kiến về việc bồi dưỡng bằng hiện vật theo Điều 24 luật an toàn vệ sinh lao động là không cần thiết của đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản, ông Hà Tất Thắng cho hay về nguyên tắc yêu cầu doanh nghiệp phải cải thiện điều kiện lao động, sử dụng thiết bị công nghệ hiện đại để không có yếu tố nguy hiểm là ưu tiên số một. Trong trường hợp chưa thể khắc phục được hết các yếu tố nguy hiểm, độc hại thì phải tổ chức bồi dưỡng bằng hiện vật cho người lao động. Mục đích của chế độ này là để phục hồi sức khỏe, thải độc cho cơ thể phòng chống bệnh nghề nghiệp, duy trì sức khỏe người lao động trong lâu dài. Việc giảm thời gian lao động chỉ là một trong các biện pháp phục hồi sức khỏe người lao động. Vì vậy, doanh nghiệp cần chủ động tổ chức cải tiến cách quản lý và thực hiện để đảm bảo thuận lợi.

Tiếp nối ý kiến về bồi dưỡng bằng hiện vật, đại diện Tập đoàn Cao su Việt Nam cho ý kiến việc thay đổi cách tính 4 mức bồi dưỡng hiện vật có thể căn cứ vào mức lương cơ sở hoặc lương tối thiểu vùng và hiện chưa có văn bản hướng dẫn, quy định chung về tiêu chí lựa chọn hàng hóa phù hợp nên doanh nghiệp chưa có cơ sở hướng dẫn. Giải trình ý kiến này, ông Thắng cho hay mức lương cơ sở, lương tối thiểu được xác định dựa trên nhiều yếu tố, trong khi bồi dưỡng hiện vật chỉ xác định theo thực phẩm để bồi dưỡng thải độc. Vì vậy, sự tăng giảm của 2 nội dung này không đồng nhất, có thể lương tối thiểu tăng nhưng thực phẩm để thải độc vẫn có sẵn và không tăng giá nên không thể điều chỉnh theo tỷ lệ thuận được. Đối với tiêu chí lựa chọn hàng hóa phù hợp thì tùy thuộc vào yếu tố nặng nhọc, có hại tiếp xúc để xác định cơ cấu hiện vật để bồi dưỡng phù hợp việc thải độc. Tuy vậy, quy định pháp luật giao cho người sử dụng lao động chủ động xác định nhằm đảm bảo sự linh hoạt.

Điều 14 Luật an toàn vệ sinh lao động theo quy định doanh nghiệp được tự huấn luyện nếu đáp ứng điều kiện như tổ chức huấn luyện. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng quy định như vậy rất khắt khe và không khả thi với doanh nghiệp, nhất là về giảng viên huấn luyện và không phù hợp với điều kiện thực tế của doanh nghiệp.

Phản hồi lại ý kiến này, ông Thắng khẳng định, quy định này nhằm đảm bảo chất lượng huấn luyện, góp phần giúp doanh nghiệp giảm thiểu nguy cơ tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, phát triển bền vững thông qua công tác huấn luyện để nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng, phương pháp làm việc an toàn vệ sinh lao động cho người lao động.

“Đây là quy định mở nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động thực hiện hoạt động huấn luyện khi đáp ứng các yêu cầu trên. Thực tế đến nay đã có nhiều doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu và thực hiện như Tổng công ty hoá chất mỏ, Công ty cổ phần Cảng Quảng Ninh, Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn, Liên doanh Dầu khí Vietsovpetro, Công ty Ô tô Trường Hải ... và nhiều doanh nghiệp khác

Cũng tại hội nghị, các đại diện của Bộ Y tế, Xây dựng, Công thương, Giao thông vận tải, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng giải trình về các ý kiến liên quan đến lĩnh vực của ngành.

Ngoài ra, đại diện các bộ, ngành, các doanh nghiệp, địa phương cũng đưa ra các ý kiến, thảo luận nhằm hoàn thiện chính sách pháp luật về kiểm định kỹ thuật an toàn lao động; quản lý các máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động, huấn luyện an toàn vệ sinh lao động; hoàn thiện chính sách pháp luật về tai nạn lao động, một số chế độ cho người lao động, quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục