Gỡ vướng trong lĩnh vực thuế để doanh nghiệp “khỏe”

08:02' - 17/04/2016
BNEWS “Sức khỏe” của doanh nghiệp luôn được coi là thước đo của bất kỳ một nền kinh tế nào. Bởi doanh nghiệp khỏe, có số thu tốt mới đóng góp tích cực vào ngân sách quốc gia.
Gỡ vướng trong lĩnh vực thuế để doanh nghiệp “khỏe”. Ảnh: Hoàng Hùng-TTXVN

Do vậy, vấn đề tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong lĩnh vực thuế luôn được ngành tài chính ưu tiên, nhất là trong thời điểm hội nhập ngày một sâu rộng này.

Ông Phạm Từ Liêm, Tổng Giám đốc Công ty truyền thông MCV cho biết, là một đơn vị làm truyền thông liên quan đến lĩnh vực sản xuất chương trình, phim nên hoạt động của công ty trải dài khắp cả nước.

Đặc thù nghề nghiệp bắt buộc doanh nghiệp phải thuê một số thiết bị như: âm thanh, ánh sáng, phòng nghỉ…

Tuy nhiên, trên thực tế phát sinh việc doanh nghiệp khi thanh toán “bị dính” hóa đơn của công ty bỏ trốn và không được cơ quan thuế chấp nhận.

“Các đoàn thuê âm thanh, ánh sáng ở nhiều địa phương khác nhau. Cả đoàn mấy trăm con người ăn thật, ở thật nhưng khi thanh toán thì nhận được phản hồi là hóa đơn của doanh nghiệp bỏ trốn. Công ty thậm chí nghĩ ra cách là mỗi đoàn đi làm phim cấp thẻ master để đến các vùng quẹt thẻ, thanh toán qua thẻ nhưng cũng không giải quyết được. Hai năm trước, làm việc với doanh nghiệp ánh sáng đã quen từ trước vẫn thấy họ là doanh nghiệp “khoẻ”, làm ăn tốt nhưng vừa qua lại bị liệt vào danh sách doanh nghiệp bỏ trốn”, ông Liêm chia sẻ.

Trước thực tế này, ông Liêm đề nghị chi cục thuế, cục thuế hướng dẫn, giúp đỡ để doanh nghiệp nhận biết được đâu là đối tượng doanh nghiệp thuộc diện bỏ trốn, tránh gặp trường hợp tương tự như trên.

Công ty truyền thông MCV chỉ là một trong số các doanh nghiệp đang gặp vướng khi nộp tiền thuế.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp có nguyện vọng, thông tin liên quan đến nộp tiền thuế qua ngân hàng cần được Cục Thuế xác nhận về tình trạng: khoản nào nộp đủ, nộp thừa để doanh nghiệp biết xử lý kịp thời.

Lý do để doanh nghiệp lên tiếng về vấn đề này là bởi hiện doanh nghiệp nộp tiền thuế thông qua hệ thống ngân hàng nhưng mới chỉ có giấy báo xác nhận là đã nộp tiền chứ chưa có xác nhận của cơ quan thuế về các khoản thu này.

Nhiều doanh nghiệp mong muốn xác nhận, phản hồi cụ thể về vấn đề nộp tiền thuế cần được gửi bằng email.

Bởi bản thân chủ doanh nghiệp không thường xuyên ở văn phòng để đọc báo cáo, tài liệu mà thường phải đi giao dịch ở các địa phương.

Doanh nghiệp mong muốn, xác nhận này rõ ràng như xác nhận của ngân hàng khi khách hàng chuyển tiền hay nộp tiền vào tài khoản.

Ông Nguyễn Văn Hổ, Phó Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội cho biết, ngành thuế đang thực hiện theo cơ chế doanh nghiệp tự kê khai, tự nộp, tự chịu trách nhiệm, tự đặt in hóa đơn.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, có trường hợp doanh nghiệp khi thực hiện theo cơ chế này nhưng không thấy hoạt động.

Cục Thuế đang giao phòng chuyên môn để tập hợp hóa đơn của doanh nghiệp bỏ trốn báo cáo lên Tổng cục Thuế.

Theo đó, trước mắt, doanh nghiệp có thể lên website của Tổng cục Thuế để tra cứu hóa đơn của doanh nghiệp bỏ trốn.

Tuy nhiên, do số lượng hóa đơn thuộc dạng này khá lớn nên việc tra cứu gặp nhiều khó khăn. Ngành thuế đang đẩy mạnh triển khai hóa đơn điện tử để giải quyết căn bản vấn đề trên.

Bên cạnh đó, thời gian qua, Cục Thuế Hà Nội thực hiện trao đổi thông tin với người nộp thuế thông qua hình thức gửi email.

Hàng tháng có soạn thảo, nhắc lại chính sách mới để gửi tới doanh nghiệp và chỉ dẫn cụ thể đường link. Do vậy, gần đây, việc doanh nghiệp hỏi về văn bản mới đã giảm đi rất nhiều.

Câu chuyện hoàn thuế còn khó khăn đã được các doanh nghiệp đề cập nhiều trong thời gian gần đây. Các doanh nghiệp cho rằng, việc này ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn vốn hoạt động của doanh nghiệp và gây ra nhiều hệ lụy khác.

Thực tế qua kiểm tra một số doanh nghiệp nợ thuế lớn cho thấy, có trường hợp doanh nghiệp nợ tiền thuế đến 20 tỷ đồng nhưng đơn vị khác lại nợ tiền doanh nghiệp trên. Bản thân đơn vị nợ của doanh nghiệp lại chưa được cơ quan thuế hoàn thuế một số tiền khá lớn. Chung quy lại, “nợ nần” nhau cuối cùng lại đổ lên đầu doanh nghiệp.

Tư vấn cho NNT tại bàn bàn phụ trách hoàn thuế Cục Thuế Hà Nội tại Giảng Võ, Hà Nội. Ảnh: Hoàng Hùng–TTXVN

Theo thống kê của ngành tài chính, 2 tháng đầu năm nay, số lượng hồ sơ doanh nghiệp gửi đến cơ quan thuế để hoàn cơ bản được giải quyết hết 3.100 hồ sơ với tổng số 13.000 tỷ đồng hoàn thuế; trong đó, 52% là hoàn thuế trước kiểm tra sau và 48% thực hiện kiểm tra trước, hoàn thuế sau. Doanh nghiệp bị chậm hoàn là 287 hồ sơ.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng, chậm hoàn thuế đối với những trường hợp nêu trên có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Thứ nhất, doanh nghiệp nợ ngân sách nhà nước và ngân sách nhà nước cũng phải hoàn thuế cho doanh nghiệp nhưng thực tế lại chưa ban hành quy định bù trừ.

Quy định hiện tại yêu cầu doanh nghiệp phải nộp hết tiền thuế mới được hoàn. Hiện có khoảng 20 doanh nghiệp nằm trong trường hợp này.

Tiếp đến là do kinh phí hoàn thuế. Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã khẳng định, kinh phí hoàn thuế không thiếu, hiện là 3.800 tỷ đồng nhưng có hiện tượng tỉnh thừa, tỉnh thiếu.

Bên cạnh đó, 287 trường hợp doanh nghiệp bị chậm hoàn thuế trên, cơ bản hồ sơ hoàn thuế của doanh nghiệp không đảm bảo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

Trước những khó khăn về hoàn thuế của doanh nghiệp, gần đây nhất, Bộ Tài chính đã có Công văn số 3357/BTC-TCT ngày 14/3/2016 về việc quản lý chi hoàn thuế giá trị gia tăng.

Theo đó, Cục Thuế phải thực hiện cập nhật đầy đủ tờ khai thuế, hồ sơ đề nghị hoàn thuế và các thông tin liên quan đến quá tŕnh giải quyết hoàn thuế cho người nộp thuế, dự thảo quyết định hoàn thuế vào Hệ thống quản lý thuế của ngành thuế.

Kể từ thời điểm nhận được danh sách đề nghị phê duyệt Quyết định hoàn thuế gía trị gia tăng của Cục Thuế, Tổng cục Thuế có trách nhiệm giám sát, kiểm tra hồ sơ giải quyết hoàn thuế trên Hệ thống quản lý thuế của ngành.

Trường hợp Cục Thuế thực hiện đầy đủ, đúng quy định, trong thời gian không quá 6 giờ làm việc, Tổng cục Thuế thông báo kết quả giám sát hoàn thuế gía trị gia tăng gửi Cục Thuế qua hệ thống thư điện tử.

Căn cứ kết quả thông báo của Tổng cục Thuế, Cục Thuế sẽ ban hành quyết định hoàn thuế và tự động cập nhật hệ thống cơ sở dữ liệu về người nộp thuế quyết định này.

Như vậy, việc kịp thời ban hành Công văn 3357/BTC-TCT về việc quản lý chi hoàn thuế giá trị gia tăng đã tháo gỡ một phần vướng mắc của doanh nghiệp trong lĩnh vực thuế nhất là đối với vấn đề hoàn thuế.

Tuy nhiên, để chính sách thuế thực sự đi vào cuộc sống, không còn những điểm vướng trói chân doanh nghiệp, thì vẫn cần những cải cách toàn diện hơn.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục